Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, chương trình được tổ chức dưới dạng quầy hàng giới thiệu và mời dùng thử sản phẩm, thiết lập trong khuôn khổ hội chợ nông sản cuối tuần - một hình thức mua sắm được người dân "xứ chuột túi" rất ưa thích.
Ông Nguyễn Đăng Thắng, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney, cho biết đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Australia. Tuy nhiên, trong nhiều tháng qua, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Australia, đặc biệt là cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia, đã nỗ lực để thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại sang thị trường lớn nhất châu Đại Dương, ghi nhận một số kết quả tích cực.
Trong giai đoạn tháng 1-8/2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Australia tăng trưởng gần 19%, trong đó sản phẩm nông sản tăng khoảng 38%. Các mặt hàng trái cây tươi như xoài, nhãn, vải và thanh long đều trở thành mặt hàng được ưa thích. Một số sản phẩm nông sản đông lạnh mới như sầu riêng, sấu, gừng… bắt đầu có mặt nhiều hơn trên thị trường Australia và được người tiêu dùng tìm kiếm, sau nỗ lực đồng hành xúc tiến mặt hàng xuất khẩu mới của Cơ quan Thương vụ.
Mặc dù thành phố Sydney và một số thành phố lớn khác của Australia hiện đều đang ở trong tình trạng phong tỏa, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhưng Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney vẫn quyết định phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Australia, tổ chức chuỗi các chương trình giới thiệu và quảng bá hàng nông sản Việt Nam trên thị trường này.
Ông Nguyễn Đăng Thắng cho rằng đến tháng 10/2021, các biện pháp giãn cách của Australia sẽ dần được nới lỏng theo lộ trình đã được công bố và người dân sẽ trở lại mua sắm nhiều hơn, các hoạt động về thương mại và tài chính cũng dần được khôi phục. Vì vậy, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney cho rằng đây là thời điểm "chín muồi" để giới thiệu hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam đến người tiêu dùng "xứ chuột túi", giúp sản phẩm Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh và tiếp cận người tiêu dùng, ngay khi các biện pháp phong tỏa bắt đầu được dỡ bỏ.
Ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, tiếp theo sự kiện mời dùng thử gạo Việt Nam tại Melbourne vừa qua với tên gọi "Việt Nam, vùng đất của gạo ngon nhất thế giới", sự kiện lần này tập trung vào các hoạt động chính là "Mời dùng cơm Việt", cùng với quảng bá sầu riêng, nhãn, thanh long và cà phê. Địa điểm tổ chức được Thương vụ lựa chọn là Rozelle, một trong 10 khu chợ cuối tuần nổi tiếng nhất của thành phố Sydney, định hướng xúc tiến sâu vào các hoạt động văn hoá của cộng đồng người Australia, đồng thời hướng đến người tiêu dùng nhỏ tuổi, để xây dựng mục tiêu tiêu dùng bền vững sản phẩm Việt Nam.
Rất nhiều người dân địa phương đã ghé thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm nông sản Việt Nam. Bà Janet Spencer, sống tại vùng Leichhardt của thành phố Sydney, cho biết bà vô cùng thích thú khi được thưởng thức nhãn tươi Việt Nam. Theo cảm nhận của bà Spencer, quả nhãn của Việt Nam có độ ngọt thanh, cùi dày và mọng nước.
Trong khi đó, vừa thử ăn cơm nấu với hạt sen, ông David Moore, sống tại vùng Drummoyne của thành phố Sydney, vừa vui vẻ kể về chuyến du lịch tới Việt Nam vào hai năm trước. Ông nói một trong những ấn tượng thích thú nhất của chuyến đi là những bữa cơm với hạt gạo nội địa dẻo, thơm và nóng hổi. Ông Moore chia sẻ có rất nhiều loại gạo đang được bày bán trên thị trường Australia, nhưng không dễ để tìm kiếm được đúng gạo Việt Nam thơm, ngon và chất lượng. Ông hy vọng, trong thời gian tới, gạo Việt Nam chất lượng cao sẽ được xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường Australia, để ông và những người ưu thích sản phẩm này có thêm cơ hội thưởng thức.
Ông Nguyễn Đăng Thắng cho biết, ngoài chương trình quảng bá nông sản Việt Nam được tổ chức lần này ở thành phố Sydney, các cơ quan đại diện luôn có hoạt động thường xuyên, thường kỳ, lựa chọn các sản phẩm đúng thời điểm, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cao của Australia để xúc tiến quảng bá thương mại. Vấn đề chính hiện nay, theo các nhà nhập khẩu là các nhà xuất khẩu nông sản trong nước cần tiếp tục giữ vững chất lượng, đồng thời cần có sự phối hợp giữa các khẩu, giúp duy trì được chuỗi cung ứng, không để xảy ra tình trạng gián đoạn.