Mặc dù Nghị quyết đã tạo điều kiện xử lý khối lượng lớn nợ xấu nhưng trong cuộc trao đổi giữa phóng viên TTXVN với Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho thấy vẫn còn những hạn chế trong quá trình thực hiện. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi.
Nhìn lại gần 5 năm qua kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) ra đời và có hiệu lực, hoạt động xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng đã có những chuyển biến ra sao thưa ông? Và những vướng mắc nào vẫn còn tồn tại trong quá trình xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng?
Nghị quyết 42 đã tạo ra hành lang pháp lý xử lý nợ xấu và đạt được kết quả nhất định. Theo đó, nhiều tổ chức tín dụng và khách hàng trên cơ sở Nghị quyết 42 tự thỏa thuận xử lý nợ xấu, thanh lý tài sản bảo đảm, chuyển giao tài sản bảo đảm.
Một sàn giao dịch mua bán nợ cũng đã được Công ty TNHH Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thành lập từ tháng 10/2021 và hoạt động đến nay.
Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai Nghị quyết 42 cũng thấy những tồn tại. Rõ nét nhất là sàn giao dịch mua bán nợ xấu hoạt động chưa hiệu quả do các vướng mắc luật lệ.
Chúng ta nên biết rằng, người mua nợ xấu không hướng đến khoản nợ mà là nhằm vào tài sản bảo đảm và muốn thủ tục chuyển giao từ tài sản đảm bảo phải thực hiện nhanh chóng. Tuy nhiên điều này hiện rất khó khăn. Chẳng hạn chỉ một thủ tục công chứng chuyển nhượng nợ cũng khó thực hiện vì những người làm công chứng chưa quen hoặc chưa biết việc mua bán nợ xấu.
Vấn đề tiếp theo là trong Nghị quyết 42 có quy định về thủ tục rút gọn xử lý nợ xấu của tòa án. Tuy nhiên thực tế, tòa án cũng khó xử lý nhanh được bởi việc điều tra các vấn đề pháp lý khoản nợ xấu cũng rất rắc rối.
Ngoài ra các vấn đề về thanh lý tài sản đảm bảo, thu giữ tài sản đảm bảo cũng chưa thực sự hiệu quả.
Nhiều ý kiến cảnh báo nợ xấu sẽ tiếp tục tăng cao do dịch COVID-19, đồng thời cũng chính dịch bệnh đã khiến bản chất của nợ xấu có sự thay đổi. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Trong thời gian dịch bệnh vừa qua tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 12/2021 đã tăng đến 7,3% trên tổng dư nợ và bao gồm cả nợ nội bảng và nợ ngoại bảng. Vấn đề cần tính đến nữa là trong thời gian dịch bệnh COVID-19, rất nhiều doanh nghiệp khó khăn, thua lỗ có thể phát sinh thêm các khoản nợ xấu mới.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng Thông tư này chỉ kéo dài đến thời điểm 30/6/2022. Trong khi đó, Nghị quyết 42 đến tháng 8/2022 cũng hết hiệu lực đồng nghĩa cơ chế thí điểm xử lý nợ xấu cũng kết thúc. Như vậy vấn đề xử lý nợ xấu năm nay rất phức tạp.
Theo ông, việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến năm 2025 có phải giải pháp hiệu quả trong bối cảnh hiện nay?
Tôi nghĩ rằng nếu kéo dài Nghị quyết 42 thêm 3 năm nữa cũng không giải quyết được vấn đề nợ xấu. Nó cũng như dịch COVID không mất đi mà chúng ta phải "sống với lũ", bởi khi nào các ngân hàng còn cho vay thì còn nợ xấu. Nghị quyết 42 là nghị quyết mang tính thí điểm để học hỏi kinh nghiệm. Nếu có thể gia hạn cũng phải ít nhất là 5 năm. Nhưng vấn đề là gia hạn 3 hay 5 năm mà không bổ sung các thiếu sót của nghị quyết hiện tại thì không có ý nghĩa.
Theo tôi cần chuyển Nghị quyết 42 trở thành 1 luật và được bổ sung những điều khoản dựa trên những thực tế, kinh nghiệm đã trải nghiệm trong 5 năm qua để trở thành một luật với các cơ sở pháp lý để xử lý nợ xấu. Còn nếu không chuẩn bị kịp thì ít nhất là gia hạn.
Ông có đề xuất nào đối với các cơ quan quản lý nhằm tăng hiệu quả xử lý nợ xấu và tháo gỡ rủi ro tiềm tàng cho nền kinh tế?
Một trong những điểm mà tôi đề nghị với các cơ quan chức năng là thủ tục đấu giá tài sản đảm bảo. Tại sao lại cứ phải đấu giá có 1 cái giá khởi điểm mà cái giá khởi điểm đó phải được sự đồng ý của tất cả các bên rồi nếu không được đồng ý của ngân hàng và khách hàng thì lại phải tổ chức một cuộc đấu giá với khởi điểm mới và cứ thế sẽ tiếp tục có các cuộc đấu giá nếu không thành công.
Vậy tại sao chúng ta không áp dụng giá khởi điểm bằng chính khoản nợ ngân hàng và cộng thêm một khoản tiền. Nếu ai đấu giá trên giá ngân hàng thì tài sản thuộc người đó và khoản tiền dư giá khởi điểm của ngân hàng có thể thanh toán chi phí đấu giá… Còn nếu không có ai đấu giá cao hơn ngân hàng thì ngân hàng là người nhận tài sản đảm bảo và được xử lý tài sản đó.
Điều thứ hai là tôi đề nghị Quốc hội nên có Luật phá sản cá nhân. Khi có Luật phá sản cá nhân, tòa án xem xét giữ lại tài sản cho nhu cầu thiết yếu của cá nhân đó, còn lại tài sản khác được xử lý nợ. Tuy nhiên, hình thức này có thể sẽ bị lạm dụng và không đạt được mục đích thu hồi nợ.
Xin cảm ơn ông!