Phiên giao dịch ngày 9/11 tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 12 tiếp tục đạt nhiều mức cao mới trong 2 năm trở lại đây. Giá dầu liên tục tăng trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa quyết định bơm 600 tỷ USD vào nền kinh tế, trong khi Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu về dầu tăng bền vững tới năm 2035.
Lúc 20 giờ 03 (giờ Việt Nam) tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 12 tăng nhẹ 24 xu, lên 87,3 USD/thùng; giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn cũng tăng 24 xu, lên 88,3 USD/thùng. Đây là phiên thứ 7 liên tiếp chứng kiến dầu thô tăng giá. Trước đó, đã có lúc giá dầu thô chạm mức 87,63 USD/thùng - mức cao nhất kể từ cuối năm 2008.
Giá dầu tăng trong mấy ngày gần đây là do đồng USD yếu ớt, đặc biệt là sau quyết định bơm thêm tiền của FED. Trong khi đó, theo dự báo của IEA, giá dầu thô sẽ vượt mức 100 USD/thùng vào năm 2015 và vượt mức 200 USD/thùng vào năm 2035. Hơn 1/3 mức cầu sẽ đến từ Trung Quốc - một nước đang sử dụng nhiều năng lượng nhất thế giới. Ông Fatih Birol, một nhà kinh tế thuộc IEA, phát biểu trong một cuộc họp báo trình bày về triển vọng giá dầu: "Chúng tôi cho rằng thời kỳ giá dầu rẻ đã qua. Cả về phía cung và phía cầu, giá dầu cần phải cao hơn trong tương lai để cân bằng thị trường".
Trong phiên 9/11, giá dầu tăng còn nhờ Mỹ công bố số liệu tích cực về lĩnh vực việc làm khiến giới đầu tư cho rằng nhu cầu dầu thô sẽ tăng. Các nhà phân tích cho rằng giá dầu thô có thể leo lên mức cao 90 USD/thùng vào cuối năm nay. Tuy nhiên, mức tăng của giá dầu có thể sẽ bị hạn chế khi đồng USD mạnh lên so với euro và khi dự trữ dầu ở Mỹ tăng. Hiện tại, dự trữ dầu thô ở Mỹ đã tăng trong 3 tuần liên tiếp, cao hơn mức trung bình trong 5 năm là 14%.
Thùy Dương (tổng hợp)