Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) nhằm thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ... là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. DĐĐT ở 4 xã điểm của huyện Vụ Bản (Nam Định) là Minh Thuận, Hiển Khánh, Minh Tân, Trung Thành đã có nhiều cách làm hay, bước đầu đạt kết quả tích cực. Song từ thực tiễn, do công tác tuyên truyền, giải thích tới đông đảo quần chúng nhân dân chưa thấu đáo nên vẫn còn một bộ phận người dân còn băn khoăn.
Bài 1: Chủ trương lớn cần nhân rộng
Vụ Bản là huyện thuần nông của tỉnh Nam Định, cây lúa vẫn là cây trồng chủ yếu của địa phương. Những năm qua, thực hiện chủ trương chỉ đạo của Tỉnh ủy về DĐĐT trong sản xuất nông nghiệp, các cấp, các ngành và nhân dân trong huyện đã tập trung thực hiện và đã đạt được những kết quả ban đầu. Bình quân số thửa đất nông nghiệp của một hộ nông dân đã giảm từ 12 thửa năm 1993 xuống còn 3,5 thửa năm 2003.
Mỗi hộ bình quân chỉ còn 1-2 thửa đã giúp cho việc canh tác của nhân dân xã Hiển Khánh (Vụ Bản) thuận lợi hơn. |
Tìm hiểu thực tế tại hai xã Hiển Khánh và Trung Thành chúng tôi nhận thấy chủ trương DĐĐT ở Vụ Bản đang được nhân dân đồng tình ủng hộ cao. Trên khắp xứ đồng đã hình thành nhiều ô thửa lớn rộng hàng nghìn mét vuông. Đang chuẩn bị cho vụ gieo cấy chiêm xuân 2012 nên trên các cánh đồng nước ngập trắng xóa. Tay thoăn thoắt lắp chiếc cày máy, nông dân Trần Văn Thái, thôn Phú Đa, xã Hiển Khánh cho hay: “Thực hiện chủ trương DĐĐT, đến nay ruộng của gia đình tôi chỉ còn 1 thửa, rộng 6 sào, thuận lợi cho việc cấy cày. Đấy anh xem, nhờ có DĐĐT mà bây giờ tôi cày bằng máy thay cho con trâu đi trước, cái cày đi sau, tiện lắm anh ạ. Trước đây gia đình cũng 6 sào nhưng rải ra cả 4 xứ đồng, ruộng đất manh mún, cấy hái vất vả bất tiện lắm mà năng suất không cao”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nha, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo DĐĐT huyện Vụ Bản, cho biết: Thông qua việc DĐĐT, đất công ích và đất quy hoạch phát triển hạ tầng công cộng đã được dồn đổi tập trung để quản lý, sử dụng hiệu quả hơn. Nhiều mô hình sản xuất theo hướng chuyên canh, thâm canh, sản xuất hàng hóa đạt kết quả khả quan. Năng suất và tổng sản lượng lương thực hàng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được phát triển tương đối đồng bộ, bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung. Công tác quản lý đất đai, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở một số địa phương có chuyển biến tốt… Những thành tựu trên khẳng định chủ trương DĐĐT trong sản xuất nông nghiệp những năm qua là đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn, góp phần ổn định an ninh trật tự trong địa bàn nông thôn.
Được biết, trước đây khi chưa DĐĐT, có những xã trên địa bàn huyện Vụ Bản quỹ đất công lên tới 2.500 mảnh. Nay các xã dồn lại ở 1-2 vị trí và gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, giao thông, phát triển sản xuất… nên nhiều xã đã có quỹ đất công rộng, đẹp để xây nhà văn hóa, làm các công trình phúc lợi.
Để công tác DĐĐT thực hiện có hiệu quả, huyện Vụ Bản đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc, các tiểu ban và được triển khai sâu rộng đến tất cả các xã. Vụ Bản phấn đấu đến năm 2013, công tác DĐĐT sẽ hoàn thành với mỗi hộ bình quân chỉ còn 1-2 thửa. Đất công ích và đất dành cho phát triển hạ tầng, khu dân cư, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp… được quy hoạch tập trung theo yêu cầu của chương trình xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt các quy định về quản lý đất đai trong và sau DĐĐT.
Ông Phạm Ngọc Chi, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vụ Bản khẳng định: Việc thực hiện công tác DĐĐT ở Vụ Bản luôn bảo đảm nguyên tắc vận động nhân dân tự nguyện, tự giác thực hiện và đặt dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp; đảm bảo công bằng, dân chủ công khai theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm ổn định an ninh trật tự ở địa bàn nông thôn. Đồng thời phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Không đặt vấn đề chia lại ruộng đất, không xem xét các vấn đề trước đây không giải quyết, không thực hiện đối với những hộ có đất sản xuất nông nghiệp chỉ còn một thửa, đang sản xuất cây trồng, vật nuôi và phù hợp với qui hoạch mới. Phương án DĐĐT xác định hệ số chênh lệch (K) dồn đổi phải được tính toán, xây dựng phù hợp với các điều kiện, đặc điểm cụ thể của vùng sản xuất và quy hoạch của từng địa phương; đảm bảo công bằng, được nhân dân bàn bạc thống nhất. “Chúng tôi cũng tiến hành rà soát để đảm bảo diện tích đất phải DĐĐT sát, đúng với thực tế diện tích đất đang sử dụng của từng hộ và phù hợp với hồ sơ đang quản lý làm cơ sở cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau DĐĐT” – ông Phạm Ngọc Chi quả quyết.
Về Vụ Bản mùa xuân này, từ đường làng, ngõ xóm đến đồng ruộng đâu đâu chúng tôi cũng được nghe bà con bàn bạc, thảo luận sôi nổi về chủ trương lớn của Đảng về chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó công tác DĐĐT được coi là bước đi có tính quyết định.
Tuy mới thực hiện thí điểm ở một số xã nhưng công tác DĐĐT ở Vụ Bản đã đạt được kết quả tích cực bước đầu. Qua những việc đã làm được và cả những việc chưa làm được, đã có thể rút ra một số bài học trong tổ chức thực hiện; trong đó nổi bật là bài học phải tạo được sự đồng thuận từ nhân dân.
Bùi Văn - Viết Tôn
Bài 2: Dân biết, dân bàn…