Tổng cục Thủy sản và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phối hợp gỡ 'thẻ vàng' thuỷ sản

Chiều 19/8, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai bên giai đoạn 2020-2021, triển khai kế hoạch 2022-2023.

Chú thích ảnh
Tàu cá neo đậu trên vùng biển huyện An Biên. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Theo ông Lê Tuấn, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư, trong giai đoạn vừa qua, hai bên đã duy trì liên lạc, trao đổi, cung cấp thông tin, tình hình liên quan đến hoạt động nghề cá trên biển. Đặc biệt là những vấn đề về tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam; tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài và bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; tai nạn tàu cá trên các vùng biển…

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã có nhiều thông báo về tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài gửi cho Tổng cục Thủy sản và chính quyền địa phương để xử lý, có biện pháp tăng cường quản lý và tuyên truyền giáo dục đối với các tàu cá vi phạm theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Tổng cục thủy sản đã cung cấp các tài khoản giám sát hành trình tàu cá phục vụ việc theo dõi, nắm tình hình tàu cá Việt Nam. Hàng ngày, hai bên trao đổi các bản tin cảnh báo về tàu cá có dấu hiệu vi phạm.

Điển hình như Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 4  đã phối hợp với Chi cục Thủy sản các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng nắm danh sách các tàu cá đã được lắp thiết bị giám sát hành trình, danh sách các tàu cá hoạt động vùng bờ, vùng lộng, vùng khơi. Đồng thời, thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin với Chi cục Thủy sản các tỉnh trên về các trường hợp tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, cảnh báo tàu cá vượt ranh, thông tin về các tàu cá vi phạm để phối hợp quản lý, ngăn chặn hành vi vi phạm.

Ông Lê Tuấn cũng cho biết, hai bên đã chủ động phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tổ chức, cá nhân hoạt động nghề cá trên biển bằng các hình thức như: phát tờ rơi, sổ tay đi biển, những quy định của pháp luật trong lĩnh vực thủy sản nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển, bảo vệ nguồn lợi và môi trường thủy sản.

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của Tổng cục Thủy sản tham mưu giải pháp chống khai thác IUU để khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu đối với Việt Nam.

Hai bên thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến tìm kiếm cứu nạn trên biển; chủ động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Trong 2 năm 2020-2021, lực lượng cảnh sát biển đã phối hợp thực hiện 44 vụ việc tìm kiếm cứu nạn; kết quả cứu được 11 tàu, 129 ngư dân.

Trong giai đoạn 2022-2023, ông Lê Tuấn cho biết, hai bên tiếp tục tham mưu cho hai Bộ và Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định - IUU, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu. 

Hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh ven biển tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho các tổ chức, cá nhân hoạt động nghề cá trên các vùng biển về Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Thủy sản; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật của Việt Nam, quốc tế trong hoạt động khai thác hải sản. Cùng với đó là có nhiều biện pháp hướng dẫn ngư dân nhận biết ranh giới vùng biển Việt Nam với các nước, nhất là khu vực chưa phân định, chồng lấn, nhạy cảm, để ngư dân không xâm phạm.

"Tăng cường phối hợp hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, đặc biệt ở vùng biển giáp ranh để kịp thời phát hiện các tàu cá có dấu hiệu vi phạm, cố tình xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản và có biện pháp tuyên truyền, xử lý nghiêm đối với hành vi khai thác IUU", ông Lê Tuấn nhấn mạnh.

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục chủ trì phối hợp xây dựng và triển khai Chương trình "Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân" tại các xã, huyện đảo xa đất liền của 12 tỉnh ven biển; lấy đầu mối Hải đoàn, Hải đội Cảnh sát biển kết nghĩa với xã, huyện đảo. Mục tiêu của chương trình là tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng các xã, huyện đảo vững mạnh; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ ngư dân hoạt động nghề cá an toàn, đúng pháp luật.

Từ năm 2020 đến nay, cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phối thuộc với Bộ Tư lệnh Hải quân và lực lượng kiểm ngư tuần tra khảo sát khu vực giáp ranh đường phân định thềm lục địa Việt Nam- Malaysia, Việt Nam- Thái Lan. Các đơn vị đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 304 tàu/435 đối tượng với tổng số tiền trên 2,57 tỷ đồng về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản.

Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo về chống khai thác IUU, đơn vị đã xác định đây nghiệm vụ chính trị trọng tâm. Qua tuần tra, giám sát, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã phân loại các nhóm tàu như: tàu có nguy cơ vi phạm cao, tàu nguy cơ thấp... để phối hợp với lực lượng biên phòng tuyên truyền cho hiệu quả.

Thiếu tướng Lê Quang Đạo cũng đề nghị hai bên tiếp tục rà soát tỉ mỉ, khách quan kết quả thực hiện, trong đó có tính đến tính yếu tố vùng miền để bổ sung những nội dung vào quy chế phối hợp. Những nội dung chưa làm được thì cần được chỉ ra và có kế hoạch thực hiện cụ thể.

Bích Hồng (TTXVN)
Thái Bình: Nhiều chuyển biến trong khắc phục 'thẻ vàng' IUU
Thái Bình: Nhiều chuyển biến trong khắc phục 'thẻ vàng' IUU

Là một trong 28 địa phương ven biển, tỉnh Thái Bình đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) theo các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN