Cụ thể, trong tháng 7, Việt Nam xuất khẩu được 21.771 tấn hồ tiêu các loại; bao gồm tiêu đen đạt 19.371 tấn, tiêu trắng đạt 2.400 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đạt 129,9 triệu USD, giảm 22,7% về lượng, giảm 7,9% về giá trị so với tháng trước nhưng tăng 43,7% về lượng và 128,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong tháng 7 đạt 5.861 USD/tấn, tiêu trắng đạt 7.558 USD/tấn, tăng lần lượt 15,7% đối với tiêu đen và 9,2% đối với tiêu trắng so với tháng trước.
Lũy kế 7 tháng 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 164.357 tấn hồ tiêu các loại; trong đó, tiêu đen đạt 145.330 tấn, tiêu trắng đạt 19.027 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 764,2 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023, lượng xuất khẩu giảm 2,2% nhưng kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 40,8%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 7 tháng đạt 4.568 USD/tấn, tăng 32,7%; tiêu trắng đạt 6.195 USD/tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng qua với sản lượng đạt 43.349 tấn, tăng 48,4% so với cùng kỳ và chiếm 26,4% thị phần. Tiếp theo là thị trường Đức nhập 10.941 tấn, tăng 97,3%; UAE nhập 10.897 tấn, tăng 39,2%; Ấn Độ nhập 8.744 tấn, tăng 39,7%; Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 4 đạt 8.059 tấn, so cùng kỳ giảm 84,6%.
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch VPSA cho biết, nhu cầu hồ tiêu thế giới ngày càng tăng và khu vực EU vẫn là thị trường tiêu thụ lớn đối với hồ tiêu Việt Nam. Bên cạnh đó, năng lực chế biến hồ tiêu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất lớn, có thể đạt 140.000 tấn/năm là cơ hội giúp ngành hồ tiêu Việt Nam phát triển trong thời gian tới.
Trong khi đó, sản lượng hồ tiêu thế giới năm 2024 được dự báo giảm, do Brazil gặp bất lợi về thời tiết còn diện tích hồ tiêu ở Việt Nam tiếp tục bị thu hẹp, từ 115.000 ha (2023) xuống còn hơn 111.000 ha.
Theo bà Hoàng Thị Liên, mặc dù giá hồ tiêu đang ở mức cao nhưng sầu riêng, cà phê cũng đang có giá bán cao, lợi nhuận hấp dẫn đã hạn chế khả năng mở rộng diện tích trồng tiêu. Đến thời điểm này chưa ghi nhận tình trạng diện tích hồ tiêu tăng nóng trở lại ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ như những kỳ hồ tiêu tăng giá trước đây. Thay vào đó, những nông dân còn gắn bó với cây tiêu đang tăng cường đầu tư chăm sóc để phục hồi năng suất, sản lượng, chất lượng cho vườn tiêu hiện có.
Ngoài diện tích, sản lượng, thì chất lượng hồ tiêu Việt Nam cũng là vấn đề cần được chú ý. Trong khi các thị trường ngày càng yêu cầu cao về an toàn vệ sinh thực phẩm, thì thời gian qua hồ tiêu Việt Nam nhận nhiều cảnh báo về dư lượng kháng sinh, kim loại nặng và cả vi sinh vật. Nguyên nhân một phần xuất phát từ việc hạn chế áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho vùng đồng bào dân tộc ít người. Các địa phương chưa xây dựng được nhiều chuỗi liên kết bền vững với sự tham gia của đầy đủ các bên từ nông dân đến doanh nghiệp, nhà nước và nhà khoa học.
Giai đoạn tới, VPSA định hướng ưu tiên giữ ổn định diện tích hồ tiêu, tập trung các giải pháp cải thiện chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao. Theo đó, cần khuyến cáo và hướng dẫn nông dân tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về dư lượng hóa chất, thực hiện quy trình canh tác, phòng trừ dịch hại, chế biến bảo quản phù hợp với điều kiện khí hậu của các vùng miền. Kiến nghị các đơn vị nghiên cứu đẩy mạnh phát triển giống mới có năng suất cao và chất lượng tốt, kháng bệnh
Về phía các địa phương, cần tích cực phối hợp tổ chức quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với việc xây dựng các chuỗi giá trị để liên kết với doanh nghiệp chế biến và nhà xuất khẩu, ứng dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc, kết nối khách hàng. Đồng thời, tiếp tục mở rộng diện tích liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với người nông dân, khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, tổ sản xuất tại vùng nguyên liệu để làm đối tác của nhà xuất khẩu trong chuỗi cung ứng.