Thái Nguyên có những vùng chè nổi tiếng hoặc nằm bên bờ sông Cầu, hoặc men theo chân dãy núi Tam Đảo, gồm: Tân Cương, La Bằng, Trại Cài, Phúc Thuận, Minh Lập, Tức Tranh, Vô Tranh…
Chất lượng và hương vị chè của những vùng này có nhiều nét đặc sắc riêng, nhưng nổi trội hơn cả phải kể đến chè Tân Cương và vùng chè Trại Cài.
Từ sáng sớm người trồng chè Tân Cương đã có mặt trên những đồi chè để hái những búp chè còn ngậm sương. |
Theo nhiều người sành uống chè, đã thưởng thức nhiều loại chè ở nhiều nơi, nhận xét, họ chưa thấy thứ chè nào lại ngon như chè Tân Cương, bởi chè Tân Cương có hương vị tự nhiên, màu nước xanh vàng, vị chát dịu, có vị ngọt lắng sâu trong vị giác. Ngày nay, Tân Cương còn có thêm một loại chè được xếp vào hàng đặc sản; đó là chè hữu cơ, cũng có người gọi là chè an toàn
Ông Nguyễn Văn Kim, Chủ nhiệm câu lạc bộ chè hữu cơ Tân Cương (xóm Nam Thái, xã Tân Cương) – đơn vị đầu tiên của cả nước được tổ chức Hữu cơ quốc tế IFOAM và tổ chức ICEA (Italia) cấp giấy chứng nhận sản phẩm chè sạch theo tiêu chuẩn châu Âu, cho biết: “CLB chè hữu cơ Tân Cương được thành lập năm 2005 với 16 hộ tham gia, diện tích chè trồng thử nghiệm khoảng 1,5 ha.
Quy trình sản xuất chè an toàn là sự thay đổi hẳn phương thức canh tác từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hữu cơ, có nghĩa là không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào trong suốt quá trình trồng, chăm bón và chế biến”. Sản xuất chè an toàn bắt đầu từ khâu xử lý đất, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh đến chế biến chè. Các công đoạn chăm sóc chè phải đảm bảo đúng chủng loại (phân bón, thuốc trừ sâu vi sinh), đúng liều lượng, thời điểm, phương pháp. Quy trình này khắc phục được tính tuỳ tiện, thiếu khoa học trong tập quán sản xuất của người nông dân.
Anh Trần Văn Thắng, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, một nông dân điển hình đi đầu trong phong trào trồng chè an toàn nhớ lại: “Cây chè vốn đủ chất dinh dưỡng, cây khỏe, chống chọi được sâu bệnh, nay đột ngột bị giảm phân hóa học, cây trở nên yếu, dễ bị sâu tấn công. Khi đó, nhìn cây xấu lắm, lá không còn màu xanh mướt, búp cũng giảm, chúng tôi thấy nản”.
Anh nói tiếp: “Một vườn chè để sản xuất chè hữu cơ phải mất vài ba năm chuyển đổi. Đó cũng là quãng thời gian chúng tôi vất vả nhất, chăm cây hơn chăm con mọn. Từ sáng sớm đến tối mịt đều có mặt ở đồi chè, săm soi từng kẽ lá để tìm trứng sâu, hết bắt bằng tay lại dùng các loại bẫy, nhiều người còn tự chế các loại thuốc diệt trừ sâu từ cây cỏ thiên nhiên”.
Chị Phương hướng dẫn xã viên sao chè đúng quy trình an toàn. |
Chị Trần Thị Phương, Chủ nhiệm HTX chè Hà Phương (xóm Cà Phê 2, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ) nói: “Ban đầu thực hiện quy trình sản xuất chè an toàn, năng suất giảm, nhiều xã viên muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, chỉ sau 3-4 tháng (2 lứa chè), năng suất bắt đầu tăng lên, chất lượng chè cao hơn, sản phẩm chè đạt mức an toàn và đặc biệt là cây chè không bị thoái hóa nhanh. Thế là xã viên hồ hởi, yên tâm thực hiện theo quy trình mới”.
Theo tính toán của chị Phương, trước kia 1 ha chè nếu thực hiện theo quy trình cũ phải đầu tư khoảng 6 triệu đồng/năm, nay theo quy trình sản xuất an toàn chỉ còn 4 triệu đồng/năm, năng suất, chất lượng chè lại cao hơn hẳn. Cách sản xuất, chế biến chè an toàn yêu cầu người dân phải thực hiện đúng quy trình, diến biến thực tế sinh trưởng cũng như tình hình sâu bệnh hại trên cây chè.
Thuốc bảo vệ thực vật phải sử dụng đúng danh mục loại thuốc dùng cho chè. “Toàn bộ quy trình chăm sóc, chế biến chè an toàn được ghi chép đầy đủ để đối chứng, so sánh và rút kinh nghiệm qua từng mùa vụ.
Các xã viên rất tự giác thực hiện các bước theo quy trình đã được tập huấn”, chị Phương cho biết. “Đối với người làm chè, lợi ích trước mắt của sản xuất chè hữu cơ là tận dụng được nguồn lao động dôi dư và tiết kiệm được chi phí đầu vào (giảm tới 60% so với sản xuất thông thường), còn mối lợi về lâu dài là môi trường sống được cải thiện rõ rệt, sức khỏe người dân vùng chè được bảo vệ tốt và sản xuất ra những sản phẩm an toàn”, ông Đặng Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ cho biết thêm.
Trong quy trình sản xuất chè sạch, ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn trong trồng và chăm sóc, người làm chè còn đặc biệt chú trọng đến kỹ thuật sao chế chè. Từng công đoạn, từ thu hái đến sao, vò đều được làm đúng kỹ thuật truyền thống. Toàn bộ sản phẩm chè búp khô đều là chè “sao suốt”, tức là sao, vò, lấy hương đều phải làm liên tục.
Trước đây, người ta sao chè bằng chảo gang, lấy hương bằng chảo đồng, nhưng năng suất chế biến thấp, người làm “siêu” lắm cũng chỉ sao được khoảng 5 kg/ngày. Nay tất cả quá trình sao, vò, lấy hương chè đã có máy móc hiện đại, rút ngắn thời gian, năng suất chế biến cao.
Nhưng không vì thế mà chè kém ngon vì phần lớn độ ngon, dở phụ thuộc vào việc điều chỉnh lửa ở tay người. Trả lời về chất lượng của chè hữu cơ, chị Phương cho biết: “Trước kia, để sao được 1 kg chè khô phải dùng 6 kg búp chè tươi, thời gian sao lâu hơn, hiệu quả kinh tế thấp vì cây chè bón phân hóa học lá sẽ nhiều nước. Nay để có 1 kg chè khô chỉ cần dùng từ 4,5 – 5 kg búp chè, đỡ tốn kém, chất lượng cao, hương vị chè ngon hơn”. Giờ đây, chương trình sản xuất chè an toàn không chỉ có ở Tân Cương và vùng chè Trại Cài mà đã có mặt ở khắp các vùng chè trong tỉnh Thái Nguyên.
Chương trình này không còn mang tính hình thức, phong trào mà đã trở thành một phương thức canh tác, một tập quán mới với người trồng chè. Trong xu hướng tiêu dùng với tiêu chí an toàn cho sức khoẻ được đặt lên hàng đầu, việc sản xuất chè an toàn ở Thái Nguyên vừa giữ được nét đặc trưng, những tinh hoa vốn có của nghề trồng chè truyền thống, vừa tiếp thu được những tiến bộ khoa học kỹ thuật để chè Thái Nguyên mãi mãi là “Đệ nhất danh trà”.
Trang An