Hiện phần lớn nguồn cung nông sản, thực phẩm của TP.HCM được cung cấp từ các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, việc liên kết giữa TP.HCM với các tỉnh, thành ĐBSCL trong thời gian qua chưa thật sự bền vững. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, TP.HCM cần tăng cường hợp tác trong bảo vệ nguồn nguyên liệu, phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao và hướng vùng nguyên liệu đến sản xuất an toàn...
Hướng đến bình ổn lâu dài
Từ năm 2002 đến nay, chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM đã trở thành một trong những công cụ điều tiết thị trường hữu hiệu, góp phần kiềm chế lạm phát. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, việc thực hiện chương trình này đã góp phần làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố luôn thấp hơn mức trung bình cả nước. Chương trình đã góp phần gắn kết giữa đầu tư, sản xuất, phân phối, tiêu thụ hàng hóa để bảo đảm giá cả ổn định cho người sản xuất, chủ yếu là bà con nông dân. Chương trình còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) chủ động phối hợp, liên kết với các DN tỉnh, thành phố khác để có thêm nhiều nguồn hàng thực hiện mục tiêu bình ổn…
Cửa hàng tiện ích của công ty TNHH Lương thực thành phố Hồ Chí Minh tại quận Bình Chánh bán hàng theo giá bình ổn thị trường. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, thời gian qua thành phố đã ký kết hợp tác với 13 tỉnh ĐBSCL và nhiều tỉnh, thành khác nhằm tạo nguồn hàng ổn định, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chương trình bình ổn giá. Hiện nay, các DN lớn như Vinatex, Saigon Coop, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Vissan… đã phát triển hệ thống phân phối tại các tỉnh ĐBSCL để thu mua, tiêu thụ hàng hóa và tham gia ổn định thị trường tại các tỉnh này. Tuy nhiên, các DN tại các tỉnh ĐBSCL vẫn chưa có ý thức xây dựng thương hiệu hàng hóa, đây là rào cản rất lớn trong quá trình phát triển chuỗi cung ứng.
Việc bình ổn thị trường không thể thực hiện trong “một sớm một chiều” mà phải làm có tính chất căn cơ lâu dài. Do đó, cần phải gắn với việc chủ động nguồn hàng và quy hoạch nguồn nguyên liệu ổn định. Chính vì vậy, những DN tham gia phải có tiêu chí rõ ràng về: tự sản xuất, liên kết sản xuất, có năng lực tài chính ổn định để đảm bảo có nguồn hàng chi phối thị trường, sản phẩm DN làm ra đạt chất lượng cao, VSATTP. Sắp tới, Sở Công Thương TP.HCM sẽ làm việc cụ thể với từng tỉnh thuộc ĐBSCL để tăng cường liên kết. Các tỉnh ĐBSCL cần xác định thế mạnh của mình là ngành hàng nào và DN nào có khả năng đảm bảo cung ứng hàng hóa theo các tiêu chí trên... Để phục vụ cho bình ổn thị trường căn cơ, tạo dựng vùng nguyên liệu, từng tỉnh phải hướng người dân sản xuất sản phẩm sạch để không chỉ cung ứng cho TP.HCM mà cả thị trường các tỉnh lân cận và cả nước, góp phần ổn định thị trường.
Liên kết phát triển vùng nguyên liệu
Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xã hội, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, nguồn cung nông sản và sức lao động của ĐBSCL cho TP.HCM đã ảnh hưởng trực tiếp đến chương trình bình ổn giá của thành phố. Ngược lại, TP.HCM với vai trò “đầu tàu kinh tế”, thị trường rộng lớn và sôi động nhất của cả nước nên trạng thái “nóng - lạnh” của thị trường TP.HCM cũng tác động trực tiếp đến vùng ĐBSCL và thị trường cả nước. Vì vậy, thực hiện bình ổn giá thị trường TP.HCM và ĐBSCL không thể tách rời mối quan hệ hợp tác, gắn bó giữa hai vùng này.
Tuy nhiên, ông Trần Hữu Hiệp cho rằng, sự phối hợp giữa các tỉnh, thành vùng ĐBSCL với TP.HCM thời gian qua chưa tạo thế liên kết phát triển bền vững, còn nặng tính hình thức, chủ yếu liên kết chính quyền, chưa phát huy đúng mức các liên kết thị trường, liên kết DN.
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan - đơn vị có nhiều kinh nghiệm tham gia chương trình bình ổn thị trường, khó khăn hiện nay là phải xây dựng mối gắn kết chặt chẽ giữa đầu vào là sản xuất của bà con nông dân, chế biến của nhà máy và đầu ra là hệ thống phân phối. Muốn bình ổn thị trường trước hết liên kết xây dựng vùng nguyên liệu để tạo ra sản phẩm dồi dào và đạt yêu cầu, nếu không có tạo nguồn sẽ tạo biến động cung cầu dẫn đến mất ổn định về giá. TP.HCM tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn/ngày, riêng ĐBSCL cung cấp 5.000 con nhưng đa số người sản xuất ở ĐBSCL chăn nuôi cá thể, nhỏ lẻ, chưa có những trang trại nuôi công nghiệp, đó là một thách thức về truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Do đó, cần liên kết ngay trong việc phát triển vùng nguyên liệu.
Cũng theo ông Văn Đức Mười, TP.HCM là trung tâm tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp lớn nhất của cả nước, vì vậy, TP.HCM cần phát triển ngành nông nghiệp kỹ thuật cao, trở thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp hiện đại, tiếp thu công nghệ, máy móc thiết bị mới - hiện đại để trao đổi và chuyển giao cho các vùng chăn nuôi và trồng trọt, sau đó thu mua sản phẩm từ các vùng sản xuất nông nghiệp để tiêu thụ trong thành phố và xuất khẩu…
Theo ông Nguyễn Văn Trực, Tổng Giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, chương trình bình ổn thị trường đã góp phần cung ứng cho thị trường nhiều loại hàng hóa thiết yếu với 5-10% so với thị trường. Nhưng về lâu dài, cần phải xem xét để việc liên kết phải đảm bảo quyền lợi. Người nông dân muốn sản xuất bắt buộc phải có nguyên liệu và con giống, nhưng nguyên liệu và con giống hiện nay chúng ta chưa chủ động được. Do đó, để sản xuất ổn định thì nguồn nguyên liệu phải ổn định và phải có giá thành thấp nhất để tăng hiệu quả cho sản xuất...
Việt Âu