Bài toán sử dụng thương hiệu
Tình trạng lợi dụng hình ảnh, thương hiệu cua Cà Mau vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, với nhiều hình thức khác nhau nhằm qua mắt người tiêu dùng. Thực tế, không khó để bắt gặp hình ảnh bày bán cua với dòng chữ “Cua Cà Mau” nhằm thu hút người mua. Trên thực tế, trong số đó có rất nhiều loại cua không có xuất xứ từ Cà Mau, các loại cua này phần lớn được bán với giá chỉ bằng một nửa, thậm chí chỉ 1/4 giá so với cua Cà Mau chính gốc.
Thực trạng đã xâm phạm nghiêm trọng đến thương hiệu Cua Cà Mau đã được công nhận. Bởi đã qua, vào tháng 6/2022, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 2576/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00116 cho sản phẩm cua “Cà Mau”. Đây được xem là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Cà Mau tăng cường triển khai các biện pháp quản lý, kiểm soát các mặt hàng cua. Các hành vi vi phạm quy chế và xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý cua Cà Mau sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo nguồn gốc, chất lượng và danh tiếng cua Cà Mau.
Phó Chủ tịch Hội Thủy sản huyện Năm Căn, kiêm Trưởng Ban Quản lý nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn Huỳnh Hùng Anh thông tin, kể từ năm 2015, khi thương hiệu “Cua Năm Căn – Cà Mau” được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận là nhãn hiệu tập thể, các ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người nuôi, các cơ sở thu mua thu mua thủy sản trên địa bàn cam kết thực hiện đăng ký sử dụng và bảo vệ thương hiệu cua Năm Căn - Cà Mau.
Theo đó, sản phẩm cua Năm Căn - Cà Mau trước khi đưa ra thị trường đều được dán nhãn mác, tem chống hàng giả, để người tiêu dùng dễ nhận biết, phân biệt cua Năm Căn với các loại cua nơi khác. Đồng thời, để tránh tình trạng cua Năm Căn bị nhái hàng, làm giả chất lượng thương hiệu, Ban Quản lý nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn có quy định riêng như: Cua Năm Căn phải đạt tỷ lệ gạch và thịt từ 90% mới được mang tem nhãn hiệu cua Năm Căn – Cà Mau.
Theo các chuyên gia đánh giá, từ khi xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, các sản phẩm chủ lực của tỉnh đã và đang mở rộng phát triển trên thị trường trong nước; trong đó, có nhiều sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, kết quả so với tiềm năng còn thấp, có thể nói nhãn hiệu cộng đồng đang “nghèo khó” trên tài nguyên giàu có của mình.
Nguyên nhân là do chưa đầu tư đúng mức đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các đặc sản địa phương, đồng thời chưa thiết lập được hệ thống quản lý, khai thác một cách hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm đặc thù mang tên địa danh, đó là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý.
Đó là chưa kể đến các hình thức tổ chức sản xuất hiện nay phần nhiều vẫn là mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ, chưa chú trọng đến công tác xúc tiến thương mại, chưa kết nối được các doanh nghiệp, đặc biệt là chưa có sản phẩm sử dụng nhãn hiệp tập thể “Cua Cà Mau” được phân phối tại các siêu thị... nên giá cả đầu ra chưa ổn định.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau Thái Trường Giang nhận định, hiện nay nhận thức của người dân về nhãn hiệu tập thể chưa được quan tâm đúng mức, hầu hết các cơ sở sử dụng nhãn hiệu tập thể chưa tổ chức dán tem để truy xuất nguồn gốc nên rất khó trong quản lý, khả năng hàng nhái, giả mạo là rất cao.
“Thực tế, không có sự chênh lệch đáng về kể giá bán giữa việc sản phẩm cua có gắn nhãn sản phẩm và không gắn nhãn, bình quân cũng chỉ chênh lệch khoảng 10.000 đồng/kg. Việc gắn nhãn sản phẩm, dây trói cua có in logo chủ yếu theo nhu cầu của một nhóm nhỏ khách hàng dùng để làm quà tặng. Một lý do khác nữa là có tình trạng các cơ sở, doanh nghiệp thu mua sợ mất thương hiệu cá nhân khi tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể; kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thường xuyên đã ảnh hưởng đến việc khai thác, quản lý và phát triển nhãn hiệu. Theo thống kê đến nay, thành viên tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể không tăng do các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa phải là thành viên không thống nhất với nội dung trong Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể”, ông Thái Trường Giang nhận định.
Giải pháp tháo gỡ
Nhằm chủ động sử dụng thương hiệu một cách hiệu quả, kể từ khi thành lập công ty vào năm 2019, chị Dương Thị Bích Năm, Giám đốc Công ty TNHH Dư Thái Bình (xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn) đã đăng ký sử dụng thương hiệu cua Năm Căn – Cà Mau và chuẩn bị đầy đủ các bước để có thể đáp ứng các yêu cầu khắc khe của thị trường nước ngoài.
Theo chị Dương Thị Bích Năm cho biết, hiện nay nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng cua Cà Mau tại nước ngoài rất lớn, tuy nhiên để tiếp cận đòi hỏi rất nhiều thủ tục và các quy trình kèm theo.
“Bên cạnh thị trường truyền thống Trung Quốc, nếu cua xuất khẩu sang được các thị trường mới giàu tiềm năng sẽ là cơ hội lớn để nâng cao giá trị sản phẩm cua Cà Mau trên thị trường. Chính vì thế, phía công ty mong muốn tỉnh tạo điều kiện tổ chức thêm nhiều hội nghị kết nối giao thương, để công ty có thể tiếp cận với doanh nghiệp, đầu mối phân phối lớn tại thị trường nước ngoài mở rộng hợp tác, tiêu thụ, góp phần đưa thương hiệu cua Cà Mau ngày càng vươn xa”, chị Dương Thị Bích Năm kỳ vọng.
Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho rằng, chính quyền địa phương và người nông dân cần có định hướng phát triển lâu dài, hiệu quả cho sản phẩm cua về triển khai các dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, bảo hộ thương hiệu sản phẩm Cua Năm Căn - Cà Mau.
Đặc biệt, chú trọng thiết kế logo, nhận diện thương hiệu kết hợp hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tổ chức giao thương, kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tăng cường mối quan hệ tổ chức xúc tiến thương mại; thường xuyên tổ chức tham gia hội chợ, kết nối cung - cầu hàng hoá với các tỉnh, thành lớn như: Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ðà Nẵng, Cần Thơ... và hội chợ triển lãm ngoài nước. Bên cạnh đó, quan tâm đến việc bảo quản, tồn trữ; áp dụng khoa học kỹ thuật để bảo quản được lâu, vận chuyển đi đến các thị trường xa; chế biến đóng hộp để xuất khẩu.
Về giải pháp xây dựng thương hiệu cua Cà Mau thời gian tới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phan Hoàng Vũ chia sẻ, ngành nông nghiệp sẽ rà soát điều kiện tự nhiên, tiến hành quy hoạch vùng nuôi cua chủ lực để tạo vùng nguyên liệu cung cấp đủ sản phẩm ổn định cho những cơ sở kinh doanh đã được phép gắn nhãn hiệu tập thể được chứng nhận.
Ðồng thời, chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể này cần vận động những thành viên được phép sử dụng nhãn hiệu phải tổ chức lại sản xuất, liên kết, giám sát trong việc thu mua, luôn đảm bảo đạt chuẩn chất lượng và kích cỡ. Ngoài ra, sớm rà soát, ban hành, phổ biến những quy chế trong cấp phép gắn nhãn mác, liên kết tổ chức sản xuất cho cộng đồng để việc tổ chức nuôi, bảo vệ, khai thác cua đảm bảo đạt chất lượng…
Để tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, tỉnh đã chỉ đạo quy hoạch lại sản xuất thuỷ sản; trong đó, có quy hoạch sản xuất cua để xác định được vùng sản xuất và diện tích phù hợp.
Đồng thời, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với các viện, trường, thậm chí là viện, trường quốc tế để nghiên cứu, cải thiện chất lượng con cua giống của Cà Mau. Qua đó, chọn lọc những giống cua mới có tính chất phù hợp, chất lượng vượt trội để tạo ra lợi thế mới; phát huy tối đa chỉ dẫn địa lý con cua Cà Mau một cách chuyên nghiệp, bài bản, minh bạch, khách quan…
Theo lộ trình phát triển ngành hàng cua, tỉnh Cà Mau đã xác định mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển thêm diện tích nuôi đạt khoảng 260.000ha, năng suất bình quân đạt 120kg/ha/năm, sản lượng đạt từ 30.000-32.000 tấn; xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cho trên 40% sản phẩm cua nuôi; phấn đấu tỷ lệ xuất khẩu đạt khoảng 25-30% sản lượng cua nuôi trong tỉnh.
Thương hiệu cua Cà Mau từ lâu được người tiêu dùng tin tưởng bởi chất lượng mà thiên nhiên ưu đãi. Thế nhưng, trước những đòi hỏi ngày càng khắc khe, tính cạnh tranh ngày cao của thị trường chỉ đơn thuần dựa vào tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ để “cởi trói” cho ngành hàng cua Cà Mau phát triển xứng tầm vẫn phụ thuộc nhiều vào chiến lược phát triển đúng hướng, đồng thời phát huy tối các giá trị riêng có của ngành hàng chủ lực này.