Tết Việt đua nhau dùng hàng Việt

Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Dương Quan Hà, vừa ký công văn phát động đợt vận động tháng cao điểm “Tết Việt dùng hàng Việt” trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, kéo dài từ 14/1-14/2/2013, nhằm đẩy mạnh việc quảng bá, tiêu dùng hàng Việt. Trên thực tế, cũng không phải đợi có các đợt phát động như thế này người tiêu dùng (NTD) mới “để mắt” tới hàng Việt. Khảo sát thị trường Tết cho thấy, xu hướng tiêu dùng hàng Việt năm nay nổi lên rõ rệt.

 

Mua hàng Việt thành văn hóa tiêu dùng


Không chỉ ngày càng tin tưởng vào chất lượng, mẫu mã của hàng “Made in Vietnam”, NTD Việt còn ngày càng coi việc mua hàng Việt, dùng hàng Việt là thể hiện lòng yêu nước, hình thành một nét văn hóa tiêu dùng của riêng người Việt.


 

Khách hành chọn sản phẩm hàng Việt tại Siêu thị Coop Bình Tân (TP.HCM).

 

Chị Thu Hiền, một bà nội trợ trung thành với hàng Việt, trú tại thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam cho biết: “Tết này tôi và gia đình chỉ dùng hàng Việt Nam mình, nhất là các loại đồ thực phẩm chế biến sẵn của các thương hiệu uy tín trong nước. Bởi các sản phẩm này đã được chúng tôi dùng thử, thấy đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mà hương vị lại ngon, giá hợp lý …”.


Bên cạnh việc tự nguyện mua sắm hàng Việt của NTD bởi niềm tin với chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội…, ở nhiều địa phương cũng tăng cường vận động đoàn viên, hội viên các cấp thể hiện lòng tự hào dân tộc bằng việc chọn lựa mua sắm hàng Việt trong dịp Tết, từng bước xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Nhiều điểm bán hàng Việt được hình thành, phục vụ và đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho bà con không chỉ ở vùng thành thị mà còn ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…, cũng khiến cho không khí tiêu thụ hàng Việt trở nên sôi động hơn bao giờ hết.


Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, thời gian qua, công tác đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong thời gian qua được các địa phương rất quan tâm. Đến nay, các đợt bán hàng đã thu hút được đông đảo người dân địa phương đến tham quan, mua sắm; bước đầu đã tạo dựng được niềm tin của NTD đối với sản phẩm nội địa, gắn với chương trình bình ổn thị trường. Mặt hàng đưa về nông thôn chủ yếu thuộc bốn nhóm: bánh kẹo - đồ uống, hóa mỹ phẩm, thực phẩm công nghệ, gia dụng và điện gia dụng. Theo thống kê sơ bộ tình hình tổ chức bán hàng Việt về nông thôn vùng sâu, vùng xa năm nay, số lượng các đợt bán hàng Việt về nông thôn cũng tăng lên cả về số lượng và quy mô tùy theo từng địa bàn. Một số doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đã tích cực chủ động mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm tại khu vực nông thôn như: Tân Hiệp Phát, Kinh Đô...

 

Chuẩn bị đủ lượng hàng Việt cho Tết


Mặc dù dự báo sức mua hàng hóa Tết năm nay không tăng đột biến (dự báo tăng 15-20% so với bình thường) nhưng các ngành chức năng cũng đã chỉ đạo sát sao các DN, các đơn vị cung ứng và sản xuất trong nước chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng chất lượng tốt để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết, nhất là các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng.


Đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đang triển khai mạnh kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết, đặc biệt có nhiều địa phương triển khai chương trình dự trữ hàng bình ổn thị trường trong dịp Tết (đến ngày 26/11/2012 đã có 21 địa phương thực hiện hoặc có kế hoạch thực hiện chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, giá cả trong dịp Tết với tổng số tiền ước tính khoảng 1.176,8 tỷ đồng). Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các DN thực phẩm, đồ uống như Vissan, Tân Hiệp Phát… đã chủ động tăng lượng hàng dự trữ lên 10 – 15% so với dịp Tết năm ngoái và cam kết giữ bình ổn giá các mặt hàng, đặc biệt là hàng tiêu dùng thiết yếu cho dân. Các doanh nghiệp còn dự trữ thêm các nhóm hàng tiêu dùng khác như rượu, bia, nước giải khát, các loại nông sản như măng miến, mộc nhĩ, nước mắm, mì chính... để có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết.


Theo đánh giá chung của các ngành chức năng, ngoài lượng hàng dự trữ được vay vốn ưu đãi nhằm góp phần bình ổn thị trường, lượng hàng Việt được các doanh nghiệp chuẩn bị trong dịp Tết lớn hơn nhiều so với số vốn được vay ưu đãi, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Dự báo thị trường các mặt hàng thiết yếu sản xuất trong nước dịp Tết này sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến..., đảm bảo một cái Tết Nguyên đán của người Việt đậm đà không chỉ bản sắc văn hóa Việt mà còn đậm đà bản sắc hàng hóa Việt!


PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN