Cho đến nay, hàng trăm công dân Nga đã được trao tặng huân chương, hàng ngàn người khác được nhận huy chương của Việt Nam.
Nhưng ai là người Nga đầu tiên được trao tặng danh hiệu này? Và điều đó xảy ra khi nào? Lời đáp cho câu hỏi này có thể tìm thấy trong cuốn nhật ký du hành thành viên Hiệp hội Địa lý Nga, bá tước Constantine Viazemsky được công bố tại Moskva năm 1892, khi ông đến thăm Việt Nam. Xin nói thêm là ông Vyazemsky đã có mặt tại đây lâu hơn các vị khách đến thăm Việt Nam vào giai đoạn đó. Ông đã ở Việt Nam trong vòng bốn tháng liền và cưỡi ngựa rong ruổi từ Bắc tới Nam.
Sau khi biết bá tước Nga đến Huế, ông được mời đến gặp vua Thành Thái. Vyazemsky mô tả tỉ mỉ cung điện vua Thành Thái, những người trong Hoàng gia và giới cận thần, tiệc yến mà nhà vua thiết đãi bá tước Nga, các bản nhạc được chơi trong khi ăn, những tiết mục trên sân khấu tiếp theo đó. Nhà vua đã ban cho vị khách Nga nhiều món quà tặng, trong đó có hai chiếc quạt lớn bằng lông công có tay cầm bằng ngà và chiếc ô sang trọng.
Nhà vua cũng thưởng cho bá tước Viazemsky hai huy chương dân sự và quân sự Việt Nam cao quý nhất, cùng với mười huy chương ý nghĩa thấp hơn. Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng bá tước Vyazemsky là người Nga đầu tiên được nhận tặng thưởng của nhà nước Việt Nam. Một trong những trang thú vị nhất cuốn nhật ký lữ hành của bá tước Vyazemsky kể về chuyện ông đã ở trong kinh đô Việt Nam như thế nào.
Đây quả là một cuộc điều tra thực sự về kinh kỳ Huế vào thời điểm đó. Thành phố này được tác giả mô tả trong các khía cạnh khác nhau: kiến trúc, chính trị, hành chính, lịch sử, văn hóa và xã hội. Bá tước thực sự đặc biệt ngưỡng mộ lăng tẩm của các hoàng đế.
Từ Huế, bá tước Nga cưỡi ngựa đến Đà Nẵng. Trong nhật ký của mình, ông lưu ý rằng từ thành phố này người Pháp đã thâm nhập rộng rãi ra khắp Đông Dương. Bá tước phân tích giá trị kinh tế của cảng Đà Nẵng và liệt kê các sản phẩm của Việt Nam được xuất khẩu qua cảng này đến các nước khác. Bá tước Vyazemsky lưu ý đến số lượng lớn người Âu ở thành phố này và sự Âu hoá mạnh mẽ ở Đà Nẵng. "Ngay cả vợ con các quan lại Việt Nam cũng tán chuyện với nhau bằng tiếng Pháp và mặc trang phục châu Âu." Trong vùng ngoại ô Tây Ninh, ông Vyazemsky leo núi Bà Đen, từ trên đỉnh núi cao ngắm nhìn "vẻ ngoạn mục đáng yêu của đất nước." Ông cũng tham gia một nghi lễ tôn giáo tại ngôi chùa trên núi.
Đối với vị du khách người Nga, trước đó đã đến thăm hàng chục quốc gia châu Á, Sài Gòn là thành phố văn minh nhất Viễn Đông và cũng là thành phố Âu hóa nhất mà ông thấy ở châu Á. Đặc biệt ấn tượng nhất là dinh Công sứ, dinh Thống đốc, bưu điện, bệnh viện và phòng thí nghiệm, nơi mà Pasteur hướng dẫn học trò tiến hành nghiên cứu vắc-xin. Bá tước rất khâm phục Vườn bách thảo địa phương. Ông lưu ý trong nhật ký của mình "Khu vườn này nổi tiếng khắp Đông Dương".
Trong Chợ Lớn, bá tước Nga chú ý đến "sự pha trộn giữa châu Âu với các yếu tố châu Á. Người người ai cũng mải mê buôn bán. Tất cả các con sông nườm nượp tàu thuyền chở gạo". Du khách Nga kinh ngạc thấy rằng ở Chợ Lớn người ta công khai bào chế, buôn bán thuốc phiện, thậm chí đưa vào sản xuất công nghiệp. Lên án chính quyền Pháp, ông Vyazemsky cáo buộc người Pháp "vô đạo đức hoàn toàn" trong vấn đề này.
Sau khi rời Sài Gòn tháng 7 năm 1892, bá tước Nga vẫn tiếp tục cuộc hành trình của mình qua Campuchia, Xiêm La (Thái Lan ngày nay), Miến Điện (Myanmar). Ông sống ba tháng ở Ấn Độ và sau đó qua dãy Himalaya, Tây Tạng, Trung Á, Ba Tư và Caucasus (Kavkaz) trong năm 1894, rồi trở về St. Petersburg. Nói về chuyến lữ hành trên đất Việt Nam của bá tước Vyazemsky, sử gia Moskva Anatoly Sokolov đánh giá rằng, "đối với 19, chuyến đi này thật sự độc đáo. Và nhật ký của bá tước Vyazemsky quả là chuyên khảo khoa học và nghệ thuật tuyệt vời. Cho đến nay, nhiều chuyên gia các lĩnh vực khác nhau vẫn có thể tìm thấy ở các trang sách này rất nhiều điều hữu ích."