Kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, giới đầu tư có xu hướng tìm đến đồng USD như một khoản đầu tư an toàn một khi có bất ổn. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc, cuộc khủng hoảng xung quanh vấn đề Ukraine cộng thêm với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố cắt giảm đáng kể chương trình bơm tín dụng, hay còn được biết đến là gói nới lỏng định lượng (QE), đúng ra đồng USD sẽ phải tăng giá thì mới hợp quy luật.
Tuy nhiên, mọi việc dường như đang diễn ra theo hướng ngược lại, đồng USD giảm giá kể từ tháng 7/2013. Nếu so với các đồng tiền mạnh như đồng euro, đồng franc Thụy Sĩ, đồng bảng Anh, đồng USD thậm chí còn bị lao dốc. Vấn đề đặt ra là vì sao đồng USD lại xuống giá như vậy?
Nguyên nhân
Nguyên nhân trước hết nằm ở việc FED đã in một lượng lớn tiền để bơm vào nền kinh tế trong những năm sau khủng hoảng. Kể từ tháng 11/2008, FED đã tiến hành ba đợt QE, in khoảng 3.000 tỷ USD, với mong muốn tăng khả năng cho vay, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Nhưng thực tế thì các ngân hàng lại đang ngồi trên một đống tiền mặt mà vẫn không dám mạnh tay cho vay, ít việc làm được tạo ra và tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao. Những gì QE làm được là gây "lũ" các thị trường toàn cầu với hàng nghìn tỷ USD, làm xói mòn niềm tin của quốc tế vào nền kinh tế Mỹ và "đồng bạc xanh".
Đúng ra đồng USD sẽ phải tăng giá thì mới hợp quy luật. |
Vấn đề còn nằm ở tình hình tài chính của nước Mỹ. Trong tài khóa 2013, thâm hụt ngân sách của nước này là 680 tỷ USD. Phòng dịch vụ tài chính thuộc Bộ Tài chính Mỹ thông báo thâm hụt ngân sách trong tháng 2/2014 là 194 tỷ USD, khi thu 144 tỷ USD còn chi 338 tỷ USD, tức là đã chi hơn 134% số tiền thu được. Kể từ đầu tài khóa 2014 (bắt đầu từ tháng 10/2013) đến nay, chính phủ Mỹ bị thâm hụt ngân sách 380 tỷ USD, khi thu 1.100 tỷ USD và chi 1.480 tỷ USD, tức là đã chi nhiều hơn thu 34%. Ước tính, nợ quốc gia sẽ lên tới 20.000 tỷ USD vào cuối thập niên này, tương đương 140% GDP hiện nay. Nợ quốc gia của Mỹ đã tăng vọt kể từ cuộc khủng hoảng 2008, ở mức trên 17.000 tỷ USD hiện nay.
Nếu so với các đồng tiền mạnh như đồng euro, đồng franc Thụy Sĩ, đồng bảng Anh, đồng USD thậm chí còn bị lao dốc. Vấn đề đặt ra là vì sao đồng USD lại xuống giá như vậy? |
Nợ quốc gia cao cũng đã khiến chi phí thanh toán lãi suất cao hơn. Tính đến thời điểm này, chính phủ Mỹ đã phải trả riêng cho việc thanh toán lãi là 166 tỷ USD. Trong cả tài khóa 2014, Mỹ sẽ phải trả khoảng 420 tỷ USD tiền lãi. Trong khi đó, lãi suất lại đang tăng lên. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng từ 1,4% vào giữa năm 2012 lên 2,7% hiện nay. Như vậy, số nợ của chính phủ Mỹ tăng theo thời gian cùng với việc tiền trả lãi suất cũng tăng.
Một nguyên nhân khác là việc các ngân hàng trung ương trên thế giới đã dần bán đồng USD trong dự trữ ngoại tệ của họ, khiến tỷ lệ đồng bạc xanh đã giảm từ hơn 70% trong năm 2000 xuống chỉ còn trên 60% như hiện nay.
Cơ hội và rủi ro
Việc đồng USD xuống giá mang đến cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Một đồng USD yếu sẽ đẩy lãi suất lên cao, đẩy thị trường chứng khoán xuống và giá vàng tăng lên. Tuy nhiên, đồng USD giảm giá trong thời gian ngắn hạn sẽ hạn chế tình trạng nhập siêu, khuyến khích người tiêu dùng Mỹ từ bỏ thói quen dùng đồ nhập khẩu để quay về với các sản phẩm sản xuất trong nước.
Trong khi đó, khi đồng USD giảm giá, người tiêu dùng tại các quốc gia thuộc Khu vực sử dụng đồng euro được hưởng lợi vì các sản phẩm nhập khẩu trở nên rẻ hơn. Một số công ty châu Âu sử dụng các nguyên liệu nhập khẩu trên cơ sở đồng USD cũng được hưởng lợi do giá nguyên liệu đầu vào thấp hơn trước.
Tuy nhiên, các công ty xuất khẩu của châu Âu lại gặp rất nhiều khó khăn vì giá các sản phẩm bán sang Mỹ và thị trường dùng đồng USD của châu Âu trở nên rất đắt so với trước khi đồng USD mất giá. Điều này là đáng kể vì Mỹ là thị trường thương mại lớn nhất của Liên minh châu Âu. Việc đồng USD mất giá cũng còn tác động tiêu cực đến tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, và các nền kinh tế xuất khẩu khác ở châu Á.
Dù vậy, vị thế của đồng USD không hề bị suy giảm. Theo các chuyên gia của Economywatch, các số liệu chính thức cho thấy, trong năm 2013, 85% các vụ giao dịch tiền tệ trên toàn thế giới là bằng đồng USD và hơn 60% dự trữ toàn cầu cũng là đồng tiền này. Nếu FED giảm dần QE với tốc độ hợp lý để duy trì giá trị và đảm bảo vị thế của đồng USD như một đồng tiền dự trữ, rất có thể xu hướng mất giá của đồng tiền này chỉ là tạm thời và sẽ sớm kết thúc.
Tố Uyên(P/v TTXVN tại Geneva)