Bí mật về người lính Nhật trong khu rừng Philippines - Kỳ cuối

Lí do chỉ có một. Sĩ quan chỉ huy của ông Onoda từng nói họ sẽ quay lại đón ông dù có chuyện gì xảy ra. Chừng nào cấp trên còn chưa quay lại và ra lệnh cho ông đầu hàng, ông sẽ không làm điều đó và không tin rằng cuộc chiến đã kết thúc.

GIÃ TỪ VŨ KHÍ


Trận chiến nào rồi cũng đi vào hồi kết. Cuối cùng, sau gần 30 năm kiên trì cầm súng, ông Hiroo Onoda mới được giải thoát khỏi lời thề của người lính trước ngày lên đường ra chiến trường của Thế chiến 2.

Năm 1974, Nario Suzuki, một sinh viên đại học Nhật Bản quyết định du lịch vòng quanh thế giới. Danh sách những việc phải làm trong hành trình này của cậu sinh viên có cả mục tìm kiếm ông Onoda. Đến đảo Lubang, Philippines, đi xuyên qua khu rừng, Suzuki lần mò theo dấu vết của người lính Nhật Bản. Điều kì lạ là, ở nơi hàng ngàn người khác không thể tìm thấy ông Onoda trong ròng rã 29 năm, Suzuki lại bất ngờ tìm thấy luôn. Không chỉ tìm thấy nơi ẩn náu, cậu sinh viên còn tìm thấy cả người lính Nhật. Nhưng cũng như rất nhiều người Nhật trước đó, dù cho có thuyết phục thế nào, Suzuki cũng không thể làm lung lay ý chí của người lính Onoda. 

Hiroo Onoda giao nộp thanh kiếm samurai.

Lí do chỉ có một. Sĩ quan chỉ huy của ông Onoda từng nói họ sẽ quay lại đón ông dù có chuyện gì xảy ra. Chừng nào cấp trên còn chưa quay lại và ra lệnh cho ông đầu hàng, ông sẽ không làm điều đó và không tin rằng cuộc chiến đã kết thúc. Gần 30 năm chiến đấu trong rừng không thể dễ dàng bị đánh đổi với việc cho phép bản thân quay về nhà, bị thuyết phục đầu hàng hay ném mình vào sự bao dung của kẻ thù. Chừng đó thời gian với chiến lược chiến tranh du kích trong rừng, ông Onoda trong tư thế của một người lính trên chiến trường đã làm 30 người Philippines thiệt mạng và làm trên 100 người khác bị thương, phá hủy nhiều vụ mùa...

Không thể làm lay chuyển ý định của ông Onoda, cậu sinh viên Suzuki trở về Nhật Bản với thông tin đã tìm thấy ông Onoda. Tướng Taniguchi, giờ đây đã nghỉ hưu và làm việc ở một cửa hàng sách, được đưa đến đảo Lubang ở Philippines để gặp cấp dưới Onoda năm xưa và nói với người lính này rằng Nhật Bản đã thua trận, rằng ông Onoda phải từ bỏ vũ khí và đầu hàng người Philippines. 

Phát hiện gần 30 năm sống và chiến đấu trong rừng hóa ra chỉ là quãng thời gian lãng phí cuộc đời, giết hại, làm bị thương dân thường vô tội, không khác gì một đòn trời giáng với ông Onoda. Nhiều ý nghĩ cùng ập đến trong đầu người lính Nhật: Chúng ta đã thua trận. Làm sao họ có thể bất cẩn như vậy? Rồi đột nhiên mọi thứ trở nên tối đen. Theo lời kể của ông Onoda, vào thời điểm đó, “một cơn bão gào thét trong tôi. Tôi cảm thấy như một người ngớ ngẩn... Tệ hại hơn, tôi đã làm gì chứ trong tất cả những năm qua. Dần dần, cơn bão tan đi và lần đầu tiên tôi thật sự hiểu ra câu chuyện. Ba mươi năm tôi sống như lính du kích phục vụ quân đội Nhật Bản đã bất ngờ kết thúc. Đây là cái kết... Tôi kéo con thoi nạp đạn trên khẩu súng trường rồi gỡ đạn ra... Tôi đặt cái túi luôn mang theo bên người xuống và đặt khẩu súng lên trên đó. Tôi thực sự sẽ không dùng khẩu súng trường đã gìn giữ và chăm sóc như chăm một đứa trẻ suốt bao năm nữa hay sao? Hay khẩu súng trường của Kozuka tôi đã giấu ở một khe nứt trong đá? Cuộc chiến thật sự đã chấm dứt 30 năm trước? Nếu quả vậy, Shimada và Kozuka đã chết vì điều gì cơ chứ? Nếu những chuyện đã xảy ra là sự thật, chẳng phải sẽ tốt hơn nếu tôi đã chết cùng họ hay sao?”.

Ông Onoda trong thời bình.

Ngày 10/3/1975, ở tuổi 52, ông Onoda trong bộ quân phục bằng cách nào đó vẫn được gìn giữ cẩn thận, ra khỏi khu rừng ông đã lẩn trốn mấy chục năm. Trước Tổng thống Philippines khi đó Ferdinand Marcos, ông đã giao nộp thanh kiếm samurai. Tổng thống Philippines Marcos đồng ý tha thứ cho những tội lỗi của ông Onoda vì người lính này thật sự đã nghĩ rằng chiến tranh chưa kết thúc. Với nhiều người, ông Onoda có thể là một người ngu ngốc hoặc thậm chí tệ hơn, là một kẻ giết người vô tội. Nhưng nếu lịch sử thế giới đã không diễn ra như cách nó đã diễn ra và giả sử Chiến tranh Thế giới thứ hai đã diễn ra lâu đến vậy, có thể đã có một góc nhìn khác về ông Onoda. Trong khoảng thời gian sau này, ông Onoda chia sẻ: “Tôi sinh ra luôn là một đứa trẻ lì lợm và cứng đầu trong tất cả mọi điều tôi làm. Tôi sinh ra đã thế rồi. Đó là định mệnh của tôi”.

Kết thúc những năm tháng sống trong những điều kiện khắc nghiệt, ông Onoda quay trở về Nhật Bản, được xem là người hùng. Ông nhận được khoản tiền lương trong suốt thời gian gần 30 năm đó. Nhưng cuộc sống ở nước Nhật đã khác với cuộc sống trong ký ức của ông. Những giá trị ông trân trọng gần như không còn hiện hữu trong văn hóa ở xứ sở này vào thời điểm đó. Cảm thấy niềm kiêu hãnh của Nhật Bản đã mất và đất nước đã đánh mất luôn cả nhận thức về giá trị quốc gia, ông chuyển đến Brazil, dùng tiền lương mua một trang trại rồi lập gia đình. Một thời gian sau, ông cho ra đời cuốn tự truyện: “Không đầu hàng, cuộc chiến 30 năm của tôi”. 

Năm 1980, thông tin một thanh niên Nhật Bản giết bố mẹ vì thi trượt đại học khiến ông Onoda càng thêm lo lắng về nước Nhật và về thế hệ trẻ. Ông quay trở lại Nhật Bản vào năm 1984, lập ra một trường học cho người trẻ để đào tạo kĩ năng sinh tồn. Ông dạy họ cách trở nên tự lập, trở thành những công dân tốt hơn của nước Nhật. 

Tháng 5/1996, ông Onoda quay lại Philippines, đến đảo Lubang nơi ông từng sống và chiến đấu trong gần 30 năm, ủng hộ khoản tiền 10.000 USD cho các trường học địa phương dù người dân nơi đây không hề thay đổi cách nhìn của họ về ông. Đến những năm cuối đời, ông sống an nhàn với sức khỏe tốt và trí tuệ minh mẫn nhờ những năm tháng thử thách trong rừng. Ông qua đời vì bệnh tim tại một bệnh viện ở Tokyo ngày 16/1/2014, thọ 91 tuổi.

Vũ Anh
Bí mật về người lính Nhật trong khu rừng Philippines - Kỳ 1
Bí mật về người lính Nhật trong khu rừng Philippines - Kỳ 1

Năm 1945, Thế chiến 2 đi vào hồi kết, phe trục bại trận, quân phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh. Nhưng trong cánh rừng già trên một hòn đảo của Philippines, có một người lính Nhật gần 30 năm đằng đẵng sau đó vẫn bền bỉ cầm súng duy trì cuộc chiến đã kết thúc tự bao giờ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN