Xuất khẩu giày dép sang châu Âu vẫn đạt kết quả tốt dù chịu tác động từ dịch COVID-19

Từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực đến nay, xuất khẩu da giày Việt Nam vào thị trường EU liên tục tăng trưởng do tận dụng tốt ưu đãi thuế quan trong Hiệp định EVFTA bằng việc đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa tương ứng trong Hiệp định.

Gần 99% hàng xuất khẩu tận dụng được ưu đãi

Sau 8 tháng thực thi Hiệp định EVFTA (từ ngày 1/8/2020), giày dép là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực về xuất khẩu.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kể từ tháng 8/2020 đến tháng 3/2021 đã có 6 tháng xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam sang EU tăng (ngoại trừ tháng 2/2021, xuất khẩu giày dép các loại sang EU giảm do nghỉ Tết Nguyên đán). Đáng chú ý, so với trước thời điểm đại dịch COVID-19 xảy ra, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang thị trường EU đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong quý đầu tiên của năm nay. Cụ thể, quý 1/2021, xuất khẩu giày dép sang EU tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2020 (quý 1/2020 chỉ tăng 0,1% và quý 1/2019 tăng 11,9%).

Để được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA, hàng da giày của Việt Nam phải đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định này, được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính từ ngày 1/8/2020 đến 31/12/2020, kim ngạch hàng da giày của Việt Nam (bao gồm giày dép và các mặt hàng túi xách, ví, vali…) xuất khẩu sang EU được các cơ quan, tổ chức được cấp C/O mẫu EUR.1 theo Hiệp định EVFTA là 1,37 tỷ USD. Con số này đã đạt 1,17 tỷ USD trong quý 1/2021.

Chú thích ảnh
Xuất khẩu da giày sang châu Âu có nhiều khởi sắc. Ảnh: TTXVN.

“Có thể nói da giày là một trong những mặt hàng tận dụng tốt ưu đãi thuế quan trong Hiệp định EVFTA bằng việc đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa tương ứng trong Hiệp định”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho hay.

Về mặt con số, trong quý 1/2021, tỷ lệ mặt hàng giày dép xuất khẩu sang thị trường EU có sử dụng C/O mẫu EUR.1 theo Hiệp định EVFTA lên tới 98,98%.

Cần chủ động về nguồn nguyên liệu

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, so với mặt hàng dệt may, cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại thị trường EU, tiêu chí xuất xứ hàng hóa đối với mặt hàng da giày trong Hiệp định EVFTA tương đối linh hoạt. Cùng với đó, lộ trình cắt giảm thuế quan nhanh và sâu của EU dành cho Việt Nam trong Hiệp định EVFTA cũng là động lực quan trọng giúp gia tăng xuất khẩu hàng da giày vào thị trường này.

Theo cam kết trong Hiệp định EVFTA, 100% các dòng hàng giày dép được cắt giảm thuế quan về 0% với lộ trình tối đa 7 năm. Trong đó, các mặt hàng giày dép thuộc HS 64.01, 64.02, 64.03, 64.05, 64.06 về cơ bản được cắt giảm về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực (ngoại trừ một số ít dòng cắt giảm trong 3 hoặc 5 năm ở HS 64.04 và 64.05); mặt hàng thuộc HS 64.03 có lộ trình cắt giảm dài hơn từ 3 đến 7 năm. Điều này giúp doanh nghiệp xuất khẩu da giày có thể hưởng mức thuế suất 0%, có lợi hơn so với cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) ngay từ thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Cục Xuất Nhập khẩu và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại đưa ra nhận định, tiêu chí xuất xứ cho mặt hàng da giày trong Hiệp định EVFTA tương đối linh hoạt và cho phép nhập khẩu nguyên liệu ngoài khối để sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, việc đứt gánh chuỗi cung ứng toàn cầu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thời gian qua là hồi chuông báo động cho ngành sản xuất da giày trong nước khi phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Từ đại dịch COVID-19 cho thấy đứt gãy chuỗi cung ứng gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng tới sản xuất. Do đó, nếu phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nguyên phụ liệu, khi xảy ra vấn đề về chuỗi cung ứng, doanh nghiệp sẽ rất bị động. 

Theo số liệu của Bộ Công Thương, nguyên phụ liệu chiếm tới 68 - 75% trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, nhưng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm này của doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ đạt 40 - 45%. Các doanh nghiệp trong nước chiếm gần 70% về số lượng doanh nghiệp, nhưng chỉ chiếm 35% tổng sản lượng da thuộc sản xuất tại Việt Nam.

Do đó, để có thể phát triển bền vững và tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan cũng như các cơ hội từ Hiệp định EVFTA mang lại, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp da giày cần phải tập trung phát triển cân bằng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước để phục vụ sản xuất, xuất khẩu trong tương lai. Đồng thời, các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào công nghiệp chế biến nguyên phụ liệu để đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ.

Bên cạnh đó, ngành cần đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong tình hình mới, tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành doanh nghiệp. Đặc biệt, ngành da giày cần quan tâm tới vấn đề phát triển bền vững bởi trong các FTA thế hệ mới đều có đề cập tới các nội dung về phát triển bền vững. Vì vậy tất cả các doanh nghiệp phải quan tâm đến vấn đề về môi trường, lao động.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da Giày-Túi xách Việt Nam cho biết, nguyên phụ liệu ngành da giày Việt Nam nhập khẩu chính từ Trung Quốc (60%), tiếp đến là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Những năm gần đây, việc chủ động nguyên phụ liệu có sự chuyển biến khá tốt khi các doanh nghiệp đã chuyển dần chuỗi cung ứng sản xuất nguyên phụ liệu vào Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đó chỉ thực hiện chủ yếu ở doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hạn chế nguồn lực nên chưa chủ động trong việc giải quyết nguyên phụ liệu tại chỗ.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, để ngành da giày phát triển bền vững cần phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, nguyên phụ liệu trong nước. Nhà nước cần hỗ trợ ngành hình thành các khu công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt cho ngành. Bên cạnh đó, cần có sự đồng bộ cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư từ những tập đoàn đa quốc gia; kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Về phía các cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định, Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ có hỗ trợ chính sách, còn việc hiện thực hóa hiệu quả các chính sách này rất cần sự chủ động của doanh nghiệp tìm hiểu thông tin, nằm bắt cơ hội từ các Hiệp định thương mại trong thời gian tới.

Theo Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngày 6/8/2020 của Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Năm 2030 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Chú thích ảnh
Thu Trang/Báo Tin tức
Xuất khẩu dệt may, da giày bật tăng ngay từ đầu năm
Xuất khẩu dệt may, da giày bật tăng ngay từ đầu năm

Xuất khẩu dệt may đã tăng trưởng 3,3% và xuất khẩu da giày tăng đến 26,4% so với cùng kỳ năm 2020 ngay trong tháng đầu năm, đây là tín hiệu tích cực, tạo điều kiện phát triển trong năm 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN