Tại Hội nghị, ba đơn vị có phương pháp canh tác lúa được kiểm chứng và đạt hiệu quả cao nhất về giảm phát thải khí nhà kính, đã được lựa chọn trao giải với tổng giá trị giải thưởng 100.000 USD; trong đó, Công ty cổ phần giống cây trồng Viện cây lương thực và thực phẩm đoạt Giải nhất với giải thưởng 50.000 USD.
Thái Bình là tỉnh duy nhất trong cả nước được lựa chọn tham gia dự án với hai giai đoạn. Kết thúc giai đoạn I - giai đoạn thử nghiệm công nghệ, Ban quản lý dự án đã lựa chọn được 6/11 đơn vị tham gia tranh giải đi tiếp vào giai đoạn 2. Giai đoạn 2 - giai đoạn nhân rộng của dự án gồm 4 vụ liên tiếp, bắt đầu từ vụ Xuân năm 2019, kết thúc vào vụ Mùa năm 2020.
Để giành được giải thưởng, các công nghệ cần chứng minh được hiệu quả về số lượng nông hộ sử dụng công nghệ, tiềm năng sử dụng lặp lại công nghệ, tổng lượng khí nhà kính được cắt giảm và mức tăng năng suất.
Dự án AVERP xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng các công nghệ, công cụ và phương pháp tiên tiến với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình canh tác và sản xuất lúa gạo, góp phần nâng cao sinh kế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dự án AVERP hướng tới mục tiêu hỗ trợ phát triển sinh kế cho khoảng 75.000 nông hộ khu vực đồng bằng sông Hồng, giảm 375.000 tấn CO2 tương đương, giảm khoảng 15% chi phí cho các nông hộ do sử dụng hiệu quả vật tư đầu vào; đề xuất các phương pháp canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính được thực nghiệm và kiểm định quốc tế nhằm nhân rộng tại Việt Nam.
Cơ quan Quản lý dự án AVERP (SNV) và các Cơ quan Kiểm định (Công ty Applied Geo-Solutions AGS/Viện Môi trường Nông nghiệp - IAE) đã phối hợp chặt chẽ với Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD) và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình, thu thập dữ liệu về các chỉ tiêu nông học và đo đạc phát thải khí nhà kính.
Tất cả các dữ liệu được phân tích để tính năng suất và lượng phát thải khí nhà kính so với dữ liệu cơ sở của phương thức canh tác lúa truyền thống với các mô hình đối chứng tương ứng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định: Đây là vụ lúa thứ hai, các đơn vị tham gia dự thi trình diễn các công nghệ đã quen dần, hoàn chỉnh dần gói công nghệ của mình cũng như cách tổ chức thực hiện với công nghệ. Trong vụ lúa thứ hai này, các đơn vị dự thi đều rất hài lòng với điều kiện, cách tổ chức để thể hiện hết các công nghệ và đã thu được kết quả rất đáng khích lệ.
Cùng với những đánh giá, kiểm định độc lập của những tổ chức quốc tế đối với 11 đơn vị dự thi trình diễn 11 gói công nghệ, trong lần này ban quản lý dự án đã chọn được ba đơn vị có thành tích tốt nhất về năng suất cây trồng, hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính và chọn được 6 đơn vị để trình diễn trong các vụ lúa tiếp theo.
Đặc biệt, cuộc thi cũng cho thấy các gói công nghệ lần này dù không được lựa chọn nhưng có nhiều công nghệ rất tốt, nhiều ưu điểm tốt và sẽ được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, lồng ghép để nhân rộng trong quá trình sản xuất để lựa chọn công nghệ phù hợp cho từng vùng sản xuất, bởi không có công nghệ nào phù hợp với tất cả các vùng sản xuất.