Đàm phán liên Triều: Tưởng vậy mà không phải vậy

Không ít người cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thành công trong việc khai thác “rạn nứt” trong quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Hàn Quốc khi để ngỏ thiện chí đối thoại với Seoul. Tuy nhiên, sẽ là hồ đồ khi tin rằng liên minh “vững như bàn thạch” có tuổi thọ nhiều thập kỷ này lại có thể dễ dàng sụp đổ chỉ vì Triều Tiên.

Đề xuất đối thoại trực tiếp với Seoul của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong thông điệp Năm mới 2018 đã nhanh chóng nhận được sự tán thưởng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Phản ứng này được cho là đã để lộ sự bất đồng giữa Mỹ và đồng minh lâu đời của mình trong cách đối phó những thách thức từ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân Triều Tiên.

Trong khi Hàn Quốc hăng hái thúc đẩy đối thoại và sẵn sàng nhượng bộ, Mỹ lại đe dọa chiến tranh với Triều Tiên. Trong khi Tổng thống Trump chế nhạo kho vũ khí mà ông Kim Jong-un tự hào, chính quyền Tổng thống Moon lại đề xuất tiến hành cuộc gặp tại làng đình chiến Panmumjeom và nhận cuộc gọi từ phía Triều Tiên qua một đường dây nóng. Cách hành xử có phần đối lập trên khiến không ít người đồn đoán về một sự rạn nứt đang ngày một lớn dần trong quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn.

Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Ri Son-gwon (trái, phía trước) và Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Cho Myoung-gyon (phải) trong cuộc đàm phán tại làng đình chiến Panmunjom ngày 9/1. Ảnh: THX/TTXVN

Họ thậm chí cho rằng việc Hàn Quốc tiến tới hòa đàm với Triều Tiên là một "vố đau" cho chính sách hiện nay của chính quyền Trump. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu sâu hơn liên minh có tuổi thọ nhiều thập kỷ này có thể thấy một thực tế khác. Sự khác biệt bề nổi về cách ứng xử với Triều Tiên của các tân lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc thực chất phản ánh hai mặt bổ sung cho nhau của quan hệ đồng minh lâu đời giữa Seoul và Washington, và chính đặc trưng này làm cho cuộc “hôn nhân” Mỹ - Hàn ngày càng bền chặt.

Nếu nhìn một cách tổng thể, có thể thấy quan điểm của hai đối tác trên không hề mâu thuẫn. Tổng thống Trump dù nổi tiếng với những lời lẽ đe dọa chống Triều Tiên và chủ trương “gây sức ép tối đa”, nhưng cũng không ít lần đưa ra gợi ý về khả năng đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Trong khi đó, chính quyền mới của Tổng thống Moon dù ưu tiên hàn gắn quan hệ liên Triều nhưng cũng luôn khẳng định rằng cần áp dụng song song các giải pháp đối thoại và trừng phạt. Xét một cách tổng thể, cách tiếp cận của hai đối tác này không hề đối lập, dù mỗi bên mạnh về một cách biểu hiện khác nhau, mà bổ sung cho nhau kiểu “kẻ đấm người xoa”.

Không thể phủ nhận rằng mối quan hệ Hàn – Mỹ đã từng chứng kiến những lúc căng thẳng, như dưới thời Tổng thống George W.Bush và Kim Dae-jung. Sau một thời gian hòa hợp, quan hệ giữa hai đồng minh này dưới thời hai nhà lãnh đạo Moon Jae-in và Donald Trump (cùng nhậm chức đầu năm 2017) lại khởi đầu không mấy tốt đẹp. Trong khi ông Moon hứa hẹn về một chính sách liên Triều mềm dẻo hơn, đặt câu hỏi về hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc và tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc, ông Trump cũng đảo ngược các chính sách của chính quyền tiền nhiệm, công khai lên án hiệp định thương mại tự do Mỹ - Hàn (KORUS) là thủ phạm gây thâm hụt thương mại của Mỹ, đòi đồng minh này thanh toán “hóa đơn an ninh”, và chủ tưởng “gây sức ép tối đa” trong cách giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng đó chỉ là bề nổi của mối quan hệ đồng minh được khẳng định là “vững như bàn thạch” giữa hai bên.

Nói cách khác, Mỹ và Hàn Quốc đang “tung hứng” trước mọi động thái của Triều Tiên, dù đó là những lời lẽ khiêu khích hay đó là một thiện chí đối thoại do chính ông Kim nói ra. Đáp lại tuyên bố đe dọa tấn công vùng lãnh thổ Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương, Tổng thống Trump cũng dọa “hỏa lực và thịnh nộ” nhằm “xóa sổ Triều Tiên”. Đáp lại thông điệp Năm mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên, Seoul đã lập tức đưa ra đề xuất cụ thể về các cuộc đàm phán, trong khi Tổng thống Trump cũng có những bước nhượng bộ đáng kể, như nhất trí lùi thời điểm tiến hành các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, thậm chí để ngỏ khả năng điện đàm trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên.


Đối với đề xuất mới nhất của Triều Tiên, hoàn toàn dễ hiểu khi Hàn Quốc tỏ ra hào hứng và hưởng ứng ngay lập tức: việc miền Bắc tham gia Thế vận hội tới sẽ có thể tránh trường hợp sự kiện này bị gián đoạn bởi các cuộc thử tên lửa và hạt nhân. Chấp nhận đối thoại với Bình Nhưỡng, ông Moon cũng sẽ tránh được nguy cơ cuộc đấu khẩu, đấu chí Mỹ-Triều vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Hơn thế, khả năng sự kiện thể thao này mở ra các cuộc đối thoại tiếp theo nhằm hàn gắn quan hệ liên Triều cũng nằm trong chủ trương đối thoại với miền Bắc của Tổng thống Moon kể từ khi lên cầm quyền.

Việc Tổng thống Mỹ công khai ủng hộ nỗ lực đàm phán của đồng minh, nhất trí không tiến hành cuộc tập trận chung thường niên Mỹ - Hàn trong thời gian diễn ra Thế vận hội và “chúc phúc” cho cuộc đối thoại liên Triều sắp tới, chính là bằng chứng cho thấy sự đồng điệu của hai đối tác trong liên minh Mỹ-Hàn. Cũng không nên hiểu phản ứng trên của ông Trump là một sự thay đổi thái độ của Mỹ, bởi bản thân ông đã từng gợi ý sẽ có thể “ngồi ăn humberger” với nhà lãnh đạo Triều Tiên vào một ngày nào đó. Ngày đó có thể sắp đến.

Bạch Dương/Báo Tin tức
Hai miền Triều Tiên đàm phán cấp cao lần đầu tiên sau 2 năm
Hai miền Triều Tiên đàm phán cấp cao lần đầu tiên sau 2 năm

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, sáng 9/1, Hàn Quốc và Triều Tiên đã bắt đầu tiến hành cuộc đàm phán cấp cao vào lúc 10 giờ sáng theo giờ địa phương (tức 8 giờ theo giờ Việt Nam) tại làng đình chiến Panmunjom ở biên giới hai miền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN