Xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

Dịch COVID-19 sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế cũng như chuỗi cung ứng nông sản. Bên cạnh đó, nông nghiệp Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với những thách thức của biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có những chia sẻ với phóng viên TTXVN về những định hướng cơ cấu lại ngành trong thời gian tới cũng như việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: TTXVN

Năm vừa qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt được kết quả khá cao và toàn diện trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thiên tai, dịch bệnh. Với mục tiêu hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập, chủ động và hiệu quả, xin Bộ trưởng chia sẻ về những nhóm giải pháp của ngành trong thời gian tới?

Năm 2020 đúng là năm thách thức rất lớn với ngành nông nghiệp. Đây là năm mà cả hệ thống chính trị, toàn dân vượt khó đi lên và đạt được những kết quả tương đối toàn diện. Đó là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,65% - là kết quả đánh giá chung tốt của ngành. Ngành đẩy mạnh được sản xuất với hai nhóm sản phẩm lớn là lương thực, thực phẩm đủ cho nhu cầu của nhân dân và giá trị xuất khẩu đạt 41,36 tỷ USD, tăng 2,9% so với năm 2019. Đây là con số cao nhất của ngành từ trước đến nay.

Năm 2021 thế giới vẫn phải chấp nhận những rủi ro khó khăn vô cùng lớn; trong đó nổi lên bao trùm là đại dịch COVID-19 vẫn còn tác động rất lớn và sẽ ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế và chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó là thách thức về tác động biến đổi khí hậu sẽ cực đoan khắc nghiệt và diễn biến nhanh chóng hơn cả chúng ta dự báo.

Những thách thức này sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam; trong đó có nông nghiệp. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp xác định sẽ tập trung nhóm chương trình lớn  phải tiếp tục thực hiện đó là tập trung tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Hướng này sẽ tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại tập trung khép kín theo chuỗi giá trị từ phát triển nguyên liệu tập trung chế biến, tổ chức thương mại. Phải hình thành các chuỗi đó trên cơ sở đồng bộ cả 3 nhóm sản phẩm chủ lực.

Đó là nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia gồm 10 nhóm sản phẩm, mặt hàng mà có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Đồng bộ với nó là nhóm nông sản thế mạnh của các tỉnh như nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Bắc Giang…; và nhóm sản phẩm đặc sản quy mô địa phương mà chúng ta gọi là OCOP.

Cả 3 trục sản phẩm này yêu cầu phải tập trung chỉ đạo phát triển theo hướng hàng hóa hiệu quả trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ tốt nhất, công nghệ 4.0 trên từng quy mô, từng khu vực ngành hàng ở mức độ khác nhau.

Các lĩnh vực không ngừng đổi mới trong quản trị trên nền tảng công nghệ số, trên nền tảng của công nghệ 4.0 để làm sao có được hình thức quản trị thích hợp, đặc biệt là các hình thức tổ chức sản xuất với một nền nông nghiệp thông minh.

Việt Nam đang hướng đến hội nhập thì cần chú ý đến chất lượng sản phẩm. Do đó, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nhóm nông nghiệp đặc sản phải chú ý hơn nhiều để làm sao từng bước trở thành phổ biến trong sản xuất.

Bên cạnh đó, ngành tập trung các nhóm giải pháp kêu gọi được nhiều doanh nghiệp để trở thành nòng cốt trong liên kết. Cùng với việc thành lập nhiều hợp tác xã, các hộ dân mới hình thành được liên kết, ở đó người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp thành trục liên kết nhuần nhuyễn trong tất cả các quy mô sản xuất, cấp độ ngành hàng. Từ đó mới đảm bảo mục tiêu cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng hiện đại, hội nhập, chủ động và hiệu quả.

Như vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có giải pháp thế nào để thu hút sự đầu tư của doanh nghiệp?

Những năm qua, một trong những nguyên nhân đánh giá thành công trong cơ cấu lại nông nghiệp và phát triển nông thôn mới đó là việc các doanh nghiệp phát triển gắn kết chặt chẽ với hợp tác xã và trở thành hạt nhân trụ cột trong liên kết cùng với nông dân. Chúng tôi coi đây là giải pháp quan trọng, để xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, hội nhập.

Chính vì thế tới đây, ngành phải tiếp tục những giải pháp tổng thể khuyến khích nhiều hơn doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn để xây dựng được một nông thôn Việt Nam ngày một giàu có văn minh, xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại.

Với vai trò quản lý của ngành, Bộ sẽ tiếp tiếp tục tham mưu Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cũng như trong cải cách thủ tục hành chính. Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để làm sao điều kiện đầu tư thông thoáng nhất.

Không chỉ doanh nghiệp và chúng ta còn xúc tiến người nông dân đẩy nhanh hơn quá trình hình thành các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Hình thành được trục sản xuất doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân thành một thể thống nhất. Điều này hết sức phù hợp với Việt Nam đó là đi lên từ những mảnh ruộng nhỏ của rất nhiều nông dân. Chúng ta vẫn sẽ có một nền sản xuất lớn tập trung đặc thù từng ngành, từng khu vực. Vì chúng ta đã xác định được trụ cột liên kết đó là “chìa khóa” tạo ra một nền nông nghiệp hiện đại.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra cơ hội lớn cho các ngành kinh tế; trong đó có ngành nông nghiệp. Đặc biệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong những động lực để ngành nông nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. Theo Bộ trưởng, nông nghiệp Việt Nam cần tiếp tục thực hiện và nắm bắt cơ hội này như thế nào?

Khi tôi làm ở Ban Kinh tế Trung ương. Tôi được mời tham gia đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ đi Israel và Hoa Kỳ để sang tham khảo các mô hình khởi nghiệp về công nghệ. Khi đó, mọi người còn chưa biết mấy về khởi nghiệp. Đến nay mới gần 10 năm nhưng Việt Nam đã có cả hệ sinh thái khởi nghiệp, công nghệ số. Trong trào lưu đó thì nông nghiệp cũng ở trong cuộc và sẽ phát triển rất nhanh.

Điển hình trong sản xuất cá tra, có những doanh nghiệp ở An Giang sản xuất với quy mô lớn đã ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất trong cho cá ăn, kiểm tra nguồn nước, kiểm soát dịch bệnh... Tất cả quy trình sản xuất đều được quản trị trên môi trường số.

Không chỉ doanh nghiệp, nhiều hợp tác xã, nông dân cũng đã ứng dụng nông nghiệp số trong sản xuất, canh tác. Thậm chí cả sinh viên Đại học Bách khoa làm nông nghiệp thông minh. Bộ sẽ đẩy nhanh hơn việc ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực, ngành hàng.

Do đó, một mặt ngành đang thực hiện chính sách để những người nông dân trước đây có sinh kế. Một mặt đưa ra mục tiêu thời gian tới là giảm lượng lao động trong nông nghiệp nhưng xây dựng một hệ thống lực lượng lao động mới chuyên nghiệp.

Chúng ta có đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng  yêu cầu của cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng hiện đại thì mới hoàn thành được “sứ mệnh” là chuyển đổi từ một nền sản xuất theo truyền thống sang một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, hội nhập toàn cầu.

Bộ cũng có kế hoạch chương trình thúc đẩy công nghệ số. Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, công nghệ số trong quản trị và sản xuất.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bích Hồng/TTXVN (thực hiện)
Xây dựng Sơn La trở thành trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
Xây dựng Sơn La trở thành trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

Trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La phấn đấu thúc đẩy tăng trưởng xanh, xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN