Tòa nhà 8B Lê Trực nhìn từ phố Sơn Tây. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
Những ngày gần đây có thông tin cho rằng, UBND thành phố Hà Nội bất ngờ bỏ lệnh cưỡng chế công trình tại 8B Lê Trực. Trong đó, nhấn mạnh thành phố Hà Nội đã có văn bản nêu ý kiến ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đồng ý với đề xuất của Sở Xây dựng, chỉ đạo quận Ba Đình xây dựng kế hoạch và tổ chức cưỡng chế giai đoạn 1 (tum thang và tầng 19) theo phương án phá dỡ chủ đầu tư đã trình cơ quan chức năng. Nhưng hiện nay Hà Nội đã bỏ lệnh cưỡng chế trên và vẫn tiếp tục giao cho Công ty cổ phần may Lê Trực phá dỡ.
Liên quan đến thông tin này, ngày 22/1, UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố không chỉ đạo và không có bất kỳ văn bản nào liên quan đến việc bỏ lệnh cưỡng chế nhà 8B Lê Trực và cũng không có văn bản đồng ý để Công ty cổ phần may Lê Trực được phép phá dỡ. Thời gian qua, do Công ty tự phá dỡ chậm nên thành phố đã giao quận Ba Đình lên phương án để đẩy nhanh tiến độ cưỡng chế. Tuy nhiên, khi quận Ba Đình đang trong quá trình lên phương án cưỡng chế, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Công ty cổ phần may Lê Trực cần đẩy nhanh tiến độ phá dỡ, chứ không phải là có văn bản giao hẳn cho Công ty này thực hiện toàn phần.
Ngày 5/1, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản nêu ý kiến của lãnh đạo thành phố Hà Nội đồng ý với đề xuất của Sở Xây dựng, chỉ đạo quận Ba Đình xây dựng kế hoạch và tổ chức cưỡng chế giai đoạn 1 (tum thang và tầng 19) theo phương án phá dỡ chủ đầu tư đã trình cơ quan chức năng.
Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo UBND thành phố, sau một tháng chủ đầu tư phá dỡ phần sai phạm (từ ngày 21/11/2015), trung bình mỗi ngày chỉ phá dỡ được 10- 15 m2, tổng diện tích phá dỡ được sau một tháng là 120 m2, tiến độ này không đảm bảo yêu cầu thành phố đề ra. Theo kết quả kiểm tra của liên ngành thành phố Hà Nội, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng. Cụ thể từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36 m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44 m công trình giật cấp vào 15 m và tại độ cao 50 m giật cấp tiếp thêm 5,3 m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng. Công trình cao đến đỉnh tum thang là 53 m nếu làm đúng giấy phép. Thực tế chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng trên 36.000 m2.