Suleimani sinh tại Rabor, một ngôi làng miền núi nghèo đói ở miền đông Iran. Năm 1979, khi Suleimani 22 tuổi, Iran xảy ra cuộc Cách mạng Hồi giáo đưa nước này từ chế độ quân chủ thành quốc gia Cộng hòa Hồi giáo dưới sự lãnh đạo của Ruhollah Khomeini. Cuốn vào thời cuộc, Suleimani tham gia Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), lực lượng quân đội do tầng lớp lãnh đạo mới của Iran thành lập nhằm ngăn chặn đảo chính. Ở trong môi trường này, Suleimani thăng tiến nhanh chóng.
18 tháng sau ngày cách mạng nổ ra, Tổng thống Iraq bấy giờ là Saddam Hussein đưa quân đội vào Iran với mục đích lợi dụng tình hình bất ổn nội bộ của quốc gia láng giềng. Suleimani là một trong nhiều người được cử tới tiền tuyến, không phải để chiến đấu mà với nhiệm vụ tiếp tế cho binh sỹ. Tuy nhiên, Suleimani kiên quyết tham chiến và sau hàng loạt nhiệm vụ do thám liều lĩnh xâm nhập vào tận hàng ngũ quân Iraq, người ta biết đến cái tên Suleimani với danh tiếng về lòng gan dạ và dũng cảm.
Một cựu binh sỹ IRGC cho biết ngay cả các binh sỹ Iraq cũng khâm phục Suleimani. Trong khi đó, theo ông Ryan Crocker, cựu Đại sứ Mỹ tại Iraq trong giai đoạn 2007-2009, “động lực thúc đẩy Suleimani là chủ nghĩa dân tộc, cùng với đó là tinh thần đam mê chiến đấu”.
Năm 1988, Iran chấp nhận ngừng bắn hướng tới kết thúc cuộc chiến Iran-Iraq. Giới lãnh đạo Iran muốn chấm dứt cảnh đổ máu, thay vào đó, tạo dựng nền tảng để chuyển hướng sang chiến tranh phi đối xứng - tấn công hiệu quả hơn vào đối thủ được trang bị quân sự vượt trội hơn. Lực lượng đặc nhiệm Quds chính là một công cụ lý tưởng.
Nắm quyền chỉ huy Lực lượng Quds
Đến năm 1998, khi Suleimani lên nắm quyền điều hành Lực lượng Quds, lực lượng bí mật thuộc IRGC này đã tạo dựng được một danh tiếng chết chóc. Giới chức Mỹ và Argentina tin rằng chính phủ Iran đã giúp Tổ chức Hezbollah của Liban thiết kế vụ đánh bom Đại sứ quán Israel tại Buenos Aires năm 1992 làm 29 người thiệt mạng, cũng như vụ tấn công vào Trung tâm Hồi giáo tại thủ đô Argentina 2 năm sau đó làm chết 85 người. Ở vị trí lãnh đạo, Suleimani đã xây dựng Lực lượng Quds thành một tổ chức với tầm phủ sóng rộng đến khó tin, với nhiều nhánh tập trung vào các lĩnh vực tình báo, tài chính, chính trị, chiến đấu và đặc nhiệm.
Lực lượng này có khoảng 10.000-20.000 thành viên. Các thành viên được tuyển lựa dựa trên năng lực và sự trung thành đối với học thuyết của cuộc Cách mạng Hồi giáo. Theo báo “Israel Hayom” của Israel, các binh sỹ Quds được tuyển mộ từ khắp nơi trong khu vực, đưa đi huấn luyện tại Shiraz và Tehran, học tập tại Cao đẳng Chiến dịch Jerusalem ở Qom, và sau đó “cử đi tham gia các chiến dịch dài ngày tại Afghanistan và Iraq để bồi dưỡng kinh nghiệm thực chiến”.
Trên cương vị chỉ huy, Suleimani đã thúc đẩy quan hệ với Liban, đặc biệt với các thủ lĩnh của Hezbollah. Vào thời điểm đó, quân đội Israel đã chiếm đóng miền nam Liban suốt 16 năm và Hezbollah nóng lòng muốn giành lại quyền kiểm soát đất nước. Với sự hỗ trợ từ Lực lượng Quds, vào năm 2000, lực lượng Israel rút lui trước các đợt tấn công dữ dội và dai dẳng từ Hezbollah.
Từ đó, Lực lượng Quds tiếp tục hỗ trợ cho các nhóm vũ trang Hồi giáo đối đầu với các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Saudi Arabia hay Bahrain. Sự giúp đỡ này không chỉ dành cho trong cộng đồng người Shiite mà Iran ủng hộ, mà còn bao gồm cả các nhóm Sunni như Hamas, nhờ đó thiết lập nên một dải các đồng minh chạy dài từ Baghdad tới Beirut. Một nhà ngoại giao phương Tây tại Baghdad từng nhận xét: “Trong mỗi trường hợp, Suleimani luôn thông minh hơn, nhanh hơn và chuẩn bị tốt hơn bất cứ ai khác trong khu vực. Bằng cách không bỏ qua cơ hội nào, thủ lĩnh của Lực lượng Quds đã từ tốn nhưng chắc chắn, xây dựng nên cả một mạng lưới đồng minh rộng khắp”.
Dưới sự dẫn dắt của Suleimani, Lực lượng Quds can thiệp vào hàng loạt các sự kiện quan trọng tại Liban. Trong khoảng thời gian từ 2000-2006, Iran đã hỗ trợ hàng trăm nghìn USD/năm cho Hezbollah. Thủ lĩnh Hezbollah, Hassan Nasrallah, công nhận quyền lực của Thủ lĩnh tối cao Ruhollah Khomeini cũng như sự hiện diện của Lực lượng Quds tại Liban. Năm 2006, Nasrallah ra lệnh bắt cóc các binh sỹ Israel - một chiến dịch mà giới chức an ninh Trung Đông tin rằng được Suleimani hỗ trợ. Kéo theo sau đó là một cuộc chiến ngắn ngày nhưng dữ dội, với Lực lượng Phòng vệ Israel phá hủy nhiều khu vực của Liban.
Đối đầu với Mỹ
Trong nhiều năm liền, Suleimani liên tục gửi quân sang Iraq để củng cố lực lượng Shiite tại đây. Do đó, khi chính quyền của ông Saddam sụp đổ, Iran đã có sẵn một lực lượng chiến đấu tại Iraq: Lữ đoàn Badr, cánh vũ trang của một đảng chính trị Shiite tên gọi Hội đồng Tối cao vì Cách mạng Hồi giáo. Tuy nhiên, Suleimani lo ngại về một nhóm vũ trang khác cũng được Iran hậu thuẫn là Quân đội Mahdi, do Moqtada al-Sadr dẫn đầu. Suleimani đánh giá Sadr là “bốc đồng và khó kiểm soát”, và do đó bắt đầu tổ chức các nhóm vũ trang khác để giúp Iran kiềm chế Mỹ tại Iraq.
Mặc dù ủng hộ người Shiite, Suleimani luôn sẵn sàng gạt sang bên sự đối đầu Sunni-Shiite nếu điều này giúp đạt được mục tiêu lớn hơn trong cuộc đối đầu với Mỹ. Nhiều quan chức phương Tây cũng như Iraq cho biết trong thời gian đầu chiến tranh Iraq, Suleimani đã khuyến khích người đứng đầu lực lượng tình báo của chính quyền Syria thúc đẩy phong trào cực đoan Sunni để chống lại Mỹ.
Dù vậy, chính sách của Iran đối với người Mỹ tại Iraq không phải luôn luôn thù địch bởi hai bên chia sẻ mục tiêu chung là củng cố cộng đồng người Shiite tại Iraq. Vì thế Suleimani linh hoạt qua lại giữa “mặc cả” và đối đầu với Mỹ. Trong suốt thời gian chiến tranh Iraq, Suleimani nhiều lần triệu tập các lãnh đạo Iraq tới Tehran và giúp làm trung gian cho nhiều thỏa thuận quan trọng, mặc dù phần lớn đều nhằm gia tăng quyền lực cho cộng đồng người Shiite.