Xử lý dứt điểm tình trạng cấp một giấy phép nhưng xây nhà nhiều căn tại Củ Chi

Sau địa bàn Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi là huyện ngoại thành của ThP Hồ Chí Minh có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu nhà ở tăng cao, kéo theo nhiều phức tạp trong công tác quản lý đất đai, xây dựng.

Đặc biệt là tình trạng cấp 1 giấy phép xây dựng nhưng lại xây nhà nhiều căn theo hình thức 3 chung (chung số nhà, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chung giấy phép xây dựng), hình thành nên những khu dân cư tự phát, thiếu đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. 

Kết luận số 08/KL-TTTP-P3 ngày 15/6/2020 của Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã chỉ rõ một số vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Củ Chi. Hiện nay, UBND huyện Củ Chi đang khẩn trương triển khai các giải pháp để thực hiện kết luận nói trên, qua đó chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đặc biệt xử lý dứt điểm tình trạng cấp một giấy phép nhưng lại xây dựng nhiều nhà.  

Chú thích ảnh
Bê tông hóa tuyến hẻm 35 đường Nguyễn Thị Da, ấp 4, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi thông tin, đến nay UBND huyện đã chỉ đạo thực hiện 7/10 nội dung được chỉ ra trong Kết luận số 08/KL-TTTP-P3 (đạt 64,28%), xử lý 25/30 công trình vi phạm trật tự xây dựng, chấm dứt tình trạng cấp một giấy phép xây dựng nhưng xây nhiều căn nhà, xử lý ngay từ đầu không để phát sinh phức tạp về đất đai, xây dựng.

Đáng chú ý là việc cấp 542 Giấy phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ nhưng trong bản vẽ xin phép xây dựng lại thể hiện nhiều căn nhà ở riêng biệt trên cùng một thửa đất. Trong đó, 144 giấy phép cấp xây dựng nhà chưa đảm bảo hạ tầng như đường giao thông kết nối dưới 3,5m, chưa có cống thoát nước. UBND huyện Củ Chi đã thực hiện việc đồng bộ hạ tầng tại các căn nhà được cấp phép trong 77/144 giấy phép (đạt 53,5% tiến độ), còn lại 67/144 giấy phép đang tiếp tục vận động chủ đầu tư khắc phục hạ tầng, dự kiến hết quý II/2022 sẽ hoàn thành.

Cùng với đó, thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25/07/2019 của Thành ủy TP Hồ Chí Minh về tăng cường quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, số vụ vi phạm về xây dựng trên địa bàn huyện Củ Chi đã giảm đáng kể. Tính từ ngày 25/7/2019 đến 30/4/2021, địa bàn huyện xảy ra 69 vụ vi phạm xây dựng không phép, giảm 96 vụ (58,18%) so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 23. Trong số 69 vụ vi phạm không phép, đến nay, huyện đã xử lý 52 vụ vi phạm, còn lại 17 vụ đang thực hiện xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, UBND huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo khắc phục các nội dung theo Kết luận của Thanh tra Thành phố còn tồn đọng. Trong đó, huyện tập trung xử lý cưỡng chế 5/30 công trình xây dựng không phép, sai phép. Đối với trường hợp xây dựng nhà nhiều căn chung một giấy phép xây dựng trên địa bàn xã Bình Mỹ, UBND huyện sẽ vận động xã hội hóa để đầu tư 27 tuyến đường nội bộ chưa đảm bảo bề rộng đường, cống thoát nước nhằm đảm bảo hạ tầng khu vực. 

Đồng thời, UBND huyện rà soát lại toàn bộ các tuyến đường giao thông công cộng trong khu vực nhà nhiều căn để tiếp tục thực hiện duy tu nâng cấp mở rộng trong năm 2021 đối với 16 tuyến, kêu gọi xã hội hóa 4 tuyến. UBND huyện sẽ đưa 18 tuyến đường trục chính vào chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cũng như đăng ký vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cho 7 tuyến khác để có nguồn vốn đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông trong khu vực.

Tin, ảnh: Trần Xuân Tình (TTXVN)
Lâm Đồng cần siết chặt quản lý đất đai, khoáng sản
Lâm Đồng cần siết chặt quản lý đất đai, khoáng sản

Tại thời điểm này, chính quyền và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang tập trung phòng chống dịch COVID-19 và công tác chuẩn bị cho bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Lợi dụng yếu tố này, một số đối tượng có tổ chức san ủi đất đai, khai thác khoáng sản trái phép tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN