Vì sao nông dân ĐBSCL bỏ ruộng?

Nông dân, đặc biệt là thanh niên nông thôn hiện nay không còn mặn mà với ruộng đồng. Thực trạng này đang diễn ra nhiều nơi tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Bài 1: Lao động trẻ ly nông

 

Trên những cánh đồng bát ngát ở vựa lúa lớn nhất nước - ĐBSCL, hầu như chỉ còn những lão nông đang quần quật “một nắng hai sương” trên đồng, lao động trẻ gần như vắng bóng.

 

Những lão nông trên đồng ruộng


Những ngày cuối tháng 8, hai cánh đồng rộng lớn ngay trước cổng chào của xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang lúa đã trĩu hạt, ngả màu vàng rực chờ ngày thu hoạch. Thế nhưng chỉ đi vào sâu trong xã độ chừng 1 km, thửa ruộng 2 công của gia đình ông Ba Cu ngụ tại ấp Tân Bình, xã Long Bình Điền cỏ dại mọc cao vút. Bà Bùi Thị Nhi, sinh sống gần đó cho biết: “Không hiểu sao mà vụ lúa vừa rồi không thấy ông Ba Cu ra làm. Nghe đâu ông lão định bán luôn hơn công ruộng này”.


Vợ chồng ông Ba Cu có 8 người con nhưng không ai muốn gắn bó với nghề nông.


Theo sự chỉ dẫn của bà Nhi, chúng tôi tới nhà ông Ba Cu, căn nhà trống trải được bao quanh bởi 3 công đất trồng dừa xiêm, chỉ có hai vợ chồng ông đang lui cui quét dọn sau nhà. Ông Ba Cu, năm nay đã 73 tuổi, với giọng mệt mỏi ông nói: “Vụ vừa rồi, tôi phải bỏ đồng ruộng vì đau ốm triền miên. Vì tuổi cao sức yếu rồi, không làm nổi nghề nông nữa nên tôi đang có ý định bán hơn công ruộng cuối cùng này”.


Được biết, hai vợ chồng ông Ba Cu có 8 người con. Hiện có 6 người đang làm công nhân, chạy xe ôm trên Sài Gòn và ở tỉnh khác. Chỉ còn 2 người con út và kế út đang làm công nhân ở xí nghiệp đóng trên địa bàn xã Bình Đức, huyện Chợ Gạo và thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. “Hai tháng nay, thương lái không vào mua dừa xiêm nữa. Còn mấy tháng trước, dừa xiêm có giá 25.000 đồng/chục (12 trái). Với 120 cây dừa, mỗi tháng vợ chồng tôi cũng thu được khoảng 3 triệu đồng. Trồng dừa đỡ vất vả, tốn kém hơn trồng lúa mà lại cho thu nhập cao hơn. Trồng lúa vất vả mà có năm cứ đến khi thu hoạch thì rớt giá, lợi nhuận từ trồng lúa chẳng đáng bao nhiêu”, ông Ba Cu kể với giọng buồn.


Theo ông Đào Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Long Bình Điền, hiện toàn xã có diện tích trồng lúa hơn 582 ha, hoa màu (bắp, ớt) hơn 27 ha, dừa gần 186 ha. Toàn xã có đến 85% hộ dân làm nông nghiệp nhưng đa phần bà con đang đối mặt với tình trạng trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái gặp nhiều khó khăn đầu ra do thương lái o ép giá thu mua. Bên cạnh đó, tuy là xã gần như thuần nông, nhưng lực lượng lao động trẻ của xã hầu hết đi vào các xí nghiệp, chỉ những người từ 40 tuổi trở lên mới bám vào đồng ruộng.


Không chỉ gia đình ông Ba Cu, khi chúng tôi đến bất cứ hộ nông dân nào sinh sống tại xã Long Bình Điền, đều chỉ thấy còn ông già, bà lão ở nhà, còn những thanh niên trai tráng đều đi làm xa. Bà Huỳnh Thị Kim Hoàn, 51 tuổi buồn nói: “Ở quê giờ vắng vẻ lắm, thanh niên bỏ đi gần hết lên thành phố làm ăn. Chỉ có người lớn tuổi ở nhà thôi. Tôi chỉ mong đến Tết, con cháu về quê thì cả xã này mới rộn ràng được vài ngày”.


Thiếu hụt lao động trẻ


Trong chuyến đi về các tỉnh ĐBSCL, chúng tôi nhận thấy tại nhiều tỉnh như: Đồng Tháp, Long An, An Giang… tình trạng lao động nông thôn trẻ rời bỏ ruộng vườn để làm nghề khác là hiện tượng phổ biến. Trên cánh đồng lúa tọa lạc tại thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, ông Trần Văn Nhớ, dù bước qua tuổi 63 nhưng đôi bàn tay đen sạm vẫn linh hoạt điều khiển cây ba chỉa để tạo thành đường dẫn nước cho thửa ruộng hơn 13 công tầm lớn của mình. “Anh nhìn thử trên ruộng xem coi có cậu thanh niên mười tám đôi mươi nào không? Chỉ có thằng con rể của tôi là trẻ nhất”, ông Nhớ cho hay.


Anh Nguyễn Văn Thuần, 34 tuổi nói: “Lên Sài Gòn kiếm tiền nhiều gấp 7, 8 lần làm ruộng kiểu này”.


Được biết, gia đình ông Trần Văn Nhớ có 3 người con nhưng chẳng có ai muốn theo nghề trồng lúa, duy chỉ có anh Nguyễn Văn Thuần, 34 tuổi là con rể của ông Nhớ theo cái nghiệp của ông bà. Hồi trước anh Thuần lên TP Hồ Chí Minh đi làm thuê được một thời gian. Nhưng gia đình gọi về vì vợ mới sinh con và anh cũng muốn phụ giúp bố mẹ vợ lo việc đồng áng vì ông bà giờ cũng đã già. “Thanh niên giờ chẳng có ai muốn bám với nghề nông này nữa đâu, làm không đủ ăn thì làm gì. Vụ vừa rồi, làm được khoảng 10 tấn lúa hạt dài OM4218. Thương lái vào mua lúa tươi với giá chỉ 4.000 đồng/kg, chỉ lời được gần 677.000 đồng/công. Trừ 2 người đang làm trên thành phố, cả gia đình tôi còn 6 nhân khẩu trông chờ vào 13 công ruộng. Trừ hết chi phí thì mỗi người kiếm được khoảng 500.000 đồng/tháng. Do gia đình không ai lo nên tôi không dám bỏ đi, chứ lên TP Hồ Chí Minh kiếm tiền nhiều gấp 7, 8 lần làm ruộng kiểu này”, anh Thuần tâm sự.


GS.TS Bùi Chí Bửu, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam nhìn nhận: “Tôi đã từng lăn lộn dưới nông thôn nhiều năm, thấy lớp trẻ bỏ đi ngày càng nhiều. Lao động nông nghiệp rất nặng nhọc, dù có cơ giới hóa cỡ nào cũng là lao động nặng. Đơn cử, số ngày công lao động của lúa cần 60 lao động/ha/năm. Như vậy người lao động già sao làm được? Tôi lo ngại khi GDP ngày càng tăng thì tình trạng thiếu hụt lao động nông thôn sẽ ngày càng tăng cao”.



Bài và ảnh: Anh Đức

 

Bài 2: Lên thành phố mưu sinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN