Trong những ngày tháng hỗn loạn sau vụ khủng bố 11/9, ông Ryan Crocker, lúc đó đang giữ một chức vụ cấp cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ, đã bí mật bay tới Geneva để gặp gỡ một nhóm các nhà ngoại giao Iran.
Ông nhận thấy hai điều từ những quan chức này, thứ nhất, họ nghe lệnh trực tiếp từ Suleimani và thứ hai, họ sẵn sàng hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến với lực lượng Taliban, kẻ thù chung của cả 2 bên. Hợp tác giữa hai bên duy trì suôn sẻ trong giai đoạn đầu. Có lần, người đứng đầu đoàn đàm phán Iran trao cho ông Crocker một tấm bản đồ đánh dấu cụ thể các vị trí đóng quân của Taliban kèm theo sự cố vấn về những mục tiêu có thể tấn công. Ngược lại, ông Crocker cũng cung cấp cho đối tác của mình vị trí một cơ sở của Al Qaeda tại thành phố miền Đông Mashhad.
Suleimani và Thị trưởng Tehran Mohammad Qalibaf. |
Tuy nhiên, đến đầu năm 2002, ông Crocker nhận được thông báo trong đêm rằng Tổng thống George W. Bush, trong bài phát biểu thông điệp liên bang, đã liệt Iran vào một phần của “Trục Ma quỷ”. Ngày hôm sau, khi ông Crocker gặp đàm phán viên của Iran tại tòa nhà của Liên hợp quốc tại Kabul, đại diện của Tehran cho biết Suleimani cảm thấy “bị lừa và đang vô cùng tức giận”. Trước đó, Suleimani từng cân nhắc khả năng “suy nghĩ lại quan hệ với Mỹ”. Bài diễn văn về Trục ma quỷ đã thay đổi tất cả.
Sau khi Chính quyền Saddam Hussein sụp đổ, ông Crocker được điều tới Baghdad để giúp tổ chức một chính phủ lâm thời, gọi là Hội đồng Điều hành Iraq (IGC). Ông nhận thấy có rất nhiều chính trị gia Iraq sang Iran để tham vấn và quyết định tận dụng cơ hội này để thương lượng gián tiếp với Suleimani. Suốt nhiều tháng, ông Crocker chuyển cho Suleimani tên của những ứng cử viên người Shiite và sau đó sẽ bỏ qua những nhân vật mà Suleimani phản đối gay gắt nhất. Theo lời ông kể lại sau này, “sự thành lập IGC về bản chất là một cuộc thương lượng giữa Tehran và Washington”.
Tuy nhiên, sau đỉnh điểm của hợp tác Mỹ - Iran này, mọi thứ sụp đổ. Với việc Mỹ giảm dần sự hiện diện tại Iraq, Suleimani bắt đầu khởi động các chiến dịch hiếu chiến hơn. Nhiều người Mỹ và Iraq cho rằng sự thay đổi chiến lược này là kết quả của chủ nghĩa cơ hội, khi nỗi lo ngại của Iran về một cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Iran bắt đầu mờ nhạt dần.
Các cuộc trả đũa bạo lực
Đầu năm 2007, Tướng McChrystal nhận được báo cáo rằng Tướng Mohammed Ali Jafari, người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, đang ở trên một chiếc xe chạy về phía biên giới Iraq. Nguồn tin tình báo còn cho biết trên xe có cả Suleimani. Một nhóm binh sỹ người Kurd đang chờ họ ở phía bên kia biên giới. Tướng McChrystal quyết định để chiếc xe đi qua biên giới vì không muốn đụng độ với người Kurd. Tuy nhiên, ông cho người bám theo chiếc xe đến một khu nhà tại thành phố Erbil. Tại đây, lính Mỹ đã đột kích và bắt giữ 5 công dân Iran, tất cả đều là binh sỹ Quds. Tuy nhiên, các binh sỹ Mỹ không tìm thấy tung tích nào của Suleimani hay Jafari.
Suleimani phát biểu trong một sự kiện. |
9 ngày sau vụ việc trên, 5 chiếc xe SUV đen xuất hiện trước cổng Trung tâm tỉnh Karbala, miền Nam Iraq. Một nhóm người nhảy ra khỏi xe và tiến thẳng vào tòa nhà nơi binh lính Mỹ đang làm việc, giết hại 1 người và bắt giữ 4 người khác. 4 nạn nhân bị bắt cóc cũng bỏ mạng không lâu sau đó. Giới chức Mỹ cáo buộc Suleimani đứng đằng sau vụ tấn công, họ cho rằng đây là hành động đáp trả lại vụ việc ở Erbil.
Tuy nhiên, ngay cả khi thế hai bên đang giằng co đối đầu, Suleimani vẫn duy trì liên lạc với quan chức Mỹ bằng các thông điệp gửi qua trung gian. Tiến trình này bắt đầu từ đầu năm 2008, khi Tổng thống Iraq lúc bấy giờ, Jalal Talabani, trao một chiếc điện thoại chứa tin nhắn của Suleimani cho Tướng David Petraeus, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Iraq. Thông điệp bên trong như sau: “Gửi Tướng David Petraeus, ông nên biết rằng tôi, Qassem Suleimani, là người quyết định chính sách của Iran đối với Iraq, Liban, Gaza và Afghanistan”.
Trong báo cáo gửi về Nhà Trắng, Tướng Petraeus miêu tả Suleimani là “kẻ ác quỷ”. Tuy nhiên, điều này không ngăn ông tiếp tục trao đổi qua lại với thủ lĩnh Lực lượng Quds. Theo tiết lộ của WikiLeaks, Tướng Petraeus từng gửi tin nhắn tới Suleimani thông qua giới chức Iraq, yêu cầu Suleimani ngăn chặn vụ bắn tên lửa vào Đại sứ quán Mỹ và các căn cứ quân sự của nước này tại Iraq.
Nhân vật quyền lực nhất Trung Đông
Ngày 22/12/2010, Đại sứ Mỹ tại Iraq James Jeffrey và Tướng Lloyd Austin, chỉ huy lực lượng Mỹ tại đây, ra thông báo chúc mừng sự thành lập một chính phủ mới của Iraq do Thủ tướng Nuri al - Maliki đứng đầu. Nhưng có một điều không được đề cập trước công chúng, đó là thỏa thuận giúp hình thành nên chính phủ này là sản phẩm từ “bàn tay” của Suleimani. Theo nguồn tin từ nhiều quan chức Iraq và phương Tây, từ những tháng trước đó, Suleimani đã mời các thủ lĩnh người Kurds và người Shiite tới gặp gỡ tại Tehran và Qom để thuyết phục họ ủng hộ ông Maliki, ứng cử viên mà Suleimani tán thành. Được biết, thỏa thuận này là một tiến trình phức tạp bao gồm một mạng lưới các hứa hẹn, dụ dỗ và cả đe dọa.
Đáng chú ý nhất, theo lời kể của nhiều quan chức Iraq và phương Tây, là hai điều kiện mà Suleimani đặt ra đối với người Iraq. Thứ nhất là ông Jalal Talabani, một đồng minh lâu năm của Chính quyền Iran, phải được bổ nhiệm tổng thống. Thứ hai là ông Maliki và các đối tác đồng minh của ông phải yêu cầu toàn bộ binh sỹ Mỹ rời khỏi Iraq. Theo nhiều quan chức Iraq, người Mỹ biết rằng Suleimani đã đẩy họ ra khỏi Iraq nhưng không có cách nào khác ngoài chấp nhận thỏa thuận trên.
Kể từ khi lên nắm quyền chỉ huy Lực lượng Quds, Suleimani không ngừng tác động tới tình hình Trung Đông nhằm chuyển biến thế cuộc theo hướng có lợi cho Iran. Là chỉ huy của một lực lượng vũ trang khét tiếng, Suleimani còn là một nhân vật trung gian quyền lực, người mở đường cho hàng loạt các thỏa thuận quan trọng. Tiêu diệt kẻ đối địch, cung cấp vũ khí cho đồng minh, điều khiển một mạng lưới các nhóm quân sự khắp Trung Đông, Suleimani làm tất cả những điều này trong khi duy trì gần như “vô hình” đối với thế giới bên ngoài. Nhận định về Qassem Suleimani, John Maguire, một cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ, cho rằng “Suleimani là nhân vật quyền lực nhất ở Trung Đông hiện nay, và điều thú vị là không mấy ai từng nghe nói đến cái tên này”.