Thưa bà, một số ý kiến cho rằng, chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn vẫn mang tính hình thức, chưa đi sâu vào thực chất. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?
Hoạt động Đưa hàng Việt về nông thôn nhằm giúp người tiêu dùng tại khu vực này tiếp cận được hàng Việt Nam chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với giá cả hợp lý. DN tham gia chương trình này không chỉ dừng lại ở việc bán hàng mà thông qua đó để “đo” thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, tìm kiếm bạn hàng, lập hệ thống phân phối ổn định, lâu dài.
Tuy vậy, thời gian qua chỉ có một số DN lớn phát huy được điều này trong khi các DN vừa và nhỏ hoặc DN mới tham gia thị trường thiếu nguồn nhân lực không có điều kiện tiếp thị, xây dựng hệ thống đại lý mà chỉ tham gia bán hàng. Sau khi kết thúc chương trình đã xảy ra tình trạng người dân cần hàng của DN thì không biết địa chỉ để mua. Do đó, các DN này cũng không mở được thị trường.
Bộ Công Thương có biện pháp gì để phát triển kênh phân phối hàng Việt vững chắc tại nông thôn, thưa bà?
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020. Năm 2015, Ban chỉ đạo liên ngành thực hiện Đề án đã phê duyệt 24 nhiệm vụ xây dựng thí điểm mô hình Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” cho 23 tỉnh và thành phố trực thuộc TƯ.
Cuối năm 2015, đã có 29 Điểm bán hàng Việt Nam được triển khai trên 23 tỉnh, thành phố trong cả nước trải dài cả Bắc Trung Nam. Trong quá trình triển khai, Bộ Công Thương đã yêu cầu các Sở khi thiết lập Điểm bán hàng Việt Nam cần ưu tiên vùng sâu, vùng xa hoặc khu công nghiệp, khu vực mà hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu vẫn còn mỏng (ưu tiên nông sản, hàng công nghiệp nông thôn, đặc sản của vùng, địa phương...), nhằm hỗ trợ người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng sản xuất trong nước có chất lượng với giá thành cạnh tranh.
Các Điểm bán hàng Việt Nam tại nông thôn đó đã phát huy hiệu quả như thế nào?
Hàng hóa bày bán tại Điểm bán hàng Việt Nam phải đạt tiêu chuẩn 100% sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm và thực hiện dưới sự giám sát của Sở Công Thương.
Qua các buổi làm việc trực tiếp với địa phương, chúng tôi được biết việc thiết lập Điểm bán hàng Việt Nam cố định là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tế, nhận được sự ủng hộ của cả DN và người dân. Các DN được hỗ trợ thiết lập Điểm bán hàng Việt Nam đã tăng doanh thu rõ rệt. Chẳng hạn, theo Công ty Bảo Châu (số 451, QL14, phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài) - mô hình Điểm bán hàng Việt Nam đầu tiên tại Bình Phước, trước đây, doanh thu đạt khoảng 7 - 8 triệu đồng/ngày thì nay đã tăng lên 9 - 10 triệu đồng.
Thời gian tới, Bộ Công Thương đã có kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam tại các địa phương, trong đó chú trọng thiết lập từ kinh phí xã hội hóa. Dự kiến đến cuối năm 2016, các Điểm bán hàng Việt Nam sẽ có mặt tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Ninh Bình, Yên Bái, Cao Bằng, Bình Định, Quảng Ngãi, Hậu Giang... nâng tổng số các địa phương thiết lập Điểm bán hàng Việt Nam lên con số 39.
Xin cảm ơn bà!