Nghĩa tình giữa mùa dịch COVID-19 - Bài 1: Ấm lòng người nghèo

Với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều", trong những ngày qua, nhiều "mạnh thường quân", tổ chức xã hội, nhiều cá nhân đã chung tay cùng TP Hồ Chí Minh, cùng cả nước với những hành động và nghĩa cử đẹp tiếp tục lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng.

Ai khó khăn lấy một phần

Chú thích ảnh
Đoàn viên thanh niên quận Bình Tân trao quà cho người cao tuổi, người bán vé số dạo bị ảnh hưởng dịch bệnh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Những ngày gần đây, nhất là từ khi bắt đầu thực hiện cách ly xã hội để hạn chế dịch COVID-19 lây lan, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có hàng trăm điểm phát miễn phí gạo, cơm, thực phẩm, khẩu trang... được tổ chức, lan truyền mạnh mẽ thông điệp đầy tính nhân văn với những tấm băng rôn: “Nếu khó khăn cứ lấy một phần - Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác”.

Trong những ngày đầu tháng 4, nhiều người nghèo khó, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và cả những người bán vé số truyền tai nhau đến quán cơm chay Bình An, (đường Ngô Quyền, Quận 10). Tại đây, ngày 3 cữ ăn sáng - trưa - chiều, mọi người đều được nhận phần cơm, trái cây, nước suối, khăn. Đặc biệt trẻ em, người bệnh, già yếu còn có những hộp sữa, ai chưa có khẩu trang cũng được cấp phát miễn phí.

Theo chị Võ Thị Thùy Trang, chủ quán cơm chay Bình An, để phòng chống dịch COVID-19, hai vợ chồng quyết định đóng cửa, ngưng bán cùng các con về quê ngoại nghỉ ngơi, trách dịch. Tuy nhiên, "duyên nợ" từ buổi phát cơm từ thiện 50 suất/ngày đã khiến anh chị quyết định gửi con về quê để ở lại phục vụ người nghèo trong những ngày dịch bệnh. 

“Vừa phát cơm, vừa được nghe nhiều câu chuyện của những người nghèo khó; nhiều mảnh đời, hoàn cảnh gia đình khác nhau của những người bán vé số đã lay động tình cảm “lá lành đùm lá rách” của hai vợ chồng”, chị Võ Thị Thùy Trang chia sẻ.

Từ chỗ tặng 50 suất cơm miễn phí/ngày, đến nay nhiều người biết đã ủng hộ, nên số lượng cơm miễn phí trao tặng cũng tăng lên khoảng 1.000 - 1.500 suất ăn miễn phí/ngày. Ngoài ra, quán cơm còn mang đến tận nhà các hộ nghèo, cho thêm mì gói, gạo vào những buổi tối.  Chung tay với chủ quán cơm An Bình, nhiều người mang gạo, sữa, nước suối, rau, củ, quả và cả tiền để chung tay giúp người nghèo.

“Bà con lối xóm ngụ ở hẻm 51, đường Ngô Quyền, cũng rủ nhau ra giúp nhặt rau, nấu cơm, canh, làm đủ các món kho, xào, chiên và giúp việc sắp xếp những người đến nhận phần cơm miễn phí giữ gìn trật tự, giãn cách theo yêu cầu, rửa tay khử trùng, đeo khẩu trang…”, chị Võ Thị Thùy Trang cho biết.

Hai mẹ con bà Phương Yến Anh, trọ tại số 36/44 Nguyễn Hiền, Quận 3, hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhất là khi người con khuyết tật đang nằm điều trị nhiễm trùng, không đi bán vé số được. Nhiều lần chính quyền địa phương đã hỗ trợ để mổ vết thương cho người con, nhưng vết thương cứ tái phát. Thỉnh thoảng, các tổ chức từ thiện cũng đến trao quà, nhưng dần dần cũng hết.

Bà Yến Anh cho biết, do lớn tuổi, nên chẳng làm được việc gì ngoài việc đi phụ giúp việc nhà để lo trang trải cuộc sống cho hai mẹ con. “Tuy nhiên, có được những suất cơm hàng ngày như thế này, thì số tiền kiếm được sẽ để dành thang thuốc cho con”, bà Yến Anh chia sẻ.

Tại địa chỉ số 530 đường Hoàng Sa (Quận 3), từ ngày 1/4, anh Lê Thanh Bình tổ chức phát hơn 100 phần gồm mì tôm, bánh bao, nước suối và gạo cho người nghèo, neo đơn, bán vé số... "Qua đọc báo cấm bán vé số, còn cửa hàng mình thì đóng cửa không làm gì, mình bỏ tiền ra rồi kêu bạn bè góp tiền, góp quà để hỗ trợ cho người nghèo, cố gắng duy trì đến hết ngày 15/4 ", anh Bình cho biết.

Vui vẻ nhận phần cơm từ quán An Bình, cô Lê Thị Sương (ngụ huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) sống bằng nghề bán vé số chia sẻ, gia đình chồng con và bố mẹ mất hết rồi, tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh bán vé số được khoảng 7 tháng nay. Khi có lệnh cấm bán vé số từ ngày 1/4, không có xe về và tiền bạc cũng không có, rồi không có chỗ ngủ phải ở lề đường, ban ngày thì đi xin cơm từ thiện. Mấy cô, mấy chú có lòng từ bi, giúp chúng tôi có cơm ăn hàng ngày, đỡ đần vượt qua khó khăn.
 
San sẻ bớt khó khăn

Chú thích ảnh
Tất cả người bán vé số lưu động tại huyện Hóc Môn đều nhận được tiền hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Khi dịch COVID-19 xảy ra, đối tượng bị tác động nhất là những người nghèo, không có thu nhập ổn định. Với tấm lòng "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều", mỗi cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cách làm khác nhau để san sẻ bớt khó khăn với người nghèo, cùng “dắt tay nhau” vượt qua dịch bệnh.

Từ những việc làm nhỏ như em bé 11 tuổi dành toàn bộ tiền lì xì Tết của mình để giúp người khó khăn, Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt đã hơn 95 tuổi ở quận Gò Vấp vẫn tỉ mẩn cắt, may từng chiếc khẩu trang để tặng người nghèo với suy nghĩ mộc mạc “Mẹ muốn góp chút gì đó cho công việc phòng, chống dịch bệnh”, đến các tổ chức Công đoàn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên quyên góp tiền, vận động các mạnh thường quân tài trợ khẩu trang, nước rửa tay, thực phẩm... để phát cho người già neo đơn, tàn tật, trẻ em cơ nhỡ.

Tham gia cùng với Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nấu và phát cơm cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn ở các quận vùng ven thành phố, ông Nguyễn Văn Thiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cỏ May Essential cho biết, dịch COVID-19 gây khó khăn cho nền kinh tế đất nước nói chung, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn càng khó khăn hơn. Việc tổ chức chăm lo cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong lúc này là một trong những hoạt động thiết thực, nên làm và nhân rộng đến mọi thành phần. Dù vất vả, hay doanh nghiệp có khó khăn thêm chút nữa, nhưng cũng cảm thấy ấm lòng, chung tay chia sẻ cùng những người đang gặp khó khăn trong mùa dịch.

“Những người bán vé số, trẻ em cơ nhỡ, neo đơn... phải lo chạy ăn từng bữa cho nên việc ngừng bán vé số trong thời gian như vậy, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Mình muốn góp chút sức nhỏ để cùng họ vượt qua giai đoạn khó khăn này”, bạn Huỳnh Đạt, đại diện nhóm bạn trẻ của Hội tình nguyện Gió yêu thương chia sẻ. Nhóm đã tự vận động, quyên góp tiền và thực phẩm để đem phát tận tay người nghèo, bán vé số trên địa bàn thành phố. 

Là nơi tập trung đông nguồn lao động nhập cư đến làm việc, học tập, kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau, song song với đó là nhu cầu về chỗ ở rất lớn. Với rất nhiều người, chi phí cho thuê chỗ ở cũng là gánh nặng rất lớn. Trong hoàn cảnh đó, hàng ngàn chủ nhà trọ đã quyết định giảm giá thuê từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng/tháng là rất đáng quý.

Nói về quyết định giảm giá tiền thuê phòng trọ cho công nhân, bà Bùi Thị Bên chia sẻ: “Các cháu xa quê để mưu sinh đã là khó. Trong khả năng mình giúp được gì để chúng đỡ vất vả thì làm. Góp ít sức nhỏ để chăm lo công nhân lao động, tôi thấy mình hạnh phúc vô cùng”.

Hơn tháng nay, bà Phạm Thị Thủy Tiên, chủ nhà trọ ở phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) đã quyết định giảm giá tiền thuê nhà trọ cho công nhân mỗi phòng 100.000 đồng/tháng. Bà Thủy Tiên cho biết sẽ giảm giá tiền thuê nhà cho đến khi hết dịch COVID-19 và tình hình sản xuất ổn định, để công nhân an tâm làm việc. 

Bà Vương Nhã Khanh, chủ nhà trọ 74/10 đường số 7 (phường Linh Trung, Thủ Đức) cũng quyết định giảm giá 200.000 đồng/phòng đối với sinh viên, người mất việc làm hoặc chưa có việc làm. Theo bà Khanh, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp bị giảm ca, giảm thu nhập, hoặc sinh viên mới ra trường chưa kiếm được việc làm. Vì vậy, gia đình bà quyết định giảm tiền thuê để chia sẻ khó khăn và sẽ duy trì việc giảm giá đến khi tình hình ổn định.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Giám (Phường 16, Quận 8), chia sẻ, hiện gia đình có hơn 200 phòng trọ, chủ yếu cho người bán vé số, phụ hồ thuê. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thu nhập của họ vốn bấp bênh lại càng bấp bênh hơn. Gia đình chị đã bàn bạc, quyết định giảm giá thuê cho tất cả người thuê ở đây.

Chia sẻ khó khăn với gần 12.000 người bán vé số dạo cư trú trên địa bàn, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày; thời gian hỗ trợ là 15 ngày, kể từ ngày 1/4 (thời gian ngưng phát hành xổ số kiến thiết). Tổng kinh phí hỗ trợ là gần 9 tỷ đồng được chi từ Quỹ phòng chống dịch COVID-19 của Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, cuộc sống của những người bán vé số hiện rất chật vật, vì vậy tiền hỗ trợ sẽ được triển khai ngay, chậm nhất trong 10 ngày tới, thì tiền hỗ trợ mới có ý nghĩa. 

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chia sẻ, phần lớn những người bán vé số đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Họ từ các tỉnh khác đến thành phố để mưu sinh, kiếm sống qua ngày, có người phải nuôi gia đình từ nguồn thu nhập chính là bán vé số. Thành phố Hồ Chí Minh chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhưng cũng không quên chăm lo đời sống cho những người nghèo bị ảnh hưởng.

Bài 2: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN)
Cùng chung tay, góp sức vào công tác phòng, chống dịch COVID-19
Cùng chung tay, góp sức vào công tác phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 8/4, cụ Nguyễn Thị Dậu (79 tuổi ở khu phố 4, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) đã ủng hộ 5 triệu đồng, góp sức vào công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN