UKVFTA đảm bảo giao thương Anh - Việt không bị gián đoạn thời hậu Brexit

Bản ghi nhớ kết thúc đàm phán Hiệp định Thương Mại Tự do Việt Nam- Vương quốc Anh (UKVFTA) chính thức được ký giữa Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Elizabeth Truss tại Hà Nội ngày 11/12, đánh dấu sự kiện lịch sử trong quan hệ thương mại giữa hai nước.

Dưới đây là những ghi nhận từ Vương Quốc Anh nhân sự kiện đặc biệt này:   

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và bà Liz Truss, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland ký kết biên bản. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Đại sứ Việt Nam tại Vương Quốc Anh Trần Ngọc An: "Việc hoàn tất UKVFTA cho thấy tầm quan trọng của thị trường và vị thế quốc tế của VN đối với Vương quốc Anh".   

Đại sứ Trần Ngọc An cho rằng Hiệp định Thương Mại Tự do Việt- Anh (dựa trên Hiệp định thương mại tự do VN và EU-EVFTA) là một thỏa thuận song phương thế hệ mới, chất lượng cao với việc đưa thuế suất về 0% và tháo bỏ hàng rào phi thuế quan đối với hầu hết hàng hóa của hai nước theo một lộ trình ngắn. Đồng thời, Hiệp định cũng có các điều khoản quan trọng đối với quyền sở hữu trí tuệ (IP), tự do hóa đầu tư và phát triển bền vững và cam kết thực hiện các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Công ước Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu. Việc hoàn tất UKVFTA, cho thấy tầm quan trọng của thị trường và vị thế quốc tế của Việt Nam đối với Vương quốc Anh.

Ý nghĩa quan trọng đầu tiên của FTA, như mong muốn của cả hai bên khi bắt đầu đàm phán là bảo đảm thương mại song phương không gián đoạn khi Anh rời EU. Việc triển khai trên thực tế UKVFTA từ 1/1/2021 ngay khi giai đoạn qúa độ Brexit kết thúc vào 31/12/2020, sẽ bảo đảm những thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa 2 nước được tạo ra theo hiệp định EVFTA được tiếp nối. Ý nghĩa quan trọng thứ hai là UKVFTA sẽ góp phần gia tăng đáng kể hàng hóa hai nước vào thị trường của nhau, tạo thêm sự gắn kết và đan xen về kinh tế giữa hai đối tác chiến lược.

Với tốc độ tăng trưởng GDP cao hàng đầu khu vực và thế giới trong suốt ba thập kỷ qua, đặc biệt là kỳ tích sớm kiềm chế thành công COVID-19, duy trì đà tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm và là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Anh. Đại sứ An nhận định với UKVFTA, bên cạnh sự gia tăng hàng hóa, dịch vụ từ Anh có thể dự báo làn song mới về đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ Anh, nhất là trong những lĩnh vực Anh có thế mạnh như năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường sẽ diễn ra.

Mới đây, chỉ riêng một doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Anh đã bày tỏ mong muốn được đầu tư hàng chục tỷ đô là vào lĩnh vực sản xuất điện gió, chế tạo tuốc bin và xây mạng lưới truyền tải điện. Điều này cho thấy tiềm năng lớn của các nhà đầu tư từ Anh quốc (Anh luôn đứng thứ trong nhóm 5 nước hàng đầu trên thế giới về đầu tư ra bên ngoài). Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư lớn tại Anh. Với Anh những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều sẽ là, dược phẩm, máy móc, thiết bị, hóa chất, ô tô; ngân hàng, bảo hiểm...

Trong khi đó ngay khi UKVFTA được thực thi, một khối lượng gạo khá lớn của VN sẽ được hưởng thuế suất 0% khi nhập vào Anh (trước đây phải chịu thuế 17,5%). Nhiều mặt hàng thủy sản như tôm, cá là thế mạnh của Việt Nam cũng sẽ được hưởng thuế %. Trong khi đó khoảng một nửa nhập khẩu dược phẩm từ Anh sẽ được miễn thuế ngay lập tức. Doanh nghiệp Anh có thể mở công ty và bán dược phẩm tại Việt Nam. Việc mở của thị trường mua sắm chính phủ của Việt Nam sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Anh.   

Ông Paul Smith, Phó Chủ tịch Việt Nam-UK Network tại Anh, một người có hơn 20 năm kinh nghiệm kinh doanh tại Việt Nam: "UKVFTA sẽ mở cửa, thêm nhiều doanh nghiệp Anh cân nhắc, lựa chọn Việt Nam là điểm đến".

Khi được hỏi về cảm nghĩ của các doanh nghiệp tại Anh về UKVFTA, ông Paul Smith cho biết đầu tiên là nhiều doanh nghiệp tại Anh nhận ra Việt Nam và những điều kiện mà Việt Nam đưa ra cho họ. Nhiều tổ chức ở Anh như Vietnam-UK Network sẽ thúc đẩy góp phần để ngày càng có nhiều doanh nghiệp Anh hiểu hơn về Việt Nam.

Khi có niềm tin, các doanh nghiệp sẽ tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, ông tin rằng họ sẽ thấy yêu đất nước và con người Việt Nam ngay từ lần đầu tiên đến giống như bản thân ông, và cứ thế dòng đầu tư sẽ tăng dần lên theo thời gian, số lượng các doanh nghiệp Anh vào Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam vào Anh chắc chắn sẽ tăng lên.

Nhận xét về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, Ông Paul Smith đã bày tỏ sự hài lòng, phấn khởi của mình khi kể "với hơn 20 năm hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, tôi thấy tương đối dễ khi kinh doanh tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam rất thực tế và có chính sách cởi mở đối với các hoạt động đầu tư nước ngoài cũng như giải quyết những khúc mắc cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại đây. Chính phủ đã có những bước tiến bộ dài trong việc đưa ra các quy định về hoạt động thương mại, vấn đề bản quyền và bảo hộ trí tuệ. Tôi có niềm tin trong tương lai số doanh nghiệp Anh hiện diện tại Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, để điều này xảy ra cần có thêm chút ít thời gian nữa...".

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh Nguyễn Cảnh Cường: "UKVFTA sẽ đảm bảo giao thương giữa hai nước không bị gián đoạn và duy trì đà phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sang UK trong thời gian tới".
    
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, những sản phẩm may mặc, đồ thể thao, đồ gỗ, máy tính, điện thoại di động, trà, cà phê, hồ tiêu, tôm nuôi, gạo đặc sản, các loại quả nhiệt đới (chuối, bưởi, xoài, thanh long), thép xây dựng sẽ có khả năng cạnh tranh tốt tại thị trường Anh. Những sản phẩm này là thế mạnh rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam mà nhu cầu của thị trường Anh rất lớn, hiệp định UKVFTA sắp tới sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng thị phần trên thị trường Anh. Trong lĩnh vực dịch vụ, ngành thiết kế phần mềm và vận tải hàng không của Việt Nam có khả năng cạnh tranh.

Tham tán Thương mại Nguyễn Cảnh Cường cho biết, sản phẩm Việt Nam từ lâu nay đã gia tăng thị phần tại thị trường Anh, nhưng chỉ chiếm không tới 0,1% nhu cầu nhập khẩu vào thị trường Anh, một trong những lý do là sự cạnh tranh cùng mặt hàng từ các nước xuất khẩu lớn rất mạnh. Một số đối thủ cạnh tranh các mặt hàng của Việt Nam tại Anh gồm Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Hàn Quốc, và rất nhiều quốc gia khác có thể mạnh về sản xuất hàng tiêu dùng.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-UK sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác vì trong những năm sắp tới chưa nhìn thấy các nước đối thủ cạnh tranh nói trên sớm có hiệp định thương mại tự do với nước Anh, ít nhất là trong khoảng thời gian đó các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam là có lợi thế cạnh tranh.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Anh 10 tháng 2020 đạt khoảng 4,1 tỷ đô la Mỹ, giảm khoảng 14% so với 10 tháng năm 2019. Xuất khẩu tháng 10/2020 đạt hơn 477 triệu đô la Mỹ, tăng 1,3% so với tháng 9/2020. Xuất khẩu Việt Nam sang Anh đang dần phục hồi từ tháng 8/2020 nhờ EVFTA.
    
Một số vấn đề cần lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam khi UKVFTA được thực hiện

Để vào được thị trường Anh, hàng hóa Việt Nam cần đáp đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, thẩm mỹ, vệ sinh, môi trường với giá cả cạnh tranh. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp VN tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng, và hạ giá thành sản phẩm. Tham tán Thương mại Nguyễn Cảnh Cường cho biết UK đã rời EU với thời kỳ chuyển tiếp kết thúc vào ngày 31/12/2020. Chính phủ Anh đã ban hành Chính sách ngoại thương hậu Brexit và có thể sẽ dần dần điều chỉnh một số quy định về tiêu chuẩn sản phẩm, quy trình sản xuất, thủ tục hải quan. Doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt kịp thời những thay đổi này khi sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Anh.

Ngoài ra, việc lựa chọn sử dụng đồng Bảng Anh hay USD trong đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại đòi hỏi doanh nghiệp phải theo dõi sát biến động tỉ giá giữa GBP và USD. Không nên chấp nhận điều khoản thanh toán trả chậm để hạn chế rủi ro biến động tỉ giá và rủi ro phá sản của bạn hàng. Cẩn trọng giao dịch hợp đồng trị giá lớn với các doanh nghiệp mới thành lập. Nhất thiết phải xác minh uy tín và tình trạng tài chính của đối tác trước khi mới giao dịch lần đầu.
    
Vương quốc Anh có nền kinh tế lớn thứ năm trên Thế giới, thị trường lớn thứ hai tại châu Âu với gần 70 triệu người tiêu dùng (chưa kể khách du lịch) có GDP/trên đầu người gần 44.000 USD (2019). Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiền lược (2010), thương mại song phương đã không ngừng mở rộng. Trong 3 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 6 tỉ USD hàng hóa sang UK trong khi nhập khẩu 1 tỉ USD hàng hóa từ UK. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm Việt Nam chỉ chiếm chưa tới 1% tổng trị giá hàng nhập khẩu hàng năm gần 700 tỉ USD. Lợi thế cạnh tranh nhờ UKVNFTA chắc chắn sẽ giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam mở rộng sản xuất và gia tăng xuất khẩu sang UK trong thời gian tới.

Diễm Quỳnh - Đình Thư (TTXVN)
Nhật Bản và Vương quốc Anh ký Hiệp định Thương mại Tự do hậu Brexit
Nhật Bản và Vương quốc Anh ký Hiệp định Thương mại Tự do hậu Brexit

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 23/10, tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản và Vương quốc Anh đã ký Hiệp định Thương mại Tự do song phương để mở đường cho thỏa thuận này có hiệu lực vào đầu năm 2021 nhằm đảm bảo tính liên tục trong hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai nước sau khi giai đoạn chuyển tiếp Anh rời Liên minh châu Âu (EU) kết thúc.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN