Đội cướp biển hùng mạnh
Tên của nữ cướp biển là Ching Shih, sinh vào khoảng thời gian năm 1775. Ở tuổi 26, Ching Shih làm gái điếm trong một nhà thổ nổi ở Quảng Đông. Tại đây, cô ta lọt vào mắt của Zheng Yi, vốn là một cướp biển khét tiếng và chỉ huy một đội tàu nhỏ tên là đội Cờ đỏ. Hiện người ta vẫn tranh cãi về việc hai người phối hợp làm ăn như thế nào. Một số sử gia cho rằng Zheng Yi đã cướp phá nhà thổ và ra lệnh cho thuộc hạ mang về cô gái điếm yêu thích của hắn là Ching Shih để làm chiến lợi phẩm. Có sử gia cho rằng Zheng Yi không cướp nhà thổ mà chỉ xuất hiện tại đó rồi cầu hôn Ching Shih. Ching Shih chỉ đồng ý sau khi Zheng Yi chấp thuận trao một nửa lợi nhuận và cho cô ta hỗ trợ điều hành nhóm cướp biển.
Cho dù Ching Shih gắn bó với Zheng Yi theo cách nào thì sau khi kết hôn, Ching Shih cũng bắt đầu giúp Zheng Yi điều hành đội tàu Cờ đỏ. Trong vòng 6 năm sau đó, đội tàu của họ đã phát triển từ con số 200 tàu ban đầu lên tới 600. Tới năm 1807, số lượng tàu lên tới 1.700 đến 1.800 khi ngày càng nhiều cướp biển đổ xô tới đầu quân cho hai vợ chồng Zheng Yi và Ching Shih. Ngày 16/11/1807, tàu của Zheng Yi gặp bão và không bao giờ trở về.
Tranh vẽ nữ cướp biển Ching Shih khét tiếng. |
Sau khi chồng chết, Ching Shih không đứng sang một bên hay trao quyền điều hành nhóm tàu cướp biển cho ai mà thuyết phục cấp phó của chồng là Chang Pao 21 tuổi ủng hộ mình lên làm chủ đội tàu Cờ đỏ. Chang Pao là con trai một ngư dân và trước đó bị Zheng Yi bắt khi mới 15 tuổi rồi bị ép theo đường cướp biển. Anh ta nhanh chóng giành được sự ưu ái của Zheng Yi nhờ thông minh, dũng cảm, kỹ năng chiến đấu tốt. Chang Pao được nhận làm con nuôi Zheng Yi và Ching Shih, được giao quyền cấp phó của đội tàu Cờ đỏ.
Khi Chang Pao dẫn thuộc hạ cướp bóc, Ching Shih tập trung lên chiến lược chiến đấu, điều hành, phát triển đội tàu thành một tổ chức không chỉ đơn thuần là các tên cướp biển liên kết lại. Vào thời kỳ vàng son của đội tàu Cờ đỏ năm 1810, Ching Shih chỉ huy 1.800 tàu cả lớn lẫn nhỏ, 70.000 đến 80.000 tên cướp biển. Trong đó, khoảng 17.000 tên cướp biển là nam giới trực tiếp do Ching Shih điều khiển. Số còn lại là các nhóm cướp biển khác đồng ý hợp tác cùng Cờ đỏ, là các nữ cướp biển, trẻ em, gián điệp, nông dân được huy động cung cấp thực phẩm… Ching Shih kiểm soát trực tiếp gần như toàn bộ tỉnh Quảng Đông, tổ chức một mạng lưới gián điệp lớn trong triều đại nhà Thanh và thống lĩnh vùng biển xung quanh.
Ching Shih không chỉ dựa vào cướp bóc, tống tiền để duy trì đội quân cướp biển. Cô ta còn lập một bộ máy quản lý để kiểm soát thuộc hạ, trong đó lập ra cả luật lệ và thuế. Do kiểm soát gần như toàn bộ hoạt động tội phạm ở vùng biển quan trọng nên Ching Shih có thể đảm bảo một tuyến đường an toàn qua đây cho bất kỳ thương gia nào muốn trả tiền. Tất nhiên, nếu họ không trả tiền “bảo kê”, các tên cướp biển của cô ta mặc sức cướp phá.
Để quản lý đám côn đồ và để chúng làm bất kỳ những gì mình nói mà không cần thắc mắc, Ching Shih đã thiết lập một hệ thống luật nghiêm ngặt trong đội Cờ đỏ mà phương châm đại loại là: “Anh không theo quy tắc hoặc tôi nghĩ anh không theo quy tắc thì anh sẽ bị chặt đầu. Không ngoại lệ”.
Ching Shih không chỉ hoạt động trên biển. Cô ta còn sử dụng rất nhiều thuyền nhỏ để hoạt động dọc các sông và cướp phá các làng mạc trên đường đi. Đội quân của cô ta đã đánh bại bất kỳ nhóm nào đứng ngáng đường. Từng có hai làng kết hợp với nhau, lập ra một đội quân để chiến đấu với lực lượng của Ching Shih. Đội của Ching Shih chiến thắng và cô ta sau đó đưa thuộc hạ tới hai làng cướp phá, chặt đầu mọi đàn ông trong hai làng.
Thời đó, có một tên cướp biển kiểm soát một phần lớn đất đai và “nóng mắt” với đội tàu của Ching Shih. Hắn phát động một đội tàu tấn công Ching Shih. Nhưng không may cho hắn, Ching Shih là một chiến lược gia tài giỏi và đã dễ dàng đánh bại đội tàu của hắn. Không chỉ chiến thắng, Ching Shih còn cướp được 63 tàu lớn chống lại cô ta và thuyết phục thủy thủ tàu gia nhập Cờ đỏ bằng cách cho họ hai lựa chọn: một là bị đóng đinh chân vào tàu hoặc bị đánh tới chết, hai là đầu quân cho cô ta. Không cần nói cũng biết Ching Shih đã có đủ thuộc hạ mới để thay thế thuộc hạ chết trong chiến trận. Về phần Kwo Lang, tên cướp biển đưa quân chống lại Ching Shih, hắn đã tự tử trước khi bị Ching Shih bắt.
Chính quyền bó tay
Các cuộc tấn công đội tàu Cờ đỏ của Ching Shih chưa dừng lại ở đó. Tuy nhiên, giờ không có một đội tàu nào đủ lớn để đối mặt với Cờ đó, chính quyền nhà Thanh đã cầu tới sự giúp đỡ của hải quân Bồ Đào Nha và Anh cũng như các tàu Hà Lan và trả cho họ một số tiền lớn. Các lực lượng này đã kết hợp lại tuyên chiến với Cờ đỏ của Ching Shih trong hai năm mà không mấy thành công. Cô ta thắng hết trận này tới trận khác cho đến khi Hoàng đế nhà Thanh phải dùng chiến thuật khác. Thay vì tìm cách đánh bại Ching Shi, Hoàng đế đã quyết định ân xá cho cô ta và phần lớn thành viên Cờ đỏ.
Lúc đầu, Ching Shih từ chối điều kiện của hiệp ước ân xá. Tuy nhiên, năm 1810, cô ta bất ngờ xuất hiện tại nhà của tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông với ý định bàn thảo hiệp ước hòa bình. Hiệp ước mà cô ta đạt được là giải thể đội tàu Cờ đỏ, từ bỏ phần lớn tàu thuyền. Đổi lại, gần như toàn bộ cướp biển Cờ đỏ được ân xá, được giữ số của cải cướp được trong thời gian làm cướp biển. Đối với 376 trường hợp ngoại lệ, có 126 tên bị hành quyết, 250 tên bị trừng phạt vì các tội ác nghiêm trọng của chúng.
Những người được ân xá nếu muốn đều được gia nhập quân đội, trong số đó có cấp phó của Ching Shih và là chồng cô ta, Chang Pao. Chang Pao được giao chỉ huy 20 tàu của hải quân nhà Thanh. Chinh Shih giải nghệ lúc 35 tuổi, mở một sòng bạc kiêm nhà thổ ở Quảng Châu và làm chủ cho tới khi chết ở 69 tuổi. Ching Shih có một con trai và đã lên chức bà nội. Ching Shih không chỉ là cướp biển thành công nhất mọi thời đại mà còn có thể thoát bị truy tố và sống trong cảnh giàu sang..