Hiện, giá lợn hơi tại các tỉnh phía Nam đã tăng lên khoảng 20% so với hồi đầu năm, kéo theo đó nhiều mặt hàng tươi sống khác cũng “rục rịch” tăng theo. Điều này đang khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng về đợt tăng giá mới trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Tuy nhiên, theo các đơn vị tham bình ổn giá tại TP Hồ Chí Minh, lượng hàng thiết yếu phục vụ thị trường Tết khá dồi dào, giá cả cũng sẽ được giữ ổn định từ nay đến hết Tết Nguyên đán.
Mức tăng chấp nhận được
Theo ghi nhận của phóng viên, cách đây vài tháng, việc chăn nuôi lợn đối với bà con nông dân như “ngồi trên đống lửa”. Nhiều hộ vừa đầu tư con giống vừa lo sợ thức ăn chăn nuôi cao, trong khi giá lợn hơi rớt thê thảm, khi đó giá lợn hơi chỉ từ 40.000 – 42.000 đồng/kg. Thậm chí có thời điểm chạm đáy 32.000 – 35.000 đồng/kg. Tuy nhiên, gần 1 tháng trở lại đây, giá lợn tại các tỉnh Phía Nam đã nhích lên mức 49.00 – 50.000 đồng/kg.
Bà Trần Thị Liên, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết, lợn hơi được các thương lái mua ở mức khá cao nên việc xuất chuồng cũng dễ dàng hơn. Thương lái còn đến tận nhà thu mua, có loại nào mua loại đó chứ không kén chọn như những lứa trước.
“Với mức tăng giá này chỉ vừa về đúng giá trị thực của con lợn, người chăn nuôi chúng tôi mới tạm sống được. Bởi trước đây, với giá xấp xỉ 40.000 đồng/kg khiến tôi lỗ vào đến từ 700.000 – 800.000 đồng/con lợn.”- Bà Liên cho biết thêm.
Tương tự, ông Nguyễn Chí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, giá lợn hơi tăng hiện nay là mức chấp nhận được chứ chưa có dấu hiệu tăng giá bất thường. Bởi cùng thời điểm này những năm trước, giá lợn hơi liên tục ở mức 55.000 đồng/kg, thậm chí có lúc đạt kỷ lục 65.000 đồng/kg.
Theo ông Công, giá thịt lợn tăng như vậy là do các cơ quan chức năng đang tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn các loại lợn bẩn tuồn vào thị trường để người tiêu dùng an tâm. Khả năng tái đàn của người dân cũng đang có dấu hiệu khả quan. Đặc biệt, đây là thời điểm cuối năm, thương lái tăng nhu cầu mua lợn để phục vụ thị trường Tết nên giá nhích theo.
Giá thịt lợn hơi tăng kéo theo nhiều loại thực phẩm tươi sống khác như thịt gà, hải sản... tại các chợ lẽ cũng "rục rịch" tăng giá theo. |
Hiện nay, mỗi ngày người chăn nuôi ở Đồng Nai cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh gần 8.000 con lợn thịt, tương đương 700 tấn/ngày. Từ tháng 11 đến nay, lượng lợn thịt đưa ra thị trường tăng thêm 2.000 con/ngày. Số lượng đàn lợn của tỉnh Đồng Nai lên đến 1,3 – 1,4 triệu con., tăng khoảng 200.000 con so với cùng kỳ năm 2012.
Có dấu hiệu “găm” hàng
Mặc dù theo lí giải người chăn nuôi có giá thịt lợn hơi tăng là chuyện chấp nhận được, có tăng mới giảm bớt việc chăn nuôi thua lỗ mấy tháng nay, còn một số công ty phân phối thực phẩm lại cho rằng, giá lợn hơi tăng là do các chủ trại "găm" hàng.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, lượng lợn hiện rất dồi dào nhưng do các trang trại chăn nuôi "găm" hàng lại để “nuôi” giá. Hiện, giá đã tăng lên 20% so với hồi đầu năm. Với giá lợn hơi tăng mạnh như hiện nay đủ để các doanh nghiệp bình ổn mặt hàng thịt lợn điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, Vissan vẫn đang cố gắng không tăng gía thịt lợn bình ổn từ nay đế hết Tết.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết, hiện Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn đã đề nghị tăng giá thịt lợn bình ổn thị trường và giá lợn hơi tăng. Sở Tài chính thành phố đang kiểm tra các yếu tố nguyên liệu đầu vào để đưa ra quyết định.
Tuy nhiên, ông Công lại cho hay, thời điểm này chẳng người chăn nuôi nào dại gì mà "găm" hàng, vì lợn bán theo lứa, đến lứa thì bán. Nếu lợn quá lứa sẽ mất giá ngay lập tức. Hơn nữa, mặc dù giá lợn hơi có tăng như hiện nay, nhưng các công ty phân phối thực phẩm vẫn có lãi, do họ đã có một lượng hàng dự trữ nhất định, khá dồi dào.
Trước tình hình thịt lợn hơi tăng giá, kéo theo giá thịt lợn bán tại các chợ lẻ như Thị Nghè (Bình Thạnh), Tân Định (quận 1), Nam Hòa (quận 9)… cũng đã tăng lên 3.000-5.000 đồng/kg tùy loại. Theo đó, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống như gà ta, gà công nghiệp…. cũng nhích lên 2.000-3.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá các loại thủy hải sản tăng rất mạnh với lý do gần Tết người ta ít đi biển nên khan hiếm hàng. Một tiểu thương tại chợ Nam Hòa (quận 9) cho biết, mặc dù sức mua yếu song các loại hải sản tươi sống tăng trung bình 5.000-10.000 đồng/kg. Ví dụ cá 50.000 tăng lên 60.000 đồng/kg, cá bạc má giá 80-85.000 tăng lên 90.000-100.000 đồng/kg….
Các loại thực phẩm tươi sống tại các chợ lẻ tăng giá, tuy nhiên giá cả các mặt hàng tươi sống tham gia Chương trình Bình ổn thị trường Tết Giáp Ngọ 2014 vẫn được các doanh nghiệp đảm bảo ổn định, không tăng giá trong 2 tháng Tết (1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết Giáp Ngọ 2014 kể từ ngày 01/01/2014 đến 28/02/2014).
Năm nay, thịt gia súc mà các đơn vị bình ổn dự kiến cung ứng 5.835 tấn, chiếm 32% nhu cầu, vượt 21% kế hoạch, trong đó lượng hàng bình ổn là 5.755 tấn vượt 14% lượng thực hiện Tết Quý Tỵ 2013. Với mặt hàng thịt gia cầm có khả năng cung ứng 7.790 tấn, chiếm 66% nhu cầu, vượt 31% kế hoạch, trong đó lượng hàng bình ổn là 7.300 tấn vượt 114% lượng thực hiện Tết Quý Tỵ 2013. Mặt hàng, thủy hải sản có khả năng cung ứng 1.646 tấn, chiếm 9% nhu cầu, vượt 195% kế hoạch, trong đó lượng hàng bình ổn là 738 tấn, vượt 185% so với Tết Quý Tỵ.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết