Ngày 6/11, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 10 thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2010; đồng thời thảo luận những giải pháp phát triển kinh tế -xã hội 2 tháng cuối năm mà trọng tâm là kiểm soát giá.Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. Ảnh: Đức Tám - TTXVN |
Phiên họp lần này cũng thảo luận một số vấn đề khác như các biện pháp khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân bị ảnh hưởng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung, công tác thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính...
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, mặc dù phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả của khủng hoảng kinh tế thế giới cộng với thiên tai mưa lũ liên tiếp xảy ra, nhưng sản xuất kinh doanh của các ngành trong 10 tháng qua tiếp tục phát triển theo hướng tích cực. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 10 ước đạt trên 72.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước, đưa tổng giá trị sản xuất công nghiệp 10 tháng lên trên 645.000 tỷ đồng, tăng 13,7%. Tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, trong đó kim ngạch xuất khẩu tháng 10 đạt 6,25 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch 10 tháng là 57,8 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 1,05% so với tháng trước, là mức cao so với cùng kỳ năm ngoái...
Trong tháng 10 đã giải quyết việc làm cho trên 140.000 người, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt là trong tháng đã xảy ra lũ lụt lớn tại các tỉnh miền Trung ước thiệt hại về vật chất hơn 11.640 tỷ đồng nhưng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, bên cạnh công tác chỉ đạo, Chính phủ đã cấp 730 tỷ đồng và 14.000 tấn gạo giúp các địa phương đối phó với mưa lũ.
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, với những diễn biến phức tạp, tác động đan xen của kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những khó khăn thách thức như nguy cơ lạm phát tăng trở lại, giá vàng tăng mạnh, tỷ giá hối đoái thay đổi... Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí với các báo cáo và thảo luận của các thành viên Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2010, trong đó hầu hết các chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra như các ngành dịch vụ tăng cao, thu ngân sách vượt đảm bảo chi và dành một phần để giảm bội chi, tăng xuất khẩu, giảm nhập siêu... Lĩnh vực văn hóa xã hội đạt được nhiều tiến bộ, chỉ số cạnh tranh vượt lên 10 bậc, vị thế nước ta ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế; trong đó nổi bật là việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 vừa qua được cộng đồng quốc tế đánh giá cao; an ninh quốc phòng được đảm bảo...
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn mà nổi lên là giá cả tăng cao và tình trạng thiếu điện. Do vậy, "Chính phủ và các bộ, ngành cần bám sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước để có các giải pháp phù hợp kiểm soát lạm phát, giá cả chặt chẽ và đảm bảo đủ điện cho trước mắt cũng như lâu dài", Thủ tướng nêu rõ.
Chưa tăng giá xăng dầu, điện, than Chỉ đạo về kiểm soát giá cả, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát không để xảy ra tình trạng sốt giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; trong đó chú ý quản lý chặt chẽ giá các loại thuốc chữa bệnh và giá sữa.
Kiểm soát giá cả là nhiệm vụ hàng đầu trong thời gian cuối năm. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN |
Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, nhất là trong việc điều hành tỷ giá, hoạt động của thị trường vàng, ngoại tệ để phù hợp với mục tiêu phát triển và yêu cầu kiềm chế lạm phát. Trước mắt, không tăng giá xăng dầu, điện, than...
Thủ tướng cũng giao cho các bộ, ngành chức năng rà soát lại tình hình thiệt hại do lũ lụt tại các tỉnh miền Trung để cùng với các địa phương khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân; đồng thời xây dựng kế hoạch dài hạn về phòng chống thiên tai với phương châm “Chủ động phòng, tránh, thích nghi để phát triển”. Khắc phục khó khăn về thiếu điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng các giải pháp đảm bảo cân đối đủ nguồn điện; trong đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án điện, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các nhà máy điện, mua điện của nước ngoài, điều tiết điện hợp lý, đặc biệt tiết kiệm điện trong sản xuất, trong tiêu dùng...
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, nhất là tại 62 huyện nghèo và khẩn trương triển khai kế hoạch năm 2011; trong đó tập trung các nguồn vốn, nhất là vốn đối ứng để triển khai các công trình trọng điểm như cảng Lạch Huyện, cầu Cao Lãnh, đường cao tốc đoạn Ninh Bình - Bãi Vọt... Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành rà soát theo nhiệm vụ, chức năng để làm tốt công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và an toàn giao thông... Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục tuyên truyền tạo đồng thuận xã hội nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra.
Thiện Thuật