Biến động về sản xuất và chuỗi cung sau 4 năm cầm quyền của Tổng thống Trump

Trong nhiềm kỳ cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ phải suy tính lại về chuỗi cung đặt ở Trung Quốc. Nhưng rất ít trong số này có kế hoạch đưa sản xuất trở về Mỹ.

Chú thích ảnh
Công nhân tại một dây chuyền sản xuất ác-quy ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Khi Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2016, hầu hết thiết bị nội thất tại các khách sạn cao cấp do M Group cung cấp đều được sản xuất tại Trung Quốc. Giờ đây, sau gần bốn năm liên tục chịu đòn thuế chống bán phá giá, trừng phạt thuế nhập khẩu, chỉ còn 50% sản lượng của M Group được làm tại Trung Quốc. Phần còn lại đã được di dời sang Việt Nam, Malaysia và Đông Âu. 

"Chúng tôi cuối cùng cũng chật vật tìm kiếm giải pháp và người được lợi thực sự là hãng hàng không mà tôi thường sử dụng dịch vụ. Tôi và cậu con trai cả liên tục bay tới rất nhiều nơi trên thế giới để tìm kiếm nguồn lực", ông H. David Murray, Chủ tịch M Group, chia sẻ. 

Ông Murray cho biết cá nhân ông vẫn muốn duy trì sản xuất ở đại lục, bởi không có thị trường nào có thể thay thế được Trung Quốc xét về giá thành, quy mô, tốc độ sản xuất và thậm chí là cả chất lượng sản phẩm. Nhưng nếu chiến tranh thương mại vẫn tiếp diễn sau bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 tới, Murray có thể sẽ buộc phải dời dây truyền khỏi Trung Quốc.

Nhưng M Group sẽ không đưa việc làm về Mỹ. “Nhiều mặt hàng nội thất khách sạn từng được sản xuất ở North Carolina, nhưng đó là chuyện 20 năm trước. Nếu giờ chính phủ tài trợ cho tôi 5 triệu USD để mở nhà máy ở North Carolina, tôi sẽ phải đi tìm những công nhân 68-70 tuổi vì chỉ họ mới có đủ kỹ năng cần thiết”, ông Murray nói. 

Kế đến là những thách thức đến từ chuỗi cung ứng cũng. Theo Murray, công ty của ông sẽ phải mất 3-5 năm mới có thể ổn định và có khả năng cạnh tranh. Nhưng ngay cả khi đạt tới ngưỡng này, chi phí sản xuất của công ty vẫn sẽ cao gấp đôi so với hàng hóa của các nhà cung cấp đến từ Trung Quốc hay Việt Nam. 

Câu chuyện của M Group chỉ là một trong số hàng trăm doanh nghiệp Mỹ phải thay đổi chiến lược kinh doanh trong giai đoạn gần 4 năm cầm quyền của ông Trump – người luôn theo đuổi chính sách cứng rắn trước Bắc Kinh và muốn dồn ép các công ty Mỹ rời đại lục.

Giờ đây, với việc ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden cũng tuyên bố theo đuổi chính sách về Trung Quốc tương tự ông Trump, các công ty Mỹ đang phải đối mặt với thời gian bấn loạn ở phía trước, bất kể ai lên nắm quyền tại Nhà Trắng đầu năm 2021. 

Doanh nhân Larry Sloven quyết định di dời sản xuất của công ty đèn LED Capstone International từ Trung Quốc sang Thái Lan từ trước khi COVI-19 bùng nổ. “Đây không phải là việc dễ dàng và thách thức lớn nhất nằm ở chuỗi cung ứng. Mọi bộ phận từ pin, chip, cáp, thiết bị điện trở đều vẫn phải dựa vào Trung Quốc. Nhưng giá trị gia tăng lại được tạo ra ở Thái Lan và giờ chúng tôi xuất hàng từ Thái Lan sang Mỹ ", ông cho biết.

Theo ông Sloven, những công ty chưa kịp di chuyển khỏi Trung Quốc đang bị mắc kẹt và dù ai lên làm Tổng thống Mỹ thì đòn áp thuế chống Trung Quốc cũng sẽ không mất đi. “Ông Trump đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của nhiêu người. Ông ấy đã thay đổi toàn bộ sản xuất”, vị doanh nhân này nói.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu chỉ xét về thương mại thuần túy, không dễ gì để các công ty Mỹ dời khỏi Trung Quốc, do ưu thế mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có được về cơ sở hạ tầng, chuỗi cung và lực lượng lao động có trình độ, tay nghề. Tuy nhiên, quyết định của giới chủ doanh nghiệp đôi khi lại chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu của người tiêu dùng tại Mỹ. 

Khảo sát do hãng Pew Research thực hiện trong tháng 9 cho thấy, 78% người Mỹ có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, tỷ lệ cao nhất trong 15 năm. Ngoài hàng điện tử, người tiêu dùng Mỹ hiện ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc phi Trung Quốc. "Năm ngoái, người tiêu dùng Mỹ lo ngại về thuế. Nhưng giờ họ lo ngại nguy cơ xung đột quân sự và những diến biến ngày càng xấu đi trong quá trình phân tách hai nền kinh tế ", ông Hiten Shah, Chủ tịch Tập đoàn MES Inc, lý giải. 

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất xe đạp tại một nhà máy của Shanghai General Sports ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Một năm trước, Kent International là một trong số các công ty Mỹ có ý định dời khỏi Trung Quốc. Đây là hãng chuyên sản xuất xe đạp, sản phẩm được bày bán trong nhiều hệ thống cung ứng lớn như Walmart và có đối tác liên danh tại Trung Quốc là Shanghai General Sports.

Sản phẩm của Kent International lúc đầu nằm trong danh mục chịu thuế nhập khẩu tăng do Bộ Thương mại Mỹ áp đặt, buộc đối tác Shanghai General Sports lên kế hoạch chọn Campuchia làm điểm sản xuất mới. 

Nhưng rồi chính sách thay đổi. 40-50% sản phẩm của Kent International tại đại lục được miễn trừ trừng phạt thuế. Kế hoạch xây nhà xưởng ở Campuchia bị hủy, nhưng Shanghai General Sports vẫn quyết định chuyển dây truyền sản xuất tới Malaysia, coi đây là biện pháp phòng ngừa cho đòn áp thuế Mỹ sẵn sàng áp đặt chống Trung Quốc bất kỳ lúc nào. 

Nhà máy của Shanghai General Sports tại Malaysia có năng lực sản xuất 600.000 chiếc xe đạp mỗi năm. Xe đạp từ Malaysia xuất sang Mỹ sẽ tránh được thuế trừng phạt, bất chấp chi phí sản xuất bị đội lên khoảng 15% do nhiều phụ tùng, thiết bị vẫn phải nhập từ Trung Quốc. 

“Tôi không nghĩ là 4 năm cầm quyền tiếp theo của ông Trump mang lại điều tốt đẹp cho công ty. Bởi chính sách của ông ấy không ổn định. Với những người sản xuất như chúng tôi, những chính sách tiêu cực như áp thuế cũng có thể chấp nhận được, bởi chúng tôi có thể di chuyển sản xuất sang nước khác. Nhưng chính sách của ông Trump thay đổi liên tục, nay thế này, mai lại khác, khiến nguồn lực đầu tư của chúng tôi bị vắt kiệt”,  Ge Lei, chủ doanh nghiệp Shanghai General Sports nói. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (SCMP)
Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hành pháp ngăn ngừa bị phụ thuộc chuỗi cung ứng y tế
Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hành pháp ngăn ngừa bị phụ thuộc chuỗi cung ứng y tế

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, ngày 6/8, tại thành phố Clyde, bang Ohio, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm đảm bảo các dược phẩm, thiết bị và vật tư y tế thiết yếu phải được sản xuất tại Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN