Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, phát biểu tại lễ ký, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Quốc Doanh khẳng định việc ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên tiếp tục khẳng định mối quan hệ đối tác bền chặt, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước cũng như định hướng cho các hoạt động hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học.
Theo ông Lê Quốc Doanh, Việt Nam là một trong những thị trường thức ăn chăn nuôi phát triển nhanh nhất trên thế giới và là một nước nhập khẩu lớn ngô và các loại ngũ cốc. Trong vòng chưa đầy một thập kỷ, Việt Nam đã phát triển từ vị trí thứ 16 trên thế giới lên thứ 3 về nhập khẩu ngô trên thế giới. Việt Nam cũng là một khách hàng tiềm năng của nhiên liệu ethanol, dự kiến sẽ thực hiện tỷ lệ phối trộn xăng E5 trên toàn quốc được sử dụng rộng rãi và chuyển sang E10 trong tương lại gần.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Bộ NN&PTNN, Mỹ và Việt Nam có nhiều tiềm năng hợp tác cũng như nhiều dư địa để trao đổi thương mại với nhau, đặc biệt trong các mặt hàng nông nghiệp. Các mặt hàng nông sản giữa hai nước có tính bổ trợ lẫn nhau chứ không có tính cạnh tranh và thay thế lẫn nhau. Mỹ có thể cung cấp cho Việt Nam nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, lúa mì, ngược lại Việt Nam lại có các sản phẩm như gỗ và thủy sản. Hai bên có thể thúc đẩy hợp tác về khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ giữa các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp và hiệp hội Mỹ và Việt Nam hay hợp tác trong ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững và ít phát thải.
Trong thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam hướng tới cán cân thương mại hài hòa giữa Việt Nam và Mỹ, Bộ NN&PTNN đã triển khai một loạt nhiệm vụ theo thỏa thuận Thương mại và Đầu tư song phương (TIFA) giữa Mỹ và Việt Nam, như mở cửa thị trường cho cam, táo, lê, bưởi của Mỹ, sẵn sàng phối hợp với Mỹ về các sản phẩm sinh học cũng như thảo luận khả năng miễn giảm thuế nhập khẩu cho các sản phẩm nông sản của Mỹ. Việt Nam cũng chủ động đưa các đoàn doanh nghiệp sang Mỹ và kết nối với các đối tác để mua các mặt hàng nông sản của Mỹ, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi.
Về phần mình, Chủ tịch của USGC Ryan LeGrand cho rằng Mỹ và Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững với nhiều giải pháp cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo ông LeGrand, mặt hàng giúp cân bằng thương mại giữa hai nước là nhiên liệu ethanol bởi Việt Nam là một khách hàng tiềm năng. Ông LeGrand cho biết trong cuộc tiếp kiến Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại New York, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét giảm thuế một số mặt hàng từ Mỹ như ngô, lúa mì và thịt lợn.
Theo Biên bản ghi nhớ, Bộ NN &PTNN Việt Nam và USGC sẽ thiết lập mối quan hệ hợp tác (kỹ thuật) trong lĩnh vực nông nghiệp thức ăn chăn nuôi, sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học ở Việt Nam cũng như tăng cường hiểu biết lẫn nhau về các chính sách và quy định liên quan phù hợp với luật pháp, quy định, chính sách và mục tiêu phát triển của Việt Nam.
USCG sẽ giúp nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý, doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam, doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và làm việc trong lĩnh vực này để tiếp cận công nghệ mới, thương mại kiểu mới và kỹ năng mới để tổ chức quản lý sản xuất. USCG sẽ hỗ trợ các thiết bị y tế như bộ test COVID-19 và thuốc chữa trị COVID-19 dành cho các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam.
Hội đồng Ngũ cốc (USCG) là một tổ chức ngành hàng, như các tổ chức tương tự của Mỹ, có tiếng nói trong hệ thống chính trị; đại diện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và người tiêu dùng ngũ cốc, các sản phẩm chế biến và tinh chế từ ngũ cốc. Hiện nay, USCG có 28 chi nhánh trên thế giới, trong đó chi nhánh khu vực Đông Nam Á được đặt tại Việt Nam. Điều này cho thấy USCG đặt thị trường ngũ cốc Việt Nam vào trọng tâm của chiến lược phát triển thị trường Đông Nam Á.