Đấu tranh chống tham nhũng không có vùng cấmĐại tá Trần Trọng Kình, (nguyên sĩ quan quân đội cao cấp, cán bộ hưu trí phường 13, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Đinh La Thăng thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm; thể hiện sự đoàn kết, ủng hộ và chấp hành nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư của các cơ quan thực thi pháp luật.
Theo ông Trần Trọng Kình, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng còn rất nhiều khó khăn, nhưng những sự kiện vừa qua, nhiều cán bộ lãnh đạo có sai phạm bị xử lý, đã và sắp đưa ra xét xử là những tín hiệu đáng mừng, củng cố lòng tin của nhân dân và đảng viên cả nước.
Cùng quan điểm trên, ông Phan Minh Huệ (Nguyên cán bộ Trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian gần đây rất tốt, nhưng cần phải tiếp tục và làm triệt để hơn. Có như vậy mới giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Ông Phan Minh Huệ chia sẻ thêm, quy trình xử lý sai phạm của ông Đinh La Thăng là hợp lý, khá chặt chẽ và bài bản, đảm bảo đúng người, đúng tội và tạo được sự đồng thuận cao trong dư luận cũng như trong cán bộ, đảng viên. Những nội dung mà Bộ Công an đang điều tra liên quan đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng là rất nặng nề, nhất là lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản cũng như tham ô tài sản, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Việc lạm dụng quyền lực để giành lợi ích cá nhân, vun vén cá nhân phải xử lý thật nghiêm.
Trong khi đó, ông Dương Anh Đức (Đảng viên phường 7, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ, sau khi nghe thông tin ông Đinh La Thăng bị khởi tố trên các phương tiện thông tin vì liên quan đến hai vụ án kinh tế thì bản thân vừa vui cũng vừa tiếc. Theo ông Dương Anh Đức, không chỉ ông mà người dân Thành phố vui vì hành động này của Đảng và Nhà nước đã chứng minh rằng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng là không có vùng cấm. Bất cứ ai, dù trên cương vị nào, nếu làm sai nguyên tắc của Đảng, sai lầm, cố ý làm trái trong quản lý Nhà nước đều phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước pháp luật.
Ông Dương Anh Đức cho rằng, khi còn trên cương vị Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, ông Đinh La Thăng đã có một số đóng góp cho sự phát triển của Thành phố, được người dân ghi nhận, nên bản thân cũng thấy tiếc sau vụ việc này. Ông Đức khẳng định, Đảng và nhân dân rất công bằng, công tội phân minh. Công tác chống tham nhũng đã đi vào thực chất, vào chiều sâu, chỉ có làm trong sạch bộ máy quản lý thì đất nước mới phát triển. Trường hợp của ông Đinh La Thăng sẽ là bài học cho cán bộ, đảng viên trong cả nước.
Thông tin ông Đinh La Thăng bị đình chỉ sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy (gồm cả sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương), bị tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội và bị khởi tố, bắt tạm giam đã thu hút sự quan tâm, chú ý đặc biệt của dư luận. Tại Hà Nội, đông đảo cán bộ, đảng viên, giới trí thức và các tầng lớp quần chúng nhân dân đã bày tỏ niềm tin, sự ủng hộ ý chí quyết tâm, nỗ lực đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân
Tại Hà Nội, người dân cũng rất đồng thuận với việc khởi tố, bắt giam cán bộ lãnh đạo lạm dụng chức vụ, quyền hạn tham ô tài sản, gây hậu quả nghiêm trọng. Điều này cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước trong công cuộc phòng chống tham nhũng.
Ông Nguyễn Văn Niêm (75 tuổi, 40 năm tuổi Đảng), Trung tá quân đội, nguyên lãnh đạo Xí nghiệp Dược Binh đoàn 12, hiện ở tổ 72 phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho rằng việc "xử lý' ông Đinh La Thăng thực sự rất được lòng dân".
Ông Niêm nhận xét: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Đảng, một cá nhân từng giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị bị khởi tố, bắt tạm giam. Việc ông Đinh LaThăng bị khởi tố bắt tạm giam cho thấy nỗ lực, ý chí quyết tâm của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng, xây dựng, chỉnh đốn bộ máy của Nhà nước. Điều đó cũng cho thấy việc xử lý kỷ luật là đích đáng, làm gương và là bài học cho những người khác, nhất là đối với những cán bộ có quyền lực trong tay.
"Việc bắt tạm giam ông Đinh La Thăng thực sự đã đem lại niềm tin cho đảng viên thế hệ chúng tôi. Đây chính là điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói là lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy. Và cho thấy, đối với Đảng và Nhà nước, không có vùng cấm trong bài trừ tham nhũng, bài trừ lợi dụng quyền lực, lợi ích nhóm. Đất nước ngày nay cần những cán bộ có chí có tâm", ông Nguyễn Văn Niêm bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Niêm cũng nêu quan điểm: Không phải chỉ có củi to, không phải chỉ có những vụ đại án mới phá hoại nền kinh tế đất nước, mà còn rất nhiều những khâu ở cấp dưới đang làm tổn hại đất nước, gây ra đói khổ cho nhân dân. Công cuộc chống tham nhũng, chống quan liêu, lãng phí của toàn Đảng, của Nhà nước còn rất phức tạp, đặc biệt khi lợi ích nhóm đã mọc rễ, bám sâu vào hệ thống. Để giải quyết dứt điểm được nạn tham nhũng không đơn giản. Nhưng nếu làm quyết liệt, nền tảng thì những vụ lớn sẽ hết đi, củi to và củi nhỏ dù ướt cũng phải cháy.
Tán thành quyết định của Đảng, Nhà nước đối với việc khởi tố, bắt giam ông Đinh La Thăng, TS Quách Thị Ngọc An, Giảng viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, cho rằng, quyết định đó làm trong sạch hàng ngũ của Đảng, tạo lòng tin vững chắc trong nhân dân. Thời gian dài vừa qua, chúng ta đã chứng kiến quá nhiều tình trạng “nói nhiều làm ít” trong công tác phòng chống tham nhũng, nhưng nay, một luồng gió mới đang thổi vào công tác này.
"Toàn Đảng đang thống nhất một ý chí, một quyết tâm chống tham nhũng nhằm mục tiêu chỉnh đốn, xây dựng, làm trong sạch bộ máy, đội ngũ của Đảng và chính quyền. Quyết tâm của Đảng đang hiệu triệu được lòng dân và những cán bộ đồng lòng trong cuộc chiến đấu này", TS Quách Thị Ngọc An bày tỏ niềm tin.
Tiến sỹ Quách Thị Ngọc An cũng nêu ý kiến: Đảng, Nhà nước đang làm rất quyết liệt và kết quả thì rất cụ thể. Nhưng phải nói ngay rằng đây chỉ là bước đầu, lợi ích nhóm và tệ quan liêu, lãng phí còn rất nhiều, rất phổ biến, ở đâu đó vẫn còn có sự né tránh, chưa làm quyết liệt, nên đòi hỏi Đảng phải có bản lĩnh, quyết tâm chính trị cao và những "bàn tay thép " để làm sạch bộ máy, đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống.
"Vì sao ở những tỉnh nghèo, người dân đói khổ, quanh năm lũ lụt, thiên tai, cơ sở hạ tầng thấp kém mà cán bộ lãnh đạo cấp cao của tỉnh, địa phương đó lại bị phát giác sống trong những biệt phủ xa hoa, lộng lẫy. Vì sao những công ty, tập đoàn của Nhà nước gặp khó khăn, làm ăn thua lỗ, gây thất thoát ngân sách, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia mà những người quản lý, quản trị của các công ty, tập đoàn này lại có cuộc sống vương giả. Đảng và Nhà nước cần thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm những vấn đề này. Cuộc đấu tranh này cần quyết tâm hơn, cần sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa ở mọi tầng trong hệ thống", TS Quách Thị Ngọc An nhấn mạnh.
Cùng quan điểm ủng hộ quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, Thạc sĩ Phạm Ngọc Huyền, giảng viên Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng bộc bạch: Những ngày qua, chúng ta đón nhận nhiều thông tin về kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đã có không ít quan chức nhà nước, quan chức các doanh nghiệp nhà nước ở lĩnh vực sản xuất kinh doanh đến tài chính ngân hàng… bị kỷ luật, bị khởi tố, bắt giam hoặc bị xử lý kỷ luật tước hết các chức vụ. Đặc biệt, có cả cán bộ cấp cao ở Trung ương từng nắm giữ những vị trí quan trọng của đất nước. Những người này, họ dùng quyền lực để tham ô, tham nhũng với số tiền lớn trong thời gian dài.
Thạc sĩ Phạm Ngọc Huyền nhận xét: "Củi đã cho vào lò! Những cán bộ làm nghèo đất nước, phá hoại nền kinh tế đang dần bị phơi bày ra trước công luận, được xác định địa chỉ, danh tính rõ ràng và đang chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã không còn có vùng cấm".
Cũng theo ý kiến của Thạc sỹ Phạm Ngọc Huyền, hiện nay qua báo chí phản ánh, ở các cấp vẫn còn tình trạng thiếu quyết liệt trong công tác kiểm tra chỉ là dưới báo cáo lên trên, rồi trông chờ, ỷ lại; ở trên cứ quyết tâm, hô hào nhưng ở dưới lại chậm chuyển động. "Đất nước còn rất nhiều khó khăn, mong các cấp lãnh đạo ngày đêm trăn trở tìm giải pháp tháo gỡ để nhân dân có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc", Thạc sỹ Phạm Ngọc Huyền mong mỏi.