Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) hiện đã trở thành mục tiêu xuyên suốt trong các chiến lược, chính sách quốc gia, trong các ngành và lĩnh vực. Đặc biệt, yếu tố “No one left behing - không ai bị bỏ lại phía sau” luôn được nhấn mạnh trong các chính sách của Việt Nam.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về giảm nghèo bền vững, bao phủ các dịch vụ y tế thiết yếu, phổ cập giáo dục, tiếp cận nước sạch và hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo ổn định tỷ lệ che phu rừng. Ngoài ra, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng tiêu thụ cuối cùng tăng nhanh trong thời gian qua.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, thông qua việc tham gia rà soát quốc gia tự nguyện năm 2023, Việt Nam mong muốn chia sẻ thành tựu, bước tiến đã đạt được trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt sau 5 năm Việt Nam thực hiện báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện lần thứ nhất. Đồng thời, chia sẻ khó khăn, thách thức, bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và đưa ra những định hướng, các hoạt động trọng tâm trong nửa chặng đường còn lại.
"Các bộ, ngành địa phương, cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế cùng đồng hành, tham gia đóng góp xây dựng rà soát quốc gia tự nguyện để rà soát quốc gia tự nguyện có thể thể hiện đầy đủ nhất tiếng nói cũng như vai trò của tất cả các bên liên quan. Điều này nhằm hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững", Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc mong muốn.
Đại diện Cơ quan hợp tác phát triển Đức, ông Dennis Quennet, Giám đốc Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh thuộc Cơ quan hợp tác quốc tế Đức-GIZ và Bà Pauline Fatima Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định sẽ cùng đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng rà soát quốc gia tự nguyện năm 2023.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng được nghe các bài trình bày về dự thảo Đề cương rà soát quốc gia tự nguyện năm 2023 của Việt Nam; vai trò và cơ chế phối hợp của các bên liên quan trong quá trình xây dựng rà soát quốc gia tự nguyện; kinh nghiệm, thực tiễn quốc tế về quá trình xây dựng rà soát quốc gia tự nguyện của Đức và dự kiến khung thời gian xây dựng rà soát quốc gia tự nguyện 2023 của Việt Nam.
Đại diện các bộ, ngành, cơ quan trong nước và quốc tế tham dự hội thảo khẳng định, sẽ cùng đồng hành với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xây dựng rà soát quốc gia tự nguyện; đánh giá cao nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tạo cơ hội để tất cả các bên liên quan có thể đóng góp và thể hiện tiếng nói trong rà soát quốc gia tự nguyện.
Các đại biểu cho rằng, rà soát quốc gia tự nguyện 2023 của Việt Nam là một căn cứ quan trọng để các bên định hướng phương thức hành động, tăng tốc và hướng tới hoàn thành việc thực hiện các mục tiêu SDGs vào năm 2030.
Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), còn được gọi là mục tiêu toàn cầu, là mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hiệp quốc.
Báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam được trình bày lần đầu tiên tại Diễn đàn chính trị cấp cao vì sự phát triển bền vững (HLPF) 2018 tổ chức tại New York và sắp tới sẽ được trình bày lần thứ hai vào năm 2023.