Thí điểm tiêu thụ nông sản:

Nông dân được nhiều lợi ích

Việc thí điểm mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp góp phần đảm bảo khâu tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn.

 

Đồng thời giúp doanh nghiệp có nguồn hàng nông sản ổn định, chất lượng cao, phục vụ sản xuất, kinh doanh. Vì vậy tại Hội nghị tổng kết xây dựng mô thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp do Bộ Công Thương tổ chức ngày 11/12 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng cần nhân rộng mô hình này.

 

Liên kết để tăng lợi ích


Bắc Giang là 1 trong 12 tỉnh tham gia xây dựng mô hình thí điểm về tiêu thụ nông sản. Tỉnh đã lựa chọn hai loại nông sản là dưa chuột và cà chua bi để thí điểm và áp dụng triển khai với 24 ha dưa chuột bao tử, 11 ha dưa chuột thường và 7 ha cà chua bi. 430 hộ nông dân tham gia mô hình đã thu hoạch dưa chuột bao tử đạt doanh thu tăng 38%, lợi nhuận tăng gấp đôi; với cà chua bi, doanh thu tăng 34% và lợi nhuận thuần tăng gấp 2 lần (so với các hộ không tham gia mô hình).


 

Sản phẩm dưa chuột muối xuất khẩu của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu VIFOCO tại tỉnh Bắc Giang. Ảnh: trần việt - TTXVN

Hộ kinh doanh Vũ Ngọc Quế (Kiến Xương, Thái Bình) đã hoạt động trong ngành cung ứng vật tư nông nghiệp hơn 15 năm chia sẻ: “Ban đầu vì vốn hạn chế, tôi chỉ vay ngân hàng được 800 triệu đồng để kinh doanh ở quy mô nhỏ. Nhờ mô hình tiêu thụ nông sản mà công ty đã mở rộng tiêu thụ hàng ngàn tấn thóc, cung ứng 600 - 700 tấn phân bón các loại và 500 - 600 tấn thức ăn chăn nuôi. Từ chỗ chỉ cung ứng hàng hóa cho nhân dân trong xã, tôi cũng đã mua được xe cơ giới nhỏ để vận chuyển hàng hóa đến các địa bàn xa hơn”.


Việc “bắt tay” giữa bốn nhà: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và nông dân đã đem lại lợi ích lớn cho từng chủ thể tham gia mô hình. Doanh nghiệp trực tiếp mua sản phẩm của nông dân và hợp tác xã sẽ ổn định nguồn hàng, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Nông dân được doanh nghiệp đặt hàng sẽ chủ động tính toán được lỗ lãi để điều chỉnh trong quá trình sản xuất. Hợp tác xã, hộ kinh doanh với vai trò làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp, sẽ giúp chính quyền địa phương quản lý hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.


Ông Nguyễn Minh Văn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nam Định khẳng định, mô hình thí điểm được nhân rộng sẽ góp phần xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, đảm bảo năng suất, kiểm soát được chất lượng hàng hóa, nâng cao thu nhập của nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.


“Đặc biệt người nông dân sẽ là người được hưởng nhiều lợi ích thiết thực nhất”, ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nói. Các hộ nông dân được cung ứng vật tư nông nghiệp, con giống, giống cây trồng, thuốc trừ sâu từ các doanh nghiệp có uy tín; được tập huấn hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng vật nuôi theo quy định nên hiệu quả sản xuất tăng cao. Quan trọng hơn, nông dân được tiếp cận với cách kinh doanh mới, đó là kinh doanh qua thương mại điện tử thông qua các trang website của HTX cũng như của doanh nghiệp mà mình tham gia, từ đó sẽ nắm bắt tốt hơn thông tin thị trường, biết cách đàm phán giá với doanh nghiệp giá hợp lý hơn.


“Đặc biệt, người dân không còn phải lo đầu ra cho sản phẩm như trước vì được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá tương đối cao”, ông Cường nhấn mạnh.

 

Còn nhiều vướng mắc


Theo ông Phan Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ do khó khăn về vốn, thường chưa mạnh dạn đầu tư vào vùng nguyên liệu để phục vụ sản xuất kinh doanh ổn định, lâu dài. Vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế đặc thù cho các doanh nghiệp địa phương như hỗ trợ lãi suất vay vốn, ưu đãi cho doanh nghiệp khi đầu tư cho xây dựng nông nghiệp, nông thôn.


Còn theo ông Trần Hải Bình, Chủ tịch UBND xã Phú Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, mô hình liên kết này còn thiếu sự tham gia của các nhà khoa học, bởi nếu ứng dụng khoa học thì giá trị hàng hóa sẽ tăng lên. Đồng thời, Nhà nước nên lập trung tâm tư vấn cung ứng tiêu dùng sản phẩm cho nông dân vì hiện tại hoạt động khuyến nông chưa đáp ứng được yêu cầu này.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa kiến nghị cần có sự hợp tác của nhiều ban, ngành để tiếp tục nhân rộng mô hình thí điểm này. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần duy trì chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân tạm trữ nông sản theo mùa vụ; ưu tiên lãi suất, mức tín dụng cho HTX nông nghiệp, thương mại vừa và nhỏ đầu tư máy móc, thiết bị. Đồng thời cần tăng cường tập huấn, đào tạo kiến thức cho nông dân về pháp luật, kỹ thuật canh tác chăn nuôi và kiến thức thương mại. Các địa phương cần quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên địa bàn tỉnh, làm tốt công tác dồn điền đổi thửa tạo thành vùng nguyên liệu lớn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sản xuất và thu hoạch.

 

Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN