Nghị định này sẽ thay thế Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/9/2015 của Chính phủ quy định về việc công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước.
Sau gần 5 năm thực hiện Nghị định số 81/2015/NĐ-CP, việc công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước đã đạt được những kết quả nhất định, số lượng doanh nghiệp nhà nước thực hiện công bố thông tin lần lượt tăng theo từng năm (năm 2016 chỉ đạt 241/620 doanh nghiệp; hết năm 2019 đạt 333/526 doanh nghiệp); tạo ra sự minh bạch và công khai về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, hoạt động công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: một số doanh nghiệp nhà nước thực hiện công bố thông tin còn mang tính hình thức. Việc minh bạch thông tin tự nguyện chưa được thực hiện nghiêm túc.
Bên cạnh đó, vẫn có những doanh nghiệp chưa thực hiện công bố thông tin theo quy định. Thời gian thực hiện công bố thông tin còn chậm so với quy định. Các cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa thực hiện đầy đủ công bố thông tin của các doanh nghiệp do mình làm đại diện chủ sở hữu.
Dự thảo nghị định gồm 4 chương, 20 Điều và 7 Phụ lục gồm: những quy định chung; công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước; cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp nhà nước; trách nhiệm thực hiện và điều khoản thi hành.
Theo đó, về nguyên tắc, các thông tin công bố phải đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật; phải do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được uỷ quyền công bố thông tin thực hiện.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền công bố thông tin chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, kịp thời, trung thực và chính xác của thông tin được công bố.
Thông tin được công bố trên cổng, trang thông tin điện tử (website) của doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu và Cổng thông tin doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Riêng đối với báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải công bố báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính năm theo pháp luật về kế toán doanh nghiệp.
Đối với công ty mẹ do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ trong mô hình Công ty mẹ - công ty con, doanh nghiệp phải xây dựng một số loại báo cáo và chỉ tiêu sản xuất kinh doanh là số liệu của công ty mẹ và số liệu hợp nhất của cả tổ hợp công ty mẹ - công ty con.
Công bố thông tin bất thường phải thực hiện trong vòng 36 giờ trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước khi xảy ra một trong các sự kiện quy định tại Điều 110 Luật Doanh nghiệp 2020.
Trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm các quy định về công bố thông tin dẫn đến việc cơ quan đại diện chủ sở hữu không kịp thời đưa ra các ý kiến chỉ đạo, khuyến nghị, giải pháp, dẫn đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, gây thất thoát vốn nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu áp dụng hình thức kỷ luật từ cách chức đến buộc thôi việc người quản lý doanh nghiệp và buộc thôi việc người đại diện phần vốn nhà nước đối với doanh nghiệp...