Trong năm 2022, Việt Nam và Ấn Độ đã kỷ niệm cột mốc quan trọng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Từ cột mốc này, lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra tầm nhìn để tiếp tục đưa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ lên một tầm cao mới trong thời gian tiếp theo. Cả hai nước đều nhìn nhận hợp tác về kinh tế - thương mại là một trụ cột quan trọng và còn rất nhiều dư địa phát triển.
Hội nghị lần này nhằm thực hiện có hiệu quả Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam - Ấn Độ về hòa bình, thịnh vượng đã được Thủ tướng hai nước thông qua vào ngày 21/2/2020 và đẩy mạnh xúc tiến hợp tác với Ấn Độ năm 2023. Ngoài ra, hội nghị cũng là dịp để các đại biểu hai bên trao đổi về các nội dung liên quan đến thế mạnh, cơ hội hợp tác ở 6 lĩnh vực: đầu tư, thương mại, y tế, giáo dục, du lịch và công nghệ thông tin. Qua đây, củng cố mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ.
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định tỉnh cam kết luôn đồng hành, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung, vì sự phát triển của doanh nghiệp, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực Nam Trung Bộ, cũng như quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Ấn Độ.
“Tôi hy vọng hội nghị này sẽ tạo khí thế mới mở đầu năm 2023, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Khánh Hòa, cũng như các tỉnh Nam Trung Bộ và Ấn Độ tăng cường trao đổi, gắn kết hơn trong năm nay và những năm tiếp theo. Tất cả nhằm hướng đến sự phát triển thịnh vượng và bền vững, đem lại những bước tiến mạnh mẽ về hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ trong giai đoạn mới”, ông Lê Hữu Hoàng nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên đã giới thiệu về các tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong việc xúc tiến, hợp tác đến với các nhà đầu tư Ấn Độ trong thời gian đến. Nổi bật, tỉnh đã thu hút được hàng chục dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD; trong đó có 2 doanh nghiệp Ấn Độ. Cụ thể, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp KCP Việt Nam đã gắn bó với tỉnh Phú Yên hơn 20 năm qua và đã đầu tư 2 nhà máy đường với công suất 11.000 tấn mía cây/ngày/đêm, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Phú Yên, đồng hành cùng với địa phương các vấn đề an sinh xã hội.
Ông Lê Tấn Hổ hy vọng được tiếp tục chào đón nhiều hơn nữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm, uy tín từ Ấn Độ đến Phú Yên khảo sát, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh như: đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp công nghệ cao; nông nghiệp công nghệ cao; nuôi trồng thuỷ sản; giáo dục, y tế.
Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận thông tin cụ thể về tình hình quan hệ hợp tác giữa Ninh Thuận và Ấn Độ; các nội dung về điều kiện tự nhiên, kinh tế, hạ tầng, tiềm năng, lợi thế khác biệt, độc đáo từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương…
Ông Nguyễn Long Biên đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp Ấn Độ đến tìm hiểu, thực hiện các dự án đầu tư tại Ninh Thuận, nhất là các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh, phù hợp với định hướng kêu gọi đầu tư của tỉnh Ninh Thuận.
Về phía tỉnh Ninh Thuận, tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Ấn Độ trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư, ưu đãi đầu tư theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho nhà đầu tư, để khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ phát biểu trực tuyến đến với hội nghị rằng, sau 50 năm Việt Nam - Ấn Độ quan hệ ngoại giao đã phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ đang là đối tác chiến lược toàn diện của nhau với rất nhiều tiềm năng hợp tác. Năm 2022, kim ngạch thương mại hai nước đã vượt mốc 15 tỷ USD mà hai nước đã đề ra; kết nối hàng không và đường biển có bước đột phá. Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ bày tỏ quan tâm muốn đầu tư, mở rộng hợp tác kinh doanh vào Việt Nam. Người dân Ấn Độ cũng coi Việt Nam là một điểm đến mới ấn tượng để du lịch.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ vui mừng trước những kết quả hai nước đã đạt được và mong rằng, với các tiềm năng lợi thế sẵn có của các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận thì việc hợp tác với các doanh nghiệp của Ấn Độ sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, góp phần vào việc thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hội nghị xúc tiến lần này có 70 doanh nghiệp tham gia trực tiếp để cùng trao đổi các lợi thế của hai bên. Các nội dung cụ thể về 6 lĩnh vực trọng tâm sẽ được thảo luận trong các phiên cụ thể và hy vọng sẽ có những cơ hội hợp tác, đầu tư trong tương lai.
Chương trình hội nghị kéo dài từ ngày 28/2 đến ngày 4/3. Trong thời gian tham dự hội nghị, ngoài các phiên thảo luận tại chỗ, các đại biểu Ấn Độ sẽ được tham quan, khảo sát thực tế tại các trường đại học, các cơ sở giáo dục, các nhà máy, công ty, cơ cơ sở sản xuất, khu kinh tế, khu công nghiệp đang kêu gọi đầu tư, các bệnh viện, cơ sở sản xuất dược phẩm, các địa điểm du lịch, các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa…
Bên cạnh đó, hoạt động triển lãm bên lề hội nghị cũng thu hút 17 gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của 3 tỉnh, nhằm quảng bá sản phẩm của Việt Nam đến Ấn Độ.