Tăng khá mạnh trong phiên đầu tuần 6/1, thị trường vàng sau đó đã đảo chiều đi xuống liên tiếp trong các phiên tiếp theo và chỉ phục hồi trở lại trong hai phiên cuối tuần 9 và 10/1.Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters |
Kinh tế Mỹ tiếp tục sáng lên đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng như một kênh đầu tư an toàn. Trong khi đó, việc Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust vẫn tiếp tục "xả hàng" khi tính đến hết ngày 8/1, lượng vàng dự trữ của quỹ này giảm thêm 1,50 tấn, xuống còn 793,12 tấn - mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua - việc cũng gây sức ép lên giá vàng.
Tuy nhiên, tính đến phiên 8/1, giá vàng vẫn tăng được gần 2% kể từ đầu năm 2014 do thị trường chứng khoán đi xuống và nhà đầu tư quay trở lại với vàng, sau khi kim loại quý này để mất tới 28% giá trị trong cả năm 2013 - năm mất giá mạnh nhất của kim loại quý này trong 32 năm qua.
Và phải sang đến phiên cuối tuần 10/1 thì thị trường vàng mới thực sự bật mạnh sau khi Bộ Lao Động Mỹ cùng ngày thông báo, lượng việc làm mới được tạo ra trong tháng 12/2013 của Mỹ chỉ là 74.000, thấp hơn nhiều so với con số 197.000 mà các nhà phân tích dự kiến. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tháng 12/2013 mặc dù đã giảm từ mức 7,0% của tháng 11 trước đó xuống còn 6,7%, song con số này được cho là chỉ phản ánh thực tế rằng đang ngày càng có nhiều người từ bỏ công việc hiện tại đi tìm việc làm mà thôi. Số liệu gây bất ngờ này đã khiến đồng USD sụt giảm ngay trong phiên.
Đồng tiền xanh xuống giá khiến vàng - mặt hàng được giao dịch bằng đồng tiền này - trở nên ít đắt đỏ hơn so với các nhà đầu tư đang giữ trong tay các tiền tệ khác, tác động tích cực lên giá vàng.
Đóng cửa phiên cuối tuần 10/1 tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng mạnh 1,5% lên 1.245,58 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn giao tháng 2/2014 cũng tăng 17,50 USD lên 1.246,90 USD/ounce. Tính chung cả tuần giá vàng tăng được gần 1%, nối dài đà tăng sang tuần thứ ba liên tiếp kể từ đầu năm tới nay, và cũng là đợt tăng kéo dài ngày nhất kể từ tháng 8/2013 tới nay.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, số liệu mới nhất không tích cực như mong đợi về thị trường việc làm Mỹ sẽ chỉ có tác dụng hỗ trợ giá vàng trong ngắn hạn, bởi nhìn tổng thể, nền kinh tế Mỹ vẫn đang trong xu thế phục hồi và tăng trưởng khá vững chắc và chương trình nới lỏng tiền tệ vẫn đang trong xu thế được cắt giảm dần.
Tất cả những yếu tố này sẽ gây sức ép lên giá vàng trong năm nay. Trong tháng trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thông báo giảm 10 tỷ USD trong chương trình mua trái phiếu trị giá 85 tỷ USD hàng tháng xuống còn 75 tỷ USD/tháng. Chuyên gia Bill O'Neill, thuộc công ty đầu tư LOGIC Advisors cho rằng vàng đang mất đi sức hấp dẫn trong con mắt của các nhà đầu tư và năm nay sẽ khó lấy lại đà tăng mạnh để vọt lên trên 1.900 USD/ounce như năm 2011.
Bank of America Merrill Lynch cũng đã hạ dự báo giá vàng trung bình năm 2014 xuống 1.150 USD/ounce, do môi trường kinh tế vĩ mô còn nhiều bất ổn và nhu cầu đầu tư yếu. Trong khi đó, Barclays cho rằng giá vàng sẽ ở mức trung bình 1.205 USD/ounce và kim loại quý này sẽ khó tìm được yếu tố hỗ trợ.
Trong năm 2013, các nhà đầu tư đã rút vốn đầu tư khỏi vàng để đổ vào chứng khoán. Trong số 42,9 tỷ USD chảy khỏi các quỹ ETF năm ngoái, vàng chiếm tới 40 tỷ USD.
Thùy Chi (Tổng hợp)