Sau 6 phiên đấu thầu vàng, mặc dù một lượng cung lớn đã được tung ra thị trường nhưng giá vàng trong nước vẫn còn cao hơn so với giá vàng thế giới khoảng 3,8 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, theo khẳng định của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng sẽ giảm dần theo nhu cầu thị trường.
Bỏ phiếu đấu thầu tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước ngày 4/4/2013. |
Phiên đấu thầu vàng cuối cùng trong tuần đã kết thúc với số lượng vàng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán ra đạt 40 nghìn lượng. Tính cả ba phiên đấu thầu trong tuần qua, NHNN đã cung cấp ra thị trường 104.800 lượng vàng. Sau 6 phiên đấu thầu vàng miếng, đã có tổng cộng 158.200 lượng vàng được NHNN bán ra trên tổng số 196.000 lượng đưa ra đấu thầu nhằm bình ổn thị trường. Có thể khẳng định, với việc “đắt hàng” trong các phiên đấu thầu vàng vừa qua, NHNN đã thành công trong việc tăng cung vàng ra thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Doãn Tiến Yên, phụ trách kinh doanh vàng của Công ty Bảo Tín Minh Châu, giao dịch vàng hiện nay thị trường vàng vẫn bình thường nếu như không muốn nói là trầm lắng, lượng vàng mua vào - bán ra cân bằng. Đặc biệt, từ đầu tháng 4 đến nay, giá vàng thế giới liên tục giảm nên người mua vàng rất cẩn trọng khi đưa quyết định. Một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh vàng cho rằng, giá vàng trong nước hiện nay có sự “co giãn” rất mạnh giữa chiều mua và bán, đặc biệt là vào ngày diễn ra đấu thầu vàng, nhằm giảm thiểu rủi ro trước khi NHNN công bố mức giá sàn trong phiên đấu thầu. Sáng 12/4, giá vàng SJC tại Hà Nội mua vào 42,88 triệu đồng/lượng, bán ra 43,01 triệu đồng/lượng. Như vậy, chiều bán ra giảm 10 nghìn đồng/lượng so với cuối ngày 11/4, trong khi chiều mua giảm tới gần 70 nghìn đồng. Trong tuần qua (tính đến cuối ngày 12/4) giá vàng trong nước đã giảm 490.000 đồng/lượng, từ mức 43,45 triệu đồng/lượng vào ngày mở cửa đầu tuần (8/4). Ông Doãn Tiến Yên cho rằng, giá vàng trong nước chủ yếu giảm theo giá vàng thế giới, chứ không phải tác động từ việc tăng cung ra thị trường từ đấu thầu vàng của NHNN.
Tuy nhiên, theo một số ý kiến chuyên gia, việc giá vàng trong nước giảm chậm và vẫn còn khoảng cách khá xa với giá vàng quốc tế là bởi lượng vàng trúng thầu chủ yếu nằm trong các NHTM. Phải chăng có sự ưu tiên cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc đấu thầu vàng? Ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, nếu DN trúng thầu thì nguồn cung vàng ra thị trường sẽ nhanh hơn. Cũng không loại trừ hiện nay một số NHTM mua vàng chủ yếu để tất toán số dư vàng huy động trước ngày 30/6.
Theo một lãnh đạo cấp vụ của NHNN, khi tăng cung vàng miếng ra thị trường, NHNN đã phân tích đánh giá về nhu cầu vàng miếng, trong đó có nhu cầu của các TCTD phải mua vàng để tất toán số dư vàng huy động đúng hạn.Thông qua việc tổ chức đấu thầu, NHNN đã tạo ra môi trường bình đẳng, công khai, không có sự phân biệt giữa TCTD hay doanh nghiệp tham gia đấu thầu. Đối với TCTD còn số dư vàng huy động phải tất toán thì họ sẽ ưu tiên mua vàng để tất toán số dư đó. “Giá vàng thường có diễn biến rất phức tạp, khó lường và giá của kim loại này tăng hay giảm tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố tâm lý và diễn biến giá vàng quốc tế. Đặc biệt, nếu giá vàng biến động lên xuống trong thời gian ngắn, chỉ trong vài giờ, vài ngày thì chủ yếu do tác động từ hai yếu tố này”, vị lãnh đạo trên bình luận.
Trao đổi với báo giới mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, đúng là tăng cung thì giá vàng sẽ giảm nhưng cần phải có lộ trình để thị trường cũng như các thành viên tham gia chấp nhận. Ví như, nếu ngày hôm nay ngân hàng mua vàng với mức giá trúng thầu về bán lẻ cho thị trường, nhưng không thấy có lãi và đến phiên đấu thầu sau nếu họ muốn tham gia và kiếm lời thì phải đấu giá thấp hơn. Cứ như vậy, dần dần giá sẽ giảm dần theo nhu cầu thị trường.
Về lượng cung mà NHNN có thể tung ra thị trường, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: Thị trường cần mua bao nhiêu, NHNN sẽ bán ra bấy nhiêu nhưng phải bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước, lợi ích quốc gia vì vàng miếng NHNN bán là tài sản của Nhà nước.
Đức Kiên