Triển vọng đầu ra cho cây cỏ ngọt Việt Nam

Theo Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam (VSA) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đầu ra cho sản phẩm cây cỏ ngọt là rất khả quan và có thể không lâu trong thời gian tới, chế phẩm từ cỏ ngọt Việt Nam sẽ có mặt tại thị trường Mỹ.

Giáo sư Trần Đình Long - Chủ tịch VSA khẳng định, hiện nay thị trường của sản phẩm đường sản xuất từ cây cỏ ngọt tương đối khả quan, đặc biệt là hai thị trường lớn là Mỹ và châu Âu (EU). “Nhiều doanh nghiệp của Mỹ và EU đã đề xuất mua toàn bộ các chế phẩm cỏ ngọt của Việt Nam nếu chúng ta sản xuất được”, GS Trần Đình Long cho biết.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là phải áp dụng công nghệ cao trong việc trồng cỏ ngọt. Từ khâu giống cho đến quy trình canh tác đều phải chuẩn hóa, do đó đòi hỏi đầu tư rất lớn và các điều kiện về giống, môi trường sinh thái tương đối kén chọn. Hiện một số khu công nghệ cao đang tích cực hưởng ứng và kêu gọi liên doanh đầu tư dây chuyền sản xuất chế biến chế phẩm cỏ ngọt với khoảng 5 triệu USD/dây chuyền. Mỗi kg đường chế biến từ cỏ ngọt có giá từ 120 - 150 USD…
 
Trước đó, ngày 15/3, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị VSA phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ, xây dựng Đề án nghiên cứu, sản xuất, chế biến và tiêu thụ cỏ ngọt theo hướng công nghệ cao tại Việt Nam.


Theo Bộ NN&PTNT, cỏ ngọt là loại cây trồng không tranh chấp với đất trồng lúa, có nhiều công dụng quý. Quy trình nhân giống và kỹ thuật canh tác đơn giản, đầu tư không cao, năng suất ổn định, dễ tiêu thụ và hiệu quả kinh tế cao. Hiện, cây cỏ ngọt đã được trồng tại Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nội, Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Lâm Đồng… Việc nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất thử cho thấy: Cỏ ngọt phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của nhiều vùng sinh thái tại Việt Nam. Tuy nhiên, diện tích cỏ ngọt cả nước mới đạt 100 ha; việc nghiên cứu, sản xuất, chế biến và tiêu thụ chưa được tổ chức và đầu tư có hệ thống bài bản.

M.M
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN