Vừa qua, Công ty cổ phần công nghệ James Boat đã có công văn gửi UBND tỉnh Bình Định về việc xin triển khai đóng tàu đánh bắt cá xa bờ bằng vật liệu mới PPC (Copolymer Polypropylene Polystone) ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay Công ty cổ phần công nghệ James Boat đã tiếp nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo ca nô, tàu thuyền và các công trình nổi bằng vật liệu mới PPC ứng dụng công nghệ cao từ châu Âu về Việt Nam. Theo ông Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần công nghệ James Boat thì PPC là một phát minh mới của các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật của hai quốc gia CH Séc và CHLB Đức dùng để chế tạo ca nô, tàu thuyền và các công trình nổi ứng dụng công nghệ cao (công nghệ hàn nhiệt).
Tàu tuần tra cao tốc MS-50 của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam do Công ty cổ phần công nghệ James Boat đóng bằng vật liệu mới PPC. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN |
Vật liệu PPC có ưu điểm nổi bật như: Khối lượng riêng nhỏ hơn nước (0,92kg/dm3). Tàu thuyền không thể bị lật hoặc chìm, độ ổn định cao do thân và đáy tàu được thiết kế bởi hai lớp nên rất an toàn cho người và hàng hóa. Tổng trọng lượng thân tàu nhẹ nên giảm công suất động cơ. Độ bền cao, dai nên chịu va đập và chống xuyên thủng tốt, hệ số ma sát nhỏ, giảm sức cản thủy lực, ít tạo sóng, tiết kiệm nhiên liệu từ 20 - 40%. Không tốn kém chi phí bảo trì, bảo dưỡng do đặc tính vật liệu tổng hợp PPC chống thủy sinh và hà bám, rửa sạch bằng nước áp lực cao.
Cuối năm 2014, Công ty cổ phần công nghệ James Boat đã bàn giao xuồng cao tốc MS-50 cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Xuồng có chiều dài 13,66 mét, rộng 3,78 mét, có sức chứa 16 chỗ ngồi và đạt vận tốc tối đa từ 30 - 35 hải lý/giờ. |
Cách nhiệt, không hấp thụ nhiệt, cách âm, giảm tiếng ồn động cơ. Dễ sửa chữa, do có thiết bị hàn nhiệt cầm tay chuyên dụng. Màu sắc được pha sẵn trong vật liệu, không cần sơn, không phai, kháng a-xít và dầu mỡ. Tuổi thọ và sự ổn định màu sắc cao (trên 30 năm tùy theo môi trường). Tái chế 100% sau quá trình sử dụng, không gây ô nhiễm môi trường. Tàu thuyền có tuyến hình và kiểu dáng đẹp do được thiết kế bởi các kỹ sư Việt Nam cùng hợp tác với các chuyên gia hàng đầu châu Âu. Một ưu điểm nữa là chế tạo tàu thuyền bằng chất liệu PPC ứng dụng công nghệ cao chi phí thấp hơn so với đóng tàu vỏ thép, Composite… thời gian thi công ngắn hơn tàu thuyền chế tạo bằng các vật liệu khác.
Vật liệu PPC đã được ứng dụng chế tạo tàu thuyền và các công trình nổi ở các nước châu Âu. Hiện nay James Boat đang chế tạo một số sản phẩm phục vụ an ninh quốc phòng và dân sinh như: Tàu tuần tra cao tốc của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, tàu khách của Tập đoàn VinGroup, bến cập ca nô tàu thuyền cho Cục Cảnh sát đường thủy, bến cập thủy phi cơ Tuần Châu - Hạ Long, bến du thuyền Cầu Mống (TP Hồ Chí Minh)… Đặc biệt James Boat đã nhận được độc quyền từ cơ quan đăng kiểm CS Lloyd trong việc chứng nhận năng lực thiết kế, chế tạo và đăng kiểm ca nô, tàu thuyền, du thuyền đạt tiêu chuẩn Liên minh châu Âu (EU) nên sản phẩm của James Boat được phép nhập khẩu vào EU và Mỹ.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ cho rằng: Với những ưu điểm có được, vật liệu PPC đã được cơ quan đăng kiểm nước ngoài công nhận bảo đảm các tiêu chuẩn có thể sử dụng đóng tàu, thuyền. Chính vì vậy, các cơ quan liên quan trong nước cần sớm ban hành tiêu chuẩn và tổ chức kiểm định các tàu, thuyền được đóng bằng loại vật liệu này. Bởi với đất nước có bờ biển kéo dài hơn 3.200 km, nhu cầu tàu thuyền và phương tiện thủy phục vụ cho khai thác kinh tế biển cũng như phục vụ cho an ninh quốc phòng là rất lớn.
Hiện, nhiều doanh nghiệp đóng tàu ở nước ta có mong muốn ứng dụng công nghệ này, nhưng vẫn vướng mắc tại khâu đăng kiểm. Mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cấp chứng nhận cho sản xuất thử nghiệm mẫu tàu chở khách du lịch, mẫu ca-nô thể thao giải trí và bến cập ca-nô, tàu, thuyền. Nhưng đây mới chỉ là thử nghiệm, doanh nghiệp vẫn còn lo lắng, chưa biết làm thế nào để sớm đưa được sản phẩm ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới vào thị trường.
PV