Về nghi vấn Asanzo gian lận xuất xứ, lãnh đạo ngành hải quan nói gì?

Trước băn khoăn của báo giới về tiến độ xác minh thông tin Công ty cổ phần điện tử Asanzo có nhập khẩu các sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn Việt? Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), ông Âu Anh Tuấn nói: “Hải quan đã thành lập đoàn kiểm tra sau thông quan đối với Asanzo, doanh nghiệp nhập các linh kiện về bán lại cho Asanzo. Sau khi có kết quả sẽ báo cáo Bộ Tài chính".

Chú thích ảnh
Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan - ông Âu Anh Tuấn. Ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức.

Trước đó, ông Nguyễn Phi Hùng – Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho hay: Tổng cục Hải quan đang phối hợp với các cơ quan chức năng để triển khai các hoạt động kiểm tra, đánh giá xác minh các vụ việc của Asanzo. Tổng cục Hải quan đã giao cho Cục Kiểm tra sau thông quan là đơn vị chủ trì tiến hành kiểm tra sau thông quan đối với những vấn đề liên quan đến hoạt động của Asanzo và các hàng hóa liên quan. 

Cục Điều tra chống buôn lậu cũng đang tiến hàng xác minh thông tin về giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, phục vụ việc kết luận liên quan đến Asanzo.   

“Hiện có nhiều ý kiến đối với vụ Asanzo là cần làm rõ nhiều hình thức của doanh nghiệp này. Tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP có quy định ghi nhãn mác "Made in Vietnam". Tuy nhiên, chỉ quy định ghi tiêu chí xuất xứ C/O để xác định nhãn mác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chưa có đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường nội địa, như trường hợp một số sản phẩm của Asanzo”, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Âu Anh Tuấn nói.

Thể hiện quyết tâm của cơ quan hải quan trong việc đấu tranh chống gian lận xuất xứ, ông Nguyễn Phi Hùng cho biết: Chiều ngày 19/7, Vụ 3, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã đồng ý với đề xuất của cơ quan hải quan để khởi tố Công ty TNHH XNK Trần Vượng hành vi buôn lậu, gian lận C/O. Vụ việc được cơ quan hải quan phát hiện và tiến hành điều tra hành vi vi phạm của Công ty TNHH XNK Trần Vượng từ năm 2018 đến nay.

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, trong tờ khai hải quan của lô hàng bắt giữ có khai báo là loa kết hợp với máy ghi và tái tạo âm thanh, hàng mới 100%, có xuất xứ Trung Quốc, trị giá hàng hóa ghi trên theo khai là 10.217 USD. Tuy nhiên khi hải quan kiểm tra hàng hóa thì phát hiện có 600 loa thùng kéo và 1.200 micro. Trên thùng carton có ghi tiếng Việt, nội dung: Loa NANOMAX-Made in Việt Nam. Công ty đã khai báo sai về tên hàng, công suất, số lượng, nhãn hiệu và xuất xứ hàng hóa.

Được biết, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Trần Vượng được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 12/2/2018 theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: 0314889608 do ông Trần Thanh Tùng làm Giám đốc và đại diện pháp luật.

Kể từ khi thành lập, đi vào hoạt động đến 7/2018, Công ty Trần Vượng đã mở 8 tờ khai nhập khẩu các mặt hàng như loa thùng kéo, linh kiện điện tử từ Trung Quốc. Trong đó có 4 tờ khai đều khai báo cùng một tên hàng là loa thùng và có cùng đối tác xuất khẩu là GUANGZHOU SANSKRIT TRADING COMPANY LIMITED; địa chỉ: ROOM 404, #110 XIWAN ROAD, LIWANDISTRICT - GUANGZHOU – CHINA.

Ông Nguyễn Phi Hùng cho hay: Thực tế các chế tài đối với các hành vi gian lận C/O còn nhẹ, thiên về xử lý hành chính, thiếu sức răn đe. Cơ quan hải quan sẽ có đề nghị tăng nặng, xử lý hình sự đối với các tổ chức, doanh nghiệp cố tình vi phạm.

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Từ vụ việc Công ty Asanzo: Cần có quy định cụ thể về 'hàng Việt Nam' hay 'made in Việt Nam'
Từ vụ việc Công ty Asanzo: Cần có quy định cụ thể về 'hàng Việt Nam' hay 'made in Việt Nam'

Tình trạng gian lận xuất xứ, nhãn mác không chỉ vì mục đích giảm giá thành, tăng lợi nhuận; mà với một số doanh nghiệp còn nhằm hưởng ưu đãi về thuế khi xuất khẩu đi nước ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN