Trung tuần tháng 7 vừa qua, tôi có dịp đến thăm và làm việc tại Mông Cổ, đất nước của Chinggis Khan (Thành Cát Tư Hãn). Bảy ngày ngắn ngủi trên đất nước rộng lớn và có bề dày lịch sử này, ngoài những ấn tượng sâu sắc về con người Mông Cổ chất phác, cởi mở, thân thiện và hiếu khách; thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ, một bất ngờ thú vị đã đến với tôi. Đó là được gặp những người đồng hương đang sống và làm việc ở đất nước xa xôi này.
Anh Lê Quang Vinh (phải), chủ doanh nghiệp sửa chữa ô tô ở Ulan Bato, chụp ảnh với tác giả. |
Nói là bất ngờ là bởi vì trong những ngày ở thủ đô Ulan Bato, tham dự các hoạt động do bạn tổ chức, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp những tấm biển kích cỡ to, nhỏ khác nhau có tên Việt Nam viết bằng chữ cái tiếng Nga nằm lẫn ở một số khu dân cư. Ở đây xin được mở ngoặc nói thêm rằng chữ Mông Cổ hiện đại sử dụng chữ cái của tiếng Nga để thể hiện tiếng Mông Cổ. Người biết tiếng Nga cũng chỉ đọc được nhưng không hiểu nghĩa. Mang thắc mắc này hỏi L. Nomin, cô bạn người Mông Cổ, phụ trách quan hệ quốc tế của Thông tấn xã Montsame, được bạn giải thích: Những tấm biển đó ghi “Xưởng sửa chữa ô tô Việt Nam”. Bạn còn cho biết thêm ở Ulan Bato có khoảng ba, bốn chục cơ sở như vậy và đó là nghề độc quyền của người Việt Nam. Từ thông tin Nomin cung cấp, tôi tự nhủ thế nào cũng tìm cách đến thăm và tìm hiểu cuộc sống, công việc làm ăn của những người đồng hương ở đất nước xa xôi này.
Ngày cuối cùng của chuyến thăm, làm việc tại Mông Cổ, buổi chiều ra sân bay về nước, tôi dành nguyên buổi sáng để tìm gặp những người đồng hương. Nomin tình nguyện đưa tôi đi. Ulan Bato không rộng, do đó khoảng 15 phút sau chúng tôi đã đến cơ sở sửa chữa ô tô đầu tiên của người Việt Nam. Hóa ra không phải một xưởng sửa chữa ô tô bề thế hay nhộn nhịp như tôi tưởng tượng trước đó. Một cơ sở chỉ có ba công nhân làm việc và cũng không phải sửa chữa máy móc phức tạp. Các cơ sở này chỉ làm một công việc đơn giản là tân trang lại các xe ô tô bị trầy xước sơn hoặc bị móp méo do va quệt, hoàn toàn không đụng gì đến máy móc hay nội thất của xe. Mặt bằng cơ sở cũng không rộng, theo ước lượng của tôi, chỉ vào khoảng 50 - 60 m2. Khi tôi đến, trong xưởng có 3 công nhân đang làm việc và 3 chiếc xe đang chờ sửa. Cả 3 công nhân tuổi đời còn rất trẻ. Người lớn tuổi nhất Nguyễn Xuân Chiến, năm nay 28 tuổi, cho biết:
Ba người thợ Việt Nam ở Ulan Bato: Nguyễn Mạnh Thành (trái), Đặng Văn Phúc (phải) và Huỳnh Lượng (giữa). |
- Cả ba anh em chúng cháu đều là người Huế. Cháu sang đây được 4 năm, còn Điệp và Hùng mới sang được mấy tháng.
- Các cháu ăn, ở làm việc và thu nhập ra sao?
- Chúng cháu làm thuê cho anh Vinh là chủ doanh nghiệp. Hàng ngày, chúng cháu làm việc từ 9 giờ sáng, nếu ít việc thì 7 giờ tối nghỉ, còn khi việc nhiều thì làm đến 8 giờ tối. Thu nhập của chúng cháu cũng khá. Bình quân mỗi tháng mỗi anh em kiếm được từ 1.500 - 2.000 USD, tuỳ vào công việc nhiều hay ít. Chúng cháu chỉ làm các việc gò, hàn, sơn, tân trang xe tại xưởng, còn mọi công việc giao dịch tìm kiếm khách hàng, quan hệ với chính quyền sở tại, anh Vinh lo hết. Ba anh em chúng cháu thuê nhà ở chung và tự nấu ăn. Do đó, chi phí cho ăn, ở và các khoản chi tiêu khác mỗi người hết khoảng 400 - 500 USD, còn để dành được 1.000 USD/tháng, gửi giúp gia đình.
“Chúng cháu là người cùng quê nên hiểu nhau, biết đùm bọc, an ủi, động viên nhau, nhất là vào những dịp lễ, tết cũng như những tháng mùa đông giá rét, ngoài trời tuyết rơi dày, trắng xoá, đêm đến nhớ nhà đến quay quắt” - Chiến tâm sự.
Anh Nguyễn Xuân Chiến trong xưởng sửa chữa ô tô ở Ulan Bato. |
Chuyện trò với anh em được khoảng 30 phút, chúng tôi phải tranh thủ đến cơ sở khác để có dịp gặp gỡ nhiều hơn những người đồng hương Việt Nam. Xe chở chúng tôi chạy lòng vòng khoảng ba, bốn lần rẽ phải, rẽ trái, chúng tôi lại gặp một cơ sở có biển hiệu y như cơ sở đầu tiên. Nhìn bên ngoài, cơ sở này cũng không khang trang gì hơn cơ sở trước và cũng có 3 công nhân đang làm việc. Hỏi chuyện thì mới biết, nhóm này ba anh em ở ba quê khác nhau và cũng thuộc công ty của anh Vinh.
Người có thâm niên lâu nhất ở đây là Nguyễn Mạnh Thành, quê ở Phổ Yên, Thái Nguyên. Thành năm nay 27 tuổi, sang Mông Cổ được 7 năm. Thành lấy vợ người Mông Cổ. Thành kể: “Vợ cháu trước đây bán quần áo ở chợ. Ngày nghỉ, cháu hay đi chơi lang thang ở chợ, lúc đầu gặp nhau bông đùa vài câu, dần dần trở nên thân thiết và nên vợ nên chồng”. Hiện họ đã có cậu con trai kháu khỉnh, được một tuổi rưỡi. Sau khi có con, vợ Thành nghỉ bán hàng, ở nhà trông con. Một mình Thành đi làm nuôi ba miệng ăn. Thành cho biết, giá cả ở Mông Cổ cũng khá đắt đỏ. Với thu nhập 2.000 USD/tháng, gia đình anh phải trang trải rất nhiều khoản chi tiêu như thuê nhà, điện, nước, ăn uống, quần áo… nên phải tính toán tằn tiện mới đủ.
- Chú hỏi hơi tò mò một chút nhé: Cháu lấy vợ người Mông Cổ có sự khác biệt về văn hóa, phong tục, tập quán, trong quan hệ gia đình, họ hàng có khó khăn, trở ngại gì không?
- Nói chung người Mông Cổ chất phác, tốt bụng. Cũng như ở gia đình Việt Nam, nếu mình biết cư xử tốt sẽ được yêu quí và dễ hòa nhập. Gia đình bố mẹ vợ cháu ở thôn quê, cách Ulan Bato khoảng 60 km. Khi nào có thời gian rảnh và thời tiết cho phép vợ chồng cháu lại về thăm ông bà.
Ở cơ sở thứ hai này còn có Đặng Văn Phúc, 35 tuổi, quê ở Đà Nẵng và Huỳnh Lượng, quê ở Thừa Thiên - Huế . Một người sang Mông Cổ được 5 năm, một người sang được 3 năm và đều còn độc thân. Phúc và Lượng đều có thời gian làm việc ở Hà Nội, trước khi gặp anh Vinh về nước tuyển lao động. Những công nhân này đều bằng lòng với cuộc sống và công việc hiện tại. Cách nói và thái độ của họ thể hiện họ rất nể trọng và biết ơn anh Vinh, người đã giúp họ có việc làm và thu nhập tốt. Chính điều này làm tôi chú ý và tỏ ý muốn được gặp anh Vinh. Một người thợ đã giúp tôi gọi điện thoại cho anh Vinh. Không biết người thợ ấy nói gì, nhưng chưa đầy 15 phút sau, một người đàn ông nhỏ nhắn, gương mặt hiền lành xuất hiện. Anh em giới thiệu với chúng tôi: Đây là anh Lê Quang Vinh, chủ doanh nghiệp. Sau vài câu chào hỏi và giới thiệu làm quen, tôi hỏi anh Vinh:
- Anh sang đây làm ăn từ bao giờ và tại sao anh lại chọn nghề sửa ô tô?
- Em sang đây từ năm 1985. Lúc đó, em là học sinh phổ thông được Nhà nước cử sang Mông Cổ học đại học. Em học ở trường Đại học Nông nghiệp, ngành thú y. Hai năm đầu em học tiếng Mông Cổ, sau đó em học tiếp 5 năm đại học. Năm 1992, vừa kết thúc chương trình học tập, chưa kịp về nước thì ở Mông Cổ có sự thay đổi lớn. Do Liên Xô sụp đổ, cách mạng dân chủ diễn ra ở Mông Cổ. Mông Cổ chuyển sang nền kinh tế thị trường. Nhận thấy có cơ hội làm ăn nên em ở lại đây. Lúc đầu, kinh tế Mông Cổ còn khó khăn, hàng hoá thiếu thốn, em nhập từ Việt Nam sang các loại như bánh kẹo, xà phòng, dưa chuột muối… Khoảng 5-6 năm sau, kinh tế Mông Cổ dần dần phát triển. Nhiều người giàu lên, họ mua sắm ô tô. Vậy là em chuyển hướng làm ăn sang lĩnh vực mới là gò, hàn, sơn, tân trang ô tô.
Anh Vinh cho biết hiện ở Ulan Bato có khoảng 400 người Việt Nam. Phần lớn cũng làm nghề tân trang ô tô. Các cơ sở sửa chữa ô tô của người Việt Nam rất có uy tín, do người Việt Nam khéo tay và rất cần cù, chịu khó.
- Thủ tục lập công ty ở đây thế nào? Và chính quyền sở tại có gây phiền hà cho hoạt động của công ty không?
- Do có thuận lợi là em sống và làm việc ở đây khá lâu, lại thông thạo ngôn ngữ Mông Cổ và nắm vững các qui định của luật pháp nên về cơ bản chính quyền và các cơ quan chức năng của thành phố ủng hộ và tạo điều kiện. Tuy nhiên, mình cũng phải ứng xử khéo léo và tế nhị thì mọi việc mới suôn sẻ.
- Vinh ở lâu như vậy chắc đã nhập quốc tịch Mông Cổ?
- Em vẫn giữ quốc tịch Việt Nam đấy chứ. Hàng năm, em đều về nước hai, ba lần. Vợ em hiện sống và làm việc tại Việt Nam. Em có hai con, cháu lớn 13 tuổi và cháu nhỏ mới được một tháng tuổi.
Tôi đang nói chuyện với anh Vinh và anh em công nhân thì lại xuất hiện một người Việt Nam. Anh tự giới thiệu là Nguyễn Đăng Trụ, Giám đốc công ty xuất nhập khẩu Trụ Đại Hòa ở phố Cửa Nam, Hà Nội, mới sang Mông Cổ tìm hiểu thị trường và đối tác làm ăn.
Thế mới biết kinh tế thị trường thời hội nhập, cánh cửa ra thế giới bên ngoài rộng mở. Bạn có thể gặp những người đồng hương của mình ở bất cứ đâu. Mông Cổ xa Việt Nam về địa lý, nhưng gần về tình cảm và là nơi làm ăn hấp dẫn. Ít nhất là với những người tôi gặp.
Nhật Nam