Bắc Phi đối mặt với làn sóng khủng hoảng mới

Ba tháng trước, cả khu vực rộng lớn từng yên lặng trong nhiều thập kỷ bỗng "chuyển mình": Rúng động đầu tiên xuất hiện tại Tuynidi với sự ra đi của Tổng thống Ben Ali hôm 14/1, tiếp đến là các dư chấn chính trị trong thế giới Arập. Sau 3 tháng, bức tranh chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi đã thay đổi hoàn toàn, và sự yên tĩnh vẫn chưa được khôi phục.

Theo nhà phân tích chính trị Stanislav Tarasov, tình hình hiện nay tạo ra ấn tượng là khu vực này đang đứng trước một làn sóng khủng hoảng mới tiềm tàng. Ông cho rằng, ngay cả ở Tuynidi và Ai Cập, những nơi dường như chế độ đã được thay đổi, hiện còn quá sớm để nói về sự ổn định. Nhà phân tích Stanislav Tarasov nói: “Các nhà lãnh đạo mới, lên nắm quyền nhờ làn sóng đấu tranh, không dự định giải quyết những vấn đề mang tính cách mạng mà đất nước của họ đang phải đối mặt. Giới cầm quyền cũ đã ra đi, nhưng chế độ quản lý mà họ dựng lên vẫn tồn tại và hoạt động chỉ với vài sự thay đổi nhỏ. Do đó, trong xã hội nảy sinh sự thất vọng. Đó là tình huống khó tránh khỏi".

Tổng thống Tuynidi và Ai Cập vốn là những người thân phương Tây. Nếu vấn đề chỉ bắt nguồn từ cá nhân họ, những nhân vật mà người dân đã quá chán nản, thì các nước phương Tây hẳn đã âm thầm thay thế họ bằng những chính khách tương tự. Những cuộc đảo chính thầm lặng như vậy trong khu vực (kể cả ở Tuynidi) đã từng diễn ra. Nhưng lần này lại khác. Thái độ bất mãn trong thế giới Arập quá lớn, nên sự rút lui của ông Ben Ali đã làm dấy lên làn sóng cách mạng. Phương Tây buộc phải đưa những nhân vật mới vào ghế lãnh đạo, những người có thể thực hiện chính sách trước đây với diện mạo mới.

Nếu phương Tây chấp nhận ảnh hưởng của họ bị hạn chế ở khu vực này thì có lẽ làn sóng cách mạng ở đây đã đi vào thoái trào. Tuy nhiên, lòng tham của các nước phương Tây vẫn tăng và họ nảy sinh ý tưởng lợi dụng tình hình để thay đổi quyền lực ở cả các nước mà cho tới nay vẫn chưa chịu ảnh hưởng hoàn toàn của phương Tây. Đây trở thành một trò chơi mạo hiểm với những kết quả không thể đoán trước, làm lung lay tình hình chính trị trong thế giới Arập, trong đó Libi là một thí dụ điển hình. Điều nguy hiểm hơn nữa sẽ là nỗ lực của họ trong việc phát tán “kinh nghiệm Libi” vào Xyri. Bước ngoặt sự kiện như vậy sẽ làm biến đổi hoàn toàn tình hình khu vực.

Một số nhà phân tích cho rằng các tổ chức chính trị Hồi giáo có thể nhập vai những nhà lãnh đạo làn sóng cách mạng trong khu vực. Tuy nhiên, trên thực tế, lực lượng này chưa hề làm gì để chứng tỏ mình. Nguyên nhân là do đâu? Ông Stanislav Tarasov đã trả lời câu hỏi này như sau: “Các phong trào và “dòng chảy” Hồi giáo không xuất hiện ở giai đoạn đầu làn sóng bất ổn bởi nhiều lý do. Họ không có sự chuẩn bị cho những phát triển nhanh chóng của các sự kiện như vậy, họ bị cô lập. Một yếu tố khác là áp lực từ phía lực lượng an ninh của các chế độ cầm quyền. Tuy nhiên, những người Hồi giáo giờ đây đang chờ đợi thời điểm khách quan thích hợp đối với họ. Và thời điểm này đã bắt đầu đến. Mặc dù những người xuống đường tham gia biểu tình đã hô vang khẩu hiệu vì dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, nhưng trong khu vực những người tin tưởng vào các giá trị được nêu lại không nhiều. Phần lớn người ta được định hướng bởi các khái niệm Hồi giáo truyền thống về sự công bằng xã hội, về bình đẳng".

Theo nhà phân tích Stanislav Tarasov, chính vì vậy, làn sóng cách mạng không thoái trào đã đóng vai trò chiến lược có lợi cho Hồi giáo chính trị. Sau những diễn biến ở Irắc và Ápganixtan, sự hấp dẫn của các mô hình phương Tây trong khu vực đã giảm mạnh. Hiện tại ở Libi, các nước phương Tây đang làm những việc sẽ khiến uy tín của họ giảm mạnh hơn. Trong khi đó, có một điều khá rõ ràng là Ai Cập lúc này không còn "nấu món ăn" theo công thức của phương Tây.

TTK (Theo Đài Tiếng nói nước Nga)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN