Hiroo Onoda sinh ngày 19/3/1922, là công dân Nhật Bản làm việc tại một công ty thương mại ở Vũ Hán, Trung Quốc. Năm 20 tuổi, khi được quân đội Nhật gọi nhập ngũ, Onoda ngay lập tức bỏ việc, lên đường trở về nước để tham gia huấn luyện. Onoda sau đó được đào tạo trở thành sĩ quan tình báo của Lục quân Đế quốc Nhật Bản tại trường Nakano với các phương pháp thu thập thông tin tình báo và cách tiến hành chiến tranh du kích. Tất cả các hoạt động Onoda tham gia không ngoài mục đích chuẩn bị để ông cùng các nhóm binh sĩ khác thâm nhập vào khu vực của địch để gây khó khăn cho kẻ thù và thu thập thông tin tình báo.
Hình ảnh người lính Nhật Hiroo Onoda trước và sau gần 30 năm chiến đấu trong rừng ở Philippines. |
Ngày 26/12/1944, thiếu úy Onoda được cử đến đảo Lubang ở Philippines, cách thủ đô Manila khoảng 150 km về phía tây nam. Sĩ quan chỉ huy, thiếu tá Yoshimi Taniguchi đưa ra mệnh lệnh: Anh tuyệt đối bị cấm tự tử. Có thể mất 3 năm, có thể là 5 năm, nhưng dù có chuyện gì xảy ra, chúng tôi sẽ quay lại đón anh. Cho tới lúc đó, chừng nào anh vẫn còn một binh sĩ, anh phải tiếp tục dẫn dắt người lính đó. Anh có thể phải sống nhờ những quả dừa. Nếu trường hợp đó xảy ra, hãy ăn dừa để sống. Trong bất kể hoàn cảnh nào, anh cũng không được phép tự nguyện từ bỏ mạng sống.
Tại chiến trường ở Philippines, Onoda móc nối với những binh sĩ Nhật Bản đã có mặt từ trước trên đảo. Tuy nhiên, những sĩ quan trên đảo lại từ chối hỗ trợ Onoda thực hiện nhiệm vụ phá hủy các mục tiêu như cảng, sân bay cùng địa điểm khác. Ngày 28/2/1945, lực lượng quân Đồng minh đổ bộ lên đảo và nắm quyền kiểm soát buộc những binh sĩ Nhật còn lại phải chia thành các nhóm nhỏ gồm 3 hoặc 4 người và di tản vào rừng để lẩn trốn.
Trong khi hầu hết các nhóm lính nhỏ này đều nhanh chóng bị tiêu diệt, nhóm của Onoda gồm Onoda, Yuichi Akatsu, Siochi Shimada và Kinshichi Kozuka tiếp tục sử dụng chiến lược chiến tranh du kích để quấy nhiễu đối phương. Vừa kiểm soát chặt chẽ vũ khí, thực phẩm… của mình, nhóm của Onoda vừa bổ sung nguồn cung với các loại trái trong rừng như chuối, dừa... Khi có cơ hội, họ thực hiện các cuộc càn quét tấn công vào các nông trại địa phương.
Tháng 10/1945, sau một cuộc giết bò lấy thịt ở một nông trại địa phương, nhóm của Onoda phát hiện một tờ truyền đơn người dân địa phương để lại với nội dung “chiến tranh đã kết thúc ngày 15/8. Xuống núi đi”. Sau khi thảo luận, nhóm Onoda đi đến nhận định đây là chiến lược của quân Đồng minh nhằm thuyết phục những người lính Nhật đầu hàng. Vì không hề hay biết Mỹ đã ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, họ quả quyết Nhật Bản không thể thua nhanh như vậy tính từ thời điểm họ được triển khai tới chiến trường này. Những sự việc như một cuộc nổ súng diễn ra vài ngày trước đó cũng khiến những người lính Nhật này càng thêm đinh ninh chiến tranh chưa kết thúc.
Chán cảnh bị bắn còn nông trại thì bị cướp phá, gần cuối năm đó, những người sống trên đảo thuê một chiếc Boeing B-17 rải truyền đơn khắp khu rừng với nội dung là mệnh lệnh yêu cầu binh sĩ Nhật đầu hàng của tướng Yamashita. Tính xác thực của những tờ truyền đơn này một lần nữa lại được thành viên trong nhóm của Onoda bàn bạc. Nhưng họ vẫn thấy nội dung hướng dẫn họ cách quay về Nhật Bản rất khả nghi vì những tờ truyền đơn này dường như có ý Nhật Bản đã thua trận. Những người lính Nhật không thể hiểu điểm này và đó cũng là nguyên dân dẫn đến việc họ không chấp nhận sự thật cuộc chiến đã kết thúc. Nếu Nhật Bản giành chiến thắng, quân Nhật sẽ đến và đón họ. Nhưng Nhật Bản lại không thể thua và vì vậy cuộc chiến vẫn phải đang diễn ra. Quân Đồng minh lại bị kết luận vì mệt mỏi với chiến lược chiến tranh du kích của lính Nhật nên cố kêu gọi họ đầu hàng, và nhóm của Onoda lại tiếp tục chiến đấu.
Kế hoạch máy bay rải truyền đơn lần thứ nhất bất thành kéo theo nhiều cuộc rải truyền đơn tiếp theo cùng những tờ báo từ đất nước Nhật Bản, hình ảnh và thư từ gia đình các binh sĩ. Các đoàn từ Nhật Bản cũng được cử đến đảo, đi vào rừng, qua loa phát thanh van xin những binh sĩ Nhật Bản này hạ vũ khí. Cuộc vận động quy mô là vậy và chân thành là vậy, nhưng những người lính Nhật luôn chỉ nhìn thấy âm mưu của quân Đồng minh. Kết quả là, bốn người lính trong rừng tiếp tục quấy nhiễu kẻ thù và thu thập thông tin tình báo. Sự cô đơn trong cánh rừng nơi đất khách quê người dần dà quy cách suy nghĩ của những người lính Nhật Bản về một hướng duy nhất: kẻ thù và âm mưu của kẻ thù, dù đó có là những người ăn vận trang phục thường dân, hay những người Nhật cố đi tìm và đưa họ về nước.
Sau khoảng 5 năm sống “cuộc sống của Tarzan”, Akatsu không thông báo cho đồng đội, tự quyết định đầu hàng. Năm 1949, Akatsu tách khỏi nhóm và sau 6 tháng một mình trong rừng, trước những người bị cho là quân Đồng minh, người lính Nhật này đã đầu hàng thành công. Sự biến mất của Akatsu khiến nhóm của Onoda càng trở nên cẩn trọng. Họ lẩn trốn sâu hơn vào rừng và ít liều lĩnh hơn bởi việc Akatsu biến mất không khác gì một mối đe dọa an ninh. “Nếu cậu ấy bị bắt thì sao” là những gì họ nghĩ.
Khoảng 5 năm tiếp theo, trong một cuộc đụng độ trên bãi biển Gontin, Shimada thiệt mạng. Onoda và Kozuka tiếp tục sống trong rừng khoảng 17 năm, thu thập thông tin tình báo và tấn công “quân đội kẻ địch” khi có thể, vẫn một mực tin rằng Nhật Bản sẽ triển khai thêm quân và họ sẽ nhận trách nhiệm huấn luyện tân binh về chiến tranh du kích và tận dụng thông tin tình báo đã thu thập được cho đến ngày như đã hứa, sĩ quan chỉ huy sẽ đến đón họ cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa.
Tháng 10/1972, sau 27 năm lẩn trốn, Kozuka thiệt mạng trong một cuộc đụng độ với lực lượng tuần tra Philippines. Người Nhật vốn cho rằng Kozuka đã chết từ lâu vì không nghĩ rằng người lính này có thể sống sót chừng đó thời gian trong rừng. Nhưng khi thấy thi thể của Kozuka, họ bắt đầu nghĩ có thể Onoda vẫn còn sống dù đã từ rất lâu Onoda đã được tuyên bố tử trận.
Một nhóm tìm kiếm được cử đến khu rừng trên đảo Lubang để tìm tung tích của Onoda, một người lính có 27 năm kinh nghiệm lẩn trốn trong rừng. Nhiệm vụ thất bại, và Onoda tiếp tục một cuộc chiến đơn độc.