Ứng dụng khoa học vào chăn nuôi lợn ngoại khép kín an toàn sinh học

Nhằm xây dựng mô hình nuôi lợn ngoại an toàn và chuyển giao công nghệ giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, Trạm khuyến nông huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đang triển khai dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình chăn nuôi lợn ngoại khép kín an toàn tại huyện miền núi Cẩm Thủy, Thanh Hóa (2017-2019)”.

Là một huyện miền núi có nhiều trang trại, Cẩm Thủy có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế chăn nuôi, nhưng hầu hết các trang trại đều sử dụng thức ăn chăn nuôi 100% là công nghiệp. Mặc dù hiệu quả kinh tế cao nhưng không đảm bảo an toàn sinh học, môi trường dễ bị ô nhiễm do chưa có cách xử lý các chất thải trong chăn nuôi triệt để. Đặc biệt, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang còn bất cập, tình trạng lợn nhiễm chất cấm, tồn đọng kháng sinh, lợn kém chất lượng vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Từ thực tế đó, Trạm khuyến nông huyện Cẩm Thủy đã triển khai dự án trên tại xã Cẩm Tâm với mong muốn giúp các trang trại sản xuất các con giống chất lượng, phù hợp với điều kiện tự nhiên khu vực miền núi, cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, bởi chế phẩm vi sinh được đóng gói dễ vận chuyển, bảo quản được lâu, giá cả hợp lý, thuận lợi cho người chăn nuôi lợn.

Theo ông Bùi Kim Trọng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cẩm Thủy, Ban quản lý dự án đã chọn 4 ha đất nông nghiệp của người dân tại xã Cẩm Tâm để xây dựng trang trại chăn nuôi lợn rộng 800 m2. Sau đó, chia làm 2 khu bao gồm 1 khu chuồng lợn nái sinh sản rộng 110 m2 với 10 ô chuồng được xây và 1 khu nuôi lợn thương phẩm rộng 120 m2 với 12 ô chuồng.

Ban quản lý dự án đã dùng 10 con lợn mẹ để nhân giống, sản xuất ra lợn con, rồi lấy lợn con nuôi lớn nhằm sản xuất lợn thịt. Để có nguồn nhiên liệu làm thức ăn cho lợn, cán bộ dự án đã sử dụng 2 ha đất đồi làm nơi trồng đậu tương, ngô, sau đó sử dụng công nghệ men vi sinh NN1 chế biến nguyên liệu thành các chất dễ hấp thụ không qua nấu chín làm thức ăn cho lợn, tiết kiệm được 20% khối lượng thức ăn so với không sử dụng chế phẩm.

Để đảm bảo vệ sinh môi trường, Ban quản lý dự án đã lắp đặt hệ thống phun mưa, quạt thông gió chuồng và hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi bằng rảnh kín, xây dựng hầm phân Biogas hiện đại để xử lý làm phân bón cho các ruộng rau trong xã.

Hiện đã có 50 hộ trong vùng triển khai dự án nắm vững kĩ thuật, xây dựng được mô hình chăn nuôi và chủ động được phương pháp chế biến thức ăn chăn nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương. Anh Trần Thanh An, ở thôn Ao, xã Cẩm Tâm, cho biết gia đình anh được dự án chọn đất thực hiện mô hình chăn nuôi lợn ngoại khép kín an toàn sinh học với tổng diện tích 4 ha.

Anh thuê 4 nhân công để trồng 2 ha các loài cây làm thức ăn cho lợn, đến nay đã trồng được 1 lứa ngô, 1 lứa đậu tương. Anh đang phối hợp với cán bộ dự án, thực hiện công nghệ NN1 để ủ các loài cây trên lên men làm thức ăn cho lợn. Dự kiến, kết thúc dự án gia đình anh sẽ được thụ hưởng sản phẩm là những con lợn đảm bảo nguồn gốc và công nghệ xây dựng mô hình chăn nuôi lợn an toàn.

Theo Trạm khuyến nông huyện Cẩm Thủy, dự án đang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân thông qua việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên cân đối với lực lượng lao động tại chỗ. Đồng thời, dự án đảm bảo an toàn sinh học, thực phẩm, môi trường, hạn chế được rủi do trong chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Nguyễn Nam (TTXVN)
Thanh niên nông thôn liên kết chăn nuôi dê sạch
Thanh niên nông thôn liên kết chăn nuôi dê sạch

Tổ hợp tác liên kết nuôi dê sạch bán ở thị trường vùng Đông Nam bộ của các thanh niên vùng nông thôn ở Bình Phước đang giúp nhiều thanh niên có việc làm và nguồn thu nhập ổn định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN