Giá thực phẩm biến động không nhiều

Theo khảo sát của phóng viên báo Tin tức ngày 17/2 (mùng 8 Tết), giá thực phẩm tươi sống và các loại rau xanh tại một số chợ nhích lên so với trước Tết nhưng mức tăng không quá mạnh.


Trong khi đó, tại hệ thống các siêu thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (TP Hồ Chí Minh), hàng hóa đã khá phong phú và giá cả khá ổn định.

 

Giá thịt tăng nhẹ


Khảo sát của phóng viên Tin tức tại một số chợ cho thấy: Cầu Giấy, Thành Công, Nghĩa Tân (Hà Nội)… giá thịt bò dao động từ 270.000 - 290.000 đồng/kg, tương đương thời điểm trước Tết; gà ta có giá từ 150.000 - 160.000 đồng/kg, so với thời điểm cận Tết thì đã hạ nhiều; thịt lợn thăn và nạc vai có giá 130.000 đồng/kg, tăng không đáng kể so với trước Tết.


Sau Tết, giá thực phẩm ở Hà Nội chỉ biến động nhẹ (ảnh chụp lúc 16 giờ, ngày 17/2/2013).

 

Lý giải về việc tăng giá mặt hàng thịt lợn, một tiểu thương tại chợ Cầu Giấy cho hay, thời điểm trong và trước mùng 9 Tết, các lò mổ đều ngừng hoạt động nên các tiểu thương phải tìm mua lợn trực tiếp từ người dân, giá mua vào cao hơn từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/con lợn.


Tương tự, tại một số chợ ở TP Hồ Chí Minh như: Thị Nghè, Tân Định (quận 1), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Phước Long B (quận 9)... giá các loại thịt tăng nhẹ so với trước Tết. Riêng mặt hàng hải sản biến động mạnh. Cụ thể: Giá cá thu trước Tết là 180.000 đồng/kg nay là 250.000- 280.000 đồng/kg; cá bạc má ở mức trên 60.000 đồng/kg, cá hồng 80.000 đồng/kg, tôm sú 200.000 đồng/kg... Theo một số tiểu thương, ra Tết, mặt hàng hải sản tươi sống ít hàng hơn và giá tăng cao so với thời điểm trước Tết do ngư dân nghỉ Tết, không đi đánh bắt.


Giá trái cây tăng do ít hàng Tại một số chợ cóc ở Hà Nội như: Nguyễn Sơn (Gia Lâm), Phan Huy Chú (Hà Nội), giá một số loại trái cây như cam canh, na, dưa hấu... đã tăng hơn so với trước Tết. Giá cam canh hiện là 85.000 đồng/kg; trước Tết là 90.000 đồng/kg; dưa hấu là 25.000 đồng/kg, trước Tết là 20.000 đồng/kg; giá xoài Thái đắt hơn 10.000 đồng/kg, hiện là 85.000 đồng/kg. Theo một số người bán hàng hoa quả tại chợ thuộc quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), giá trái cây tăng do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu tăng cao phục vụ cho việc tiêu dùng và cúng lễ đầu năm.

Tại TP Hồ Chí Minh, mặt hàng thịt gia súc tại các chợ chỉ cao hơn mức ngày thường từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, riêng giá thịt bò biến động mạnh, nếu như trước Tết thịt thăn bò là 240.000 đồng/kg thì nay tăng lên 300.000 đồng/kg, bắp bò từ 210.000 đồng/kg nay ở mức 260.000 - 270.000 đồng/kg.


Nếu như ở TP Hồ Chí Minh, giá các loại rau củ có mức tăng từ 20 - 30% so với trước Tết thì ở Hà Nội, giá không tăng nhiều so vơí trước Tết. Theo một chủ cửa hàng rau ở chợ Cầu Giấy (Hà Nội), giá rau sau Tết năm nay giữ giá, không tăng cao như mọi năm, dự báo vài ngày tới nếu thời tiết ấm áp hơn, rau phát triển tốt thì giá rau sẽ tiếp tục giảm.


Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết: Lượng hàng hóa về chợ đã bình thường. “Trước đó vào mùng 1 - 2 Tết, lượng hàng về chợ khoảng 500 - 700 tấn/đêm, tăng dần đến nay lên 2.000 tấn/đêm. Có thể nói lượng hàng về chợ đã dần đi vào ổn định. Bởi thông thường lượng hàng về chợ dao động từ 2.000 - 3.000 tấn/đêm, cao điểm có khi lên đến 3.500 tấn/đêm. Giá cả tại chợ đầu mối không tăng nhiều sau Tết, một số mặt hàng có thể nhích lên vài ngàn nhưng có loại lại giảm vài ngàn. Vì vậy, giá cả tính trung bình không tăng nhiều. Tuy nhiên, khi về các chợ lẻ giá cả có tăng, do tâm lý tăng theo dịp lễ Tết của một số tiểu thương, bà Hà nói.

 

Tại siêu thị, giá cả ổn định


Nhiều siêu thị tại TP Hồ Chí Minh đã mở cửa trở lại từ mùng 2 Tết và bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong chương trình bình ổn thị trường nên giá cả không biến động nhiều so với trước Tết.


Không xảy ra hiện tượng “sốt” giá kéo dài Theo Bộ Tài chính, trong những ngày Tết Nguyên đán, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, chỉ tăng nhẹ vào những ngày 28, 29 và mùng 3, 4 Tết. Tuy nhiên, việc tăng giá là theo quy luật thị trường Tết, và điều đáng mừng là đã không xảy ra hiện tượng thiếu hàng gây “sốt” giá. Tuy sức mua ngày Tết Quý Tỵ có tăng hơn nhưng chỉ tương đương, thậm chí thấp hơn so với sức mua của Tết Nhâm Thìn và chỉ tập trung trong thời gian 4 - 5 ngày trước Tết. Sau Tết hàng hóa cung ứng ra thị trường vẫn lớn, có xảy ra hiện tượng tăng giá nhanh nhưng cũng chỉ tồn tại trong thời gian 1 - 2 ngày mới mở hàng, ngay sau đó lượng hàng tăng nhanh đã kéo giá giảm mạnh.

Theo ghi nhận của phóng viên tại TP Hồ Chí Minh, giá mặt hàng rau củ và thịt gia súc tại các hệ thống siêu thị có phần “mềm” hơn. Điển hình như dưa leo, đậu ve chỉ 12.000 đồng/kg; rau muống, rau cải 7.500 đồng/kg… Hay ở mặt hàng thịt lợn, do thực hiện chương trình bình ổn nên giá thị lợn đùi ở mức 77.000 đồng/kg, ba rọi 86.000 đồng/kg.


Theo báo cáo của Bộ Tài chính: Tại các siêu thị, mức giá các mặt hàng thực phẩm giữ ổn định và đồng đều hơn. Sang mùng 5, mùng 6 Tết (ngày 14 và 15/2), hầu hết các siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội đều mở cửa trở lại. Các quầy hàng thực phẩm tươi sống bày bán nhiều mặt hàng. Giá các mặt hàng đồ khô, đồ uống ổn định như thời điểm trước Tết. Tại các siêu thị Hapromart của Tổng công ty Thương mại Hà Nội, các mặt hàng rau sạch vẫn giữ đúng giá, đủ các chủng loại rau phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Sau Tết, hệ thống siêu thị BigC triển khai 2 chương trình khuyến mãi, giảm giá bán từ 5 đến 50% hơn 700 mặt hàng.


Nhóm phóng viên kinh tế

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN