Xăng dầu giảm giá, cước vận tải vẫn “chây ì”

Sau đợt giảm giá xăng dầu mới nhất kể từ chiều 21/6, giá xăng dầu đã giảm sâu so với tháng 3/2012. Đề cập tới việc giảm giá cước, đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội vẫn lý giải: Các hãng vẫn đang tính toán giảm cước nhưng còn nghe ngóng; không thể “bắt nhịp” ngay sau mỗi lần điều chỉnh giá xăng, dầu vì chi phí cho mỗi lần điều chỉnh cước của các hãng thường rất lớn!

 

Các hãng xe đưa ra nhiều lý do để chưa giảm giá vận tải.Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

 

Trong khi đó, ngành vận tải lý giải: Cước vận tải hành khách trong vài tháng qua nhìn chung chưa tăng nên hiện vẫn chưa có cơ hội giảm. “Tuy nhiên, những đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa từng tăng giá cước thì đợt này phải giảm sâu cho khách hàng”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhấn mạnh.

 

Viện cớ để hoãn giảm giá


Chị Việt Hà ở phố Yên Lạc (Hà Nội) tỏ ra phấn khởi sau khi đi chuyến taxi của hãng Mai Linh vào sáng 22/6 - ngày đầu tiên mà hãng áp dụng mức giá cước mới là giảm 300 đồng/km so với trước. Tuy nhiên giới kinh doanh một số hãng taxi lại cho rằng: Động thái giảm giá taxi của Mai Linh đã có từ trước, nhất là đợt giảm giá xăng dầu lần thứ 3 áp dụng vào ngày 7/6. Trước đó, đại diện dãng taxi Mai Linh đã thông báo sẽ giảm giá cước trên toàn hệ thống từ 200 - 1.000 đồng/km. Hơn nữa, cước taxi Mai Linh lâu nay vẫn thuộc diện cao nhất Hà Nội.


Theo hãng taxi Hương Lúa (Hà Nội), giá cước taxi hiện nay của hãng là 10.000 - 10.200 đồng/km áp dụng đối với 20 km đầu tiên và 9.000 - 9.200 đồng/km tính từ km thứ 21, thấp hơn so với một số hãng khác từ 300 - 500 đồng/km. Chính vì lẽ đó mà việc điều chỉnh giá xăng dầu chiều 21/6 “chưa đủ” làm cho hãng này giảm cước mặc dù từ đợt giảm giá xăng dầu ngày 7/6, lãnh đạo công ty đã giao cho bộ phận kế toán tính toán lại các chi phí, giá thành để hạ thêm giá cước...


Dường như những động thái trên của các doanh nghiệp vẫn khiến cho sự hoài nghi về việc “giá cước tăng nhanh, giảm thì chậm chạp” có cơ sở tồn tại. Thực tế cho thấy, mỗi lần xăng, dầu tăng giá là ngay lập tức các doanh nghiệp “than nghèo, kể khổ” để lý giải cho việc phải tăng giá cước vận chuyển nhằm bù đắp chi phí. Ví dụ, đợt tăng giá xăng 2.100 đồng/lít ngày 7/3/2012 các doanh nghiệp taxi đã đồng loạt tăng giá cước từ 500 đồng đến 1.500 đồng/km. Cụ thể: Hãng taxi Vinasun đã tăng giá cước từ 15.500 đồng lên 16.500 đồng/km (xe 7 chỗ loại thường), từ 16.500 đồng lên 18.000 đồng/km (xe 7 chỗ loại 2 dàn lạnh).


Thế nhưng, sau 4 lần giảm giá xăng, dầu liên tiếp gần đây (tính từ ngày 9/5/2012) với mức giảm tổng cộng là 2.600 đồng/lít thì đến nay các doanh nghiệp taxi dường như vẫn “đủng đỉnh”.


Trao đổi với phóng viên Tin tức, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, ông Đỗ Quốc Bình giãi bày: Thực chất, các hãng taxi đều muốn giảm giá cước để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng; đồng thời cạnh tranh để thu hút khách. Tuy nhiên, các doanh nhiệp cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trước mỗi lần điều chỉnh giá cước vì chi phí điều chỉnh không hề nhỏ. “Mỗi lần điều chỉnh bảng giá cước, các hãng phải cho xe ngừng hoạt động để cài đặt, điều chỉnh lại đồng hồ, in lại bảng giá cước, xin phép cơ quan chức năng, thông báo cho khách hàng... với chi phí vài trăm nghìn đồng/xe. Nếu các hãng có lượng xe lớn thì tổng chi phí phải đội lên hàng trăm triệu đồng. Do vậy, mỗi lần tăng, giảm giá xăng dầu ít và điều chỉnh liên tục sẽ khiến các hãng đều phải tổng hợp và tính toán lại để chọn thời điểm và áp dụng giá cước sao cho ổn định”, ông Bình nói.

 

Cước vận tải hành khách chưa tăng nên chưa giảm


Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Tin tức, riêng với loại hình hoạt động xe khách, sau các đợt giảm giá xăng dầu kỳ trước có rất ít doanh nghiệp giảm giá (ngoại trừ Kumho Samco giảm giá 5.000 đồng/vé, từ 170.000 đồng xuống còn 165.000 đồng trên tuyến TP.HCM đi Rạch Giá, Kiên Lương (Kiên Giang). Tuy nhiên, với đợt giảm giá ngày 21/6 chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp vận tải xe khách thực hiện điều chỉnh giá. Một số hãng xe khách chất lượng cao như Phương Trang, Thành Bưởi, Rạng Đông... từ đầu năm đến nay vẫn chưa tăng giá cước xe khách nên việc không giảm giá là điều dễ hiễu, tuy nhiên các doanh nghiệp này cho biết sẽ chú trọng hơn vào việc nâng cao chất lượng phục vụ.


Mặc dù vậy, đối với những xe khách liên tỉnh bắt khách dọc đường, thì chuyện giảm giá là điều rất khó thực hiện. Họ viện đủ lý do để buộc hành khách phải đưa thêm tiền và người chịu thiệt cuối cùng vẫn là hành khách.


Đối với loại hình vận tải hàng hóa, thì việc tăng giá cước phụ thuộc vào hợp đồng vận chuyển giữa chủ hàng và chủ xe, họ có những thỏa thuận riêng trong trường hợp giá xăng dầu tăng bao nhiêu phần trăm thì sẽ thương lượng điều chỉnh giá cước vận tải. Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết: Về nguyên tắc, doanh nghiệp phải kê khai với Sở Tài chính nhưng thực tế thì Nhà nước không kiểm soát về giá cước vận tải. Tuy nhiên việc tăng giá và giảm giá “nhỏ giọt” và liên tục như hiện nay khiến cho các doanh nghiệp vận tải “lúng túng” và rất khó khăn trong việc thương thảo giá cước với chủ hàng.


M.Phương - S.Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN