Đây không chỉ là một quá trình thay đổi to lớn, mà ở đó, các em nhỏ trên hòn đảo này đã biết ước mơ, biết khát vọng sống và biết vươn lên từ ngọn lửa được thắp bởi người thầy giáo mang quân hàm xanh, Thượng úy Trần Bình Phục.
Thầy giáo - Thượng úy Trần Bình Phục tận tình dạy chữ cho các em nhỏ trên đảo Hòn Chuối. |
Người mang trái tim của biển Đảo Hòn Chuối (thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cách cửa biển Sông Đốc 17 hải lý về phía Tây, rộng khoảng 7 km2. Đến nay, đảo Hòn Chuối cơ bản vẫn là đảo “5 không”: không điện, không đường, không trường, không trạm, không nước sạch sinh hoạt với khoảng 50 hộ dân, 170 nhân khẩu sinh sống. Đời sống người dân quanh năm bám biển, chuyện lo cái ăn, cái mặc đã là một gánh nặng, do đó, chuyện học hành của con em trên đảo từ nhiều năm qua không được xem trọng.
Thượng úy Trần Bình Phục đến đảo Hòn Chuối lần đầu là sau cơn bão dữ Linda tàn phá tỉnh Cà Mau vào năm 1997. Khi đó, anh là một thành viên trong đoàn tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. “Bước chân lên đảo, điều đầu tiên tôi thấy là những đứa trẻ nghèo đến xơ xác. Thời điểm đó, việc có gạo để ăn là một vấn đề nan giải huống chi là chuyện học hành, đó là thứ quá xa lạ với người dân ở đây”, Thượng úy Trần Bình Phục nhớ lại.
Sau những chuyến đi cứu hộ, Thượng úy Trần Bình Phục cứ ám ảnh mãi về những đôi mắt ngây ngô của các em trên đảo và luôn trăn trở với suy nghĩ không lẽ đời các em rồi sẽ luẩn quẩn mãi với cái nghèo, cái đói như cha mẹ chúng mà không có lối thoát.
Sự thôi thúc của con tim ngày một lớn dần, Thượng úy Trần Bình Phục đã quyết tâm viết đơn tình nguyện ra đảo công tác, sau nhiều lần không được chỉ huy chấp nhận. Bằng sự chân tình, Thượng úy Trần Bình Phục đã được chấp nhận ra làm nhiệm vụ tại đảo vào năm 2009.
Thượng úy Trần Bình Phục, kể lại: “Ngay khi nhận công tác trên đảo, tôi lập tức xin cấp ủy chỉ huy để tổ chức lớp dạy thử một tháng. Khi bắt tay vào thực hiện, tất cả chỉ là con số không tròn trĩnh. Tôi xuống từng nhà vận động các em đi học, gia đình các em cũng nghe đó, rồi thôi. Ở vùng đảo hoang sơ này, người ta sống đơn giản lắm, đâu cần biết chữ chỉ cần biết bơi, biết lặn là sống được. Cố gắng lắm mới vận động được 4, 5 em đến lớp nhưng rồi cứ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Bởi các em nghĩ, thay vì thời gian đi học, có thể đi câu vừa có tiền, có gạo ăn vẫn thích hơn”.
Thượng úy Trần Bình Phục vẫn nhớ mãi về quá trình thuyết phục, vận động rất đặc biệt để em Nguyễn Anh Dũng an tâm đến lớp. “Ngày đó, tôi đến lớp thấy vắng em. Dù trời mưa tầm tã, tôi vẫn từ trên núi đi xuống nhà em dưới ghềnh để tìm, gặp em chuẩn bị đi câu. Gặp em tôi giận quá bẻ cần cầu của em. Tôi vác em lên vai, vừa đi nước mắt tôi vừa rơi vì sự bất lực. Leo mấy trăm bậc thang lên đến lớp, tôi hỏi em, giờ con muốn học hay muốn thầy đánh đòn? Bất ngờ, em leo lên bàn và trả lời, thầy đánh con đi rồi cho con về đi câu. Từ đó, tôi không ép em đi học nữa mà mỗi lần em đi câu, tôi cũng đi câu với em. Em ngồi trước mũi xuồng, tôi ngồi sau lái cùng câu với em. Tôi câu được bao nhiêu đều cho em đem về mua gạo. Suốt một tuần lễ như vậy, tự nhiên, em đến nói với tôi, thầy ơi con muốn theo thầy đi học, vậy là em đi học”, Thượng úy Trần Bình Phục xúc động nhớ lại.
Đều đặn hàng ngày trong suốt 9 năm qua, đúng 6 giờ , “thầy” Phục lại đi xuống núi đón các em đến lớp, em nào nhỏ quá để cõng trên vai, cứ thế, thầy trò dắt díu nhau đến lớp. Đường đến lớp phải leo lên 303 bậc thang nhưng tình thương của thầy trò dành cho nhau không có gì đong đếm được. “Bây giờ thầy cõng con, tới lúc thầy già con sẽ cõng thầy lại. Đó là những gì các em hay nói với tôi”, thầy Phục rưng rưng nói.
Dần dà, việc đến lớp của các em từng bước được đưa vào nề nếp, cái khó tiếp theo là làm sao cho các em có nơi ăn học được đàng hoàng. Bởi cơ sở vật chất lúc bấy giờ chỉ là một căn phòng rộng chừng 50m2 được dựng tạm bằng cây lá. Không dừng lại ở đó, lớp học gần rừng nên lượng mối mọt rất nhiều, năm nào “thầy” Phục cũng phải kiểm tra, thay thế cột kèo, chằng lại mái để chống sập. “Trước đây, lớp học chỉ lợp mái lá, khi mùa mưa đến thầy trò tôi vừa học vừa tránh mưa dột. Khi có giông lốc, tôi đưa các em lên Đồn Biên phòng tránh tạm vì sợ sập trường”, thầy Phục nhớ lại.
Thương các con chịu nhiều thiếu thốn, nên mỗi khi có dịp vào đất liền công tác hay về thăm nhà, “thầy” Phục lại tranh thủ đi xin đồng phục, sách vở, cặp sách rồi mua ít bánh kẹo về làm quà.
Sau quá trình kiên trì vận động, may mắn đã được Trung ương Đoàn hỗ trợ kinh phí để xây trường. Nguồn xây trường đã có, nhưng ở nơi đảo xa xôi này, việc dựng lên một ngôi trường trên núi đá là điều không hề đơn giản. Thế nhưng, người dân và các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Hòn Chuối vừa phá đá, chặt cây và thay nhau vác gần 500 tấn nguyên vật liệu lên núi để dựng trường, tất cả đều làm bằng sức người. Sau 6 tháng trời ròng rã đổ mồ hôi và cả máu cuối cùng ngôi trường cũng hoàn thành. “Thầy” Phục cho biết, ngày 16/9/2016, ước mơ về một ngôi trường khang trang, có đầy đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ việc học của các em nhỏ cuối cùng cũng đã thành hiện thực. Tôi nhớ như in ngày đó, bởi đây là dấu ấn quan trọng, cái chữ đã đến thật sự với các em nơi đây.
Cái "duyên" đã đưa “thầy giáo”, Thượng uý Trần Bình Phục đến đây nhưng "tình thương" mới chính là sự gắn kết của anh với hòn đảo này. Chính thế, bởi nếu không phải vì trót thương cái dại, cái nghèo của tụi con nít xứ biển, chắc có lẽ “thầy” Phục chẳng thể ở lại trên hòn đảo này suốt 9 năm qua để dìu dắt các em tiếp cận với con chữ. Như chính thầy Phục thừa nhận, lúc mới bắt tay vào việc dạy các em, làm gì cũng gặp trở ngại, cả khách quan lẫn chủ quan nên nhiều lúc tôi cũng muốn bỏ cuộc. Nhưng chính tình thương của các em đã giữ tôi lại cho đến bây giờ.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trong suốt 9 năm qua, “thầy” Phục không nhận về một đồng thù lao. Mà ngược lại, vào những thời điểm khó khăn, “thầy” Phục đã dành cả nửa năm lương để lo cho các em có cái ăn, cái mặt để yên tâm đến lớp.
Một sự ấm áp luôn lan tỏa từ trái tim người lính đảo, một trái tim mang hình của biển, bởi, chỉ có biển mới đủ rộng lớn để ôm hết những ngây ngô, khờ dại của những đứa trẻ trên hòn đảo xa xôi này.
Món quà cho thầy Nói về nghiệp gieo chữ của mình nơi đảo xa, Thượng úy Trần Bình Phục cho biết, mình chỉ là người tiếp bước những đồng đội đi trước, đảm nhận việc tổ chức lớp học này. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, thương những đứa trẻ làng đảo thiếu chữ, chịu nhiều thiệt thòi, Chỉ huy Đồn Biên phòng Hòn Chuối đã mở một lớp học tình thương nhằm phổ cập, xóa mù chữ cho con em trên đảo. Sau một thời gian, lớp học tạm gián đoạn và được mở trở lại gần 9 năm qua.
“Tôi đứng lớp dạy các em nhưng chưa bao giờ nghĩ mình là người thầy giáo. Bởi tôi nghĩ, người thầy phải là tấm gương toàn diện cho các em noi theo chứ không đơn thuần cầm viên phấn, dạy chữ thì đã là thầy. Tôi chỉ là người lính như cách gọi của người dân nơi đây là “chú bộ đội”, và tôi làm những việc mà một người lính cần phải làm”, Thượng úy Trần Bình Phục trải lòng.
Thượng úy Trần Bình Phục hàng ngày đón các em lên lớp học. |
Hiện nay, lớp học tình thương được Thượng úy Trần Bình Phục xây dựng theo mô hình lớp ghép. Theo đó, 22 em trong lớp được chia thành nhiều nhóm từ lớp 1 đến lớp 7. Anh chia sẻ, “Cái khó nhất trong quá trình giảng dạy chính là lượng kiến thức của chương trình đổi mới có nhiều bài mình theo không kịp. Do đó, vừa dạy vừa mày mò tìm hiểu, rồi lại mày mò tìm cách truyền thụ cho các em. Bởi dù như thế nào, nền tảng của các em nơi đây không thể bằng so với các em được học trong đất liền”.
Điều Thượng úy Trần Bình Phục tự hào nhất không phải là quá trình cố gắng của mình được ghi nhận mà là từ ngôi trường tình thương này đã có gần 30 em vào đất liền để tiếp tục việc học. Đến nay, có em đã tốt nghiệp đại học, ra trường và có việc làm ổn định. Chuyện 3 người con của vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh Sang vào đất liền học tiếp và tốt nghiệp đại học, có việc làm, thu nhập ổn định như là một kỳ tích đối với người dân trên đảo. Ba cô cậu học trò trên đảo ngày nào là: Nguyễn Thị Ái Vân, Nguyễn Thanh Hoài, Nguyễn Thanh Tùng giờ đã là nhân viên ngân hàng, kỹ sư… như tiếp thêm động lực vươn lên cho các em đi sau.
“Thầy” Phục nắm rõ hoàn cảnh gia đình và tính cách từng em nhỏ như thể chúng là những đứa con ruột của mình. Như trường hợp của em Đậu Yến Nhi, 14 tuổi, học lớp 4, bị bệnh down do ảnh hưởng chất độc da cam. Lúc mẹ dắt đến lớp, em còn chưa biết tự chủ khi vệ sinh, hỏi gì cũng không nói còn nay em đã biết đọc, biết viết, biết thưa gửi rất ngoan. “Tụi nhỏ bây giờ ngoan lắm! Biết dạ thưa lễ phép. Trong suốt quá trình đứng lớp của mình, tôi luôn chú trọng dạy nhân cách cho học trò hơn là dạy chữ. Vì việc học chung quy cũng chỉ là học cách làm người", “thầy” Trần Bình Phục chia sẻ.
“Việc làm của tôi chỉ có một ước mong là mở cánh cửa tương lai tri thức cho các em, ở đó, các em sẽ biết mơ ước, biết hy vọng ở tương lai. Bởi trong cuộc sống, việc đói ăn, đói mặc dù là điều ghê gớm nhưng đói tri thức mới là điều ghê gớm nhất. Món quà lớn nhất mà tôi nhận được chính là sự thay đổi trong nhận thức của các em. Vào mỗi mùa hè, khi các em đi học xa trở về đảo thăm gia đình, liền lập tức chạy đến tìm tôi khoe thành tích học tập trong năm qua, rồi lấy ra những tờ giấy khen hào hứng kể cho tôi nghe chuyện trường, chuyện lớp… Tôi xem đó là món quà mà các em đem về cho tôi, bao nhiêu đó thôi là những khó khăn, mệt mỏi đều tan biến”, “thầy” Trần Bình Phục tâm sự.
Người dân trên đảo Hòn Chuối từ bao đời nay đã có truyền thống sống trong những ngôi nhà tạm bợ để dễ bề tản cư tránh gió, tránh bão theo mùa. Tập quán từ bao đời nay đã vậy, duy chỉ có một điều thay đổi là trong nhận thức của cư dân nơi hòn đảo này. Người dân nơi đây đã không còn lẩn tránh con chữ và biết lo cho con em vươn lên bằng con đường học thức.
Tiếng trẻ mỗi ngày cứ ê a vang đều hòa theo tiếng sóng biển như chính sự hòa quyện của tình quân - dân ngày càng bền chặt trên hòn đảo này.