Bác sĩ trẻ đam mê với y học hạt nhân

Tốt nghiệp tại Đại học y khoa Odessa, Ukraine, Đại úy, bác sĩ Mai Hồng Sơn (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) đã gặt hái được nhiều thành công ở lĩnh vực mới: Chuyên ngành y học hạt nhân.

Chú thích ảnh
Bác sĩ trẻ Mai Hồng Sơn là chuyên gia trong lĩnh vực Y học hạt nhân ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Thành công của bác sĩ Mai Hồng Sơn là minh chứng cho sự nỗ lực của tuổi trẻ trên con đường chinh phục những thử thách mới.
Sau khi tốt nghiệp, anh Mai Hồng Sơn (sinh năm 1984) trở về nước, về làm việc tại Bệnh viện TWQĐ 108 từ năm 2010 và được phân vào làm việc chuyên ngành y học hạt nhân. Lúc đó, chuyên ngành này hoàn toàn mới mẻ đối với nhiều bác sĩ.  

Với mong muốn sẽ tìm thấy thành công ở những thử thách mới, bác sĩ Sơn quyết định theo đuổi chuyên ngành y học hạt nhân. Nhớ lại những ngày đầu mới về đơn vị, bác sĩ Mai Hồng Sơn cho biết: Vì là chuyên ngành mới nên bản thân luôn cảm thấy nhiều áp lực và khó khăn khi tiếp cận. “Trước đây, tôi chỉ có kiến thức cơ bản về chẩn đoán hình ảnh thường quy, trong khi đó y học hạt nhân lại là hình ảnh chức năng, hình ảnh chuyển hóa nên rất bỡ ngỡ”, anh cho biết.  

“Y học hạt nhân là chuyên ngành mới ở Việt Nam và có rất ít người chọn nên tôi cũng chưa rõ con đường đi sẽ thế nào. Ban đầu tôi thấy khó mường tượng và có những lúc thấy nản lòng. Khi đó Khoa Y học hạt nhân đã được trang bị rất nhiều máy móc hiện đại của Hoa Kỳ và châu Âu nên việc tiếp cận kỹ thuật mới là vô cùng khó khăn. Công việc đòi hỏi phải thành thạo tiếng Anh để đọc tài liệu cũng như nghiên cứu nên yêu cầu của lãnh đạo Khoa và Bệnh viện là rất khắt khe đối với bác sĩ trẻ”, bác sĩ Sơn cho biết thêm.

Khi mới bước vào nghề, bác sĩ Sơn đã phải dành rất nhiều thời gian ngoài giờ cũng như ngày nghỉ để tự học thêm tiếng Anh chuyên ngành trong hai năm liền. Thời gian trôi qua, với sự giúp đỡ của PGS.TS Lê Ngọc Hà - Chủ nhiệm Khoa Y học hạt nhân và các đồng nghiệp, sự nỗ lực của bản thân, anh Sơn đã tiến bộ dần và thấy yêu thích chuyên ngành y học hạt nhân này hơn. Từ đó, anh miệt mài, hăng say làm việc và đã bắt đầu ấp ủ thực hiện các kỹ thuật mới và nghiên cứu khoa học.  

Sau khi được thực tập và tập huấn ở nhiều nước phát triển như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore..., bác sĩ Mai Hồng Sơn đã tham gia thực hành các kỹ thuật hàng đầu của y học hạt nhân tại Việt Nam đó là: PET/CT, SPECT/CT ứng dụng trong chẩn đoán các bệnh ung thư, thần kinh, tim mạch và nội tiết. Kỹ thuật PET/CT trong ung thư của Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện TWQĐ 108 nhận được sự quan tâm của nhiều bác sĩ đầu ngành trong nước và quốc tế.  

Đặc biệt, kỹ thuật chụp PET/CT có tiêm thuốc cản quang trong ung thư đầu cổ mà bác sĩ Sơn tham gia đã giành được giải nhất Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành y tế khu vực Hà Nội năm 2013. Sau đó, công trình này còn được công bố trên tạp chí y khoa quốc tế. Đây là kỹ thuật cũng chưa được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam vì nó đòi hỏi trang thiết bị hiện đại với sự tỉ mỉ, cầu kỳ trong khi thực hiện. Ở những bệnh nhân sau phẫu thuật hoặc xạ trị, các mốc giải phẫu đã thay đổi và gây khó khăn cho PET/CT toàn thân thông thường để phát hiện tổn thương. Do đó, chụp PET/CT có tiêm thuốc cản quang trong ung thư đầu cổ kết hợp hình ảnh chuyển hóa và CT có tiêm thuốc cản quang đã nâng cao được giá trị chẩn đoán trong phát hiện tái phát tại chỗ, di căn hạch vùng, phục vụ tốt hơn cho chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư tại Bệnh viện TWQĐ 108.

Bác sĩ Sơn cho biết anh đang thực hiện kỹ thuật lập kế hoạch điều trị ung thư gan nguyên phát bằng hạt vi cầu gắn Y90 với kinh nghiệm trên 100 bệnh nhân. Đây là kỹ thuật mũi nhọn của Bệnh viện TWQĐ 108, là một trong những công trình tiêu biểu trong cụm công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Kỹ thuật này còn rất mới ở Việt Nam và cũng chỉ được triển khai ở một số nước trên thế giới trong những năm gần đây. Chia sẻ thêm về kế hoạch này, bác sĩ Mai Hồng Sơn cho biết: “Lập kế hoạch điều trị trên hình ảnh SPECT/CT đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, sự tỉ mỉ, tìm tòi, kết hợp hình ảnh giải phẫu trên CT và hình ảnh chuyển hóa trên SPECT, cũng như hình ảnh 90Y-PET/CT sau điều trị”.

Kỹ thuật mà bác sĩ Sơn đang triển khai có thể giúp nâng liều điều trị vào tổ chức ác tính cao hơn so với kỹ thuật thông thường, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn cho cơ quan lành. Kỹ thuật này đã được thực hiện cho nhiều bệnh nhân ung thư gan giai đoạn trung gian. Để phát triển chuyên ngành của mình, bác sĩ Mai Hồng Sơn đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết. Làm việc trong giờ chưa đủ, anh còn dành thêm thời gian ngoài giờ để nghiên cứu, hợp tác và đào tạo cùng các đồng nghiệp trong và ngoài nước.

Bác sĩ Mai Hồng Sơn đã có gần 20 bài báo khoa học, trong đó có 1 bài báo được công bố quốc tế năm 2016. Bên cạnh đó, anh còn tham gia 3 đề tài cấp nhà nước, chủ trì 4 đề tài cấp cơ sở và đã được nghiệm thu đạt.

Trong hợp tác quốc tế, bác sĩ Mai Hồng Sơn còn là giảng viên chính của module đào tạo PET/CT trong ung thư thực quản thuộc dự án hợp tác với đại học Seoul (Hàn Quốc). Ngoài ra, anh còn là thành viên tích cực tham gia hợp tác với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong dự án PERTAIN và các dự án hợp tác kỹ thuật của IAEA và Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện TWQĐ 108 thông qua Bộ Khoa học Công nghệ để phát triển y học hạt nhân tại Việt Nam.

Dự án hợp tác kỹ thuật giai đoạn 2020 - 2022 đã được duyệt để phát triển phương pháp y học hạt nhân mới Theranostic trong ung thư tiền liệt tuyến và ung thư gan tại Việt Nam trong những năm tới. Chia sẻ về động lực theo đuổi chuyên ngành mới này, anh Mai Hồng Sơn cho biết: “Mong muốn đưa ngành y học hạt nhân Việt Nam tiếp cận với thế giới, trở thành phương pháp chữa bệnh hữu hiệu cho người Việt, là động lực để mình không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách”.

Với những thành tích đã đạt được Đại úy, bác sĩ Mai Hồng Sơn đã được trao tặng Bằng khen của Bộ Quốc phòng, 5 Giấy khen của Bệnh viện TWQĐ 108 và 3 năm liên tiếp nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đặc biệt, anh đang được đề nghị tặng danh hiệu “Chiến sĩ Thi đua toàn quân” năm 2020. 

V.T/Báo Tin tức
Người đi đầu phát triển cây dược liệu trên cao nguyên đá
Người đi đầu phát triển cây dược liệu trên cao nguyên đá

Xuất phát từ ý tưởng trồng và thu hái bền vững các loại dược liệu sẵn có trong tự nhiên để chế biến thành các sản phẩm phục vụ du khách đến tham quan, du lịch ở cao nguyên đá Đồng Văn, anh Lý Tà Dèn, dân tộc Dao, thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đã làm giàu từ nghề phát triển cây dược liệu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN