Vướng mắc trong xử lý dịch tả lợn châu Phi tại Hải Phòng

Hai vấn đề nổi cộm nhất trong xử lý dịch tả lợn châu Phi tại Hải Phòng là thiếu đất chôn lợn dịch và khó khăn khi tiêu thụ thịt lợn an toàn.

Chú thích ảnh
Sử dụng vôi bột tại ổ dịch, vùng dịch ngay sau khi di chuyển lợn bị bệnh đi tiêu hủy tại huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Theo ông Phạm Văn Lập, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng, sau hơn 2 tháng dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, đến thời điểm này có 136 xã/192 xã phường thuộc 11/15 quận, huyện của Hải Phòng có lợn nhiễm bệnh. Các địa phương có tổng đàn lợn nhiễm dịch lớn nhất là Thủy Nguyên với 41,5% trên tổng đàn, Tiên Lãng với 32,5% trên tổng đàn.

Do dịch lan rộng nên nhiều xã thiếu quỹ đất để chôn lợn bệnh. Toàn thành phố đã tiêu hủy 74.000 con. Từ đầu tháng 4, mỗi ngày trung bình thành phố tiêu hủy 150 tấn thịt lợn, số tiền thiệt hại tương đương với khoảng 7,7 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Suốt, Chủ tịch UBND xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng cho biết, khi dịch mới bùng phát, xã phối hợp với các hộ đưa lợn ra khu vực nghĩa trang để chôn lấp để hạn chế lây lan dịch. Tuy nhiên, đến khi 14 thôn trong xã có dịch thì việc thu gom, chôn lấp càng khó khăn. UBND xã phải phối hợp các hộ đưa lợn bệnh chôn hoặc thuê đội chuyên thu gom lợn bệnh để chôn tại khu vực bãi rác của xã. Kinh phí do xã và các hộ gia đình tự ứng trước.

Việc xử lý dịch tả lợn châu Phi tại Hải Phòng còn gặp một khó khăn khác đó là tâm lý e dè của người dân khi sử dụng loại thức ăn thông dụng này. Trước khi có dịch, Hải Phòng có trên 344.400 con lợn. Ngoài số lớn đã bị tiêu hủy, hiện có 123.000 con lợn đến giai đoạn tiêu thụ nhưng đầu ra đang rất khó khăn. Đại diện một số hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn Hải Phòng cho biết, khách hàng mua thịt lợn khi tin tưởng người bán, song tâm lý vẫn e dè. Các hộ kinh doanh cũng như người dân mong muốn, thành phố xây dựng được các điểm bán chứng minh được nguồn gốc thịt lợn an toàn sẽ đẩy khả năng tiêu thụ tăng lên.

Tại phiên họp thường kỳ của UBND  thành phố Hải Phòng vừa diễn ra, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam yêu cầu ngành nông nghiệp và các ngành liên quan cần chủ động tuyên truyền để người dân thay đổi tâm lý, tiếp tục sử dụng thịt lợn vì dịch tả lợn châu Phi không lây sang người. Ngành nông nghiệp cần lưu ý hỗ trợ nhân dân xây dựng các điểm bán thịt lợn an toàn.

Ông Lê Khắc Nam nhấn mạnh, ngành nông nghiệp cần khẩn trương đề xuất phương án quy hoạch quỹ đất để xử lý dịch tả lợn châu Phi, kiểm soát chặt chẽ quá trình tiêu hủy, chôn lấp, bởi nếu kiểm soát không tốt, đất và nước từ các điểm chôn lấp lan tràn môi trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sức khỏe của nhân dân.

Ngoài ra, các ngành liên quan cần chặt chẽ, sát sao trong việc kiểm đến lợn bệnh, tránh tình trạng gian lận, gây thất thoát ngân sách hỗ trợ và ảnh hưởng đến sự tin tưởng của nhân dân.

Minh Thu (TTXVN)
Thanh Hóa: 9 xã, phường công bố hết dịch tả lợn châu Phi
Thanh Hóa: 9 xã, phường công bố hết dịch tả lợn châu Phi

Ngày 18/4, ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 9 xã, phường thuộc các huyện Thiệu Hóa, Yên Định và thành phố Thanh Hóa công bố hết dịch tả lợn châu Phi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN