Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, lý do phải thực hiện các ứng dụng trên là hiện nay tốc độ phát triển thương mại điện của của Việt Nam tương đối mạnh mẽ. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Google đã đưa ra những nhận định về khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025, đòi hỏi thu thuế và quản lý thuế rất cao. Hơn nữa, trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ thì việc chuyển đổi sang mua bán online là tất yếu.
“Thực tiễn này đòi hỏi cần có những thích ứng phù hợp, kịp thời, không chỉ nhằm quản lý hiệu quả mà còn tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời, tạo sân chơi bình đẳng giữa loại hình kinh doanh truyền thống và hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, giữa hoạt động kinh doanh trong nước và hoạt động kinh doanh xuyên biên giới. Đặc biệt, các ứng dụng này mang lại tiện ích rất lớn cho người nộp thuế, quản lý thuế tốt hơn và hiện theo đúng mục tiêu của chuyển đổi số”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Tổng cục Thuế, thông qua cổng thông tin điện tử http://etaxvn.gdt.gov.vn, nhà cung cấp nước ngoài có thể đăng nhập và kê khai thuế nộp thuế ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần có địa chỉ email và thiết bị như máy tính, điện thoại có kết nối internet. Sau khi kê khai thuế hoàn tất, người nộp thuế sẽ nhận được email xác nhận nộp tờ khai, hướng dẫn nộp thuế với mức thuế và số tiền thuế phải nộp.
Ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, với đặc thù của các nhà cung cấp ở nước ngoài là không có cơ sở thường trú ở Việt Nam, các hoạt động kinh doanh chủ yếu thông qua môi trường số và trên các ứng dụng internet,… Do đó, các hình thức đăng ký, kê khai, nộp thuế truyền thống như trước đây sẽ không còn phù hợp và khó thực hiện.
Để đáp ứng tốt với tình hình mới, nâng cao hiệu quả quản lý thuế cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với ngân sách Nhà nước Việt Nam trong quá trình kinh doanh, Tổng cục Thuế đã chủ động nghiên cứu, xây dựng cổng thông tin dành riêng cho nhà cung cấp nước ngoài.
“Đây không chỉ là địa chỉ để nhà cung cấp nước ngoài thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế mà còn là nơi nhà cung cấp nước ngoài có thể tra cứu thông tin, tìm hiểu về hệ thống chính sách pháp luật thuế và các chính sách pháp luật liên quan về lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam”, ông Cao Anh Tuấn nói.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng nghiên cứu, mở rộng các hình thức hỗ trợ cho người nộp thuế, đặc biệt là các cá nhân, hộ kinh doanh. Điều này nhằm hỗ trợ tối đa, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các cá nhân, hộ kinh doanh có thể dễ dàng tra cứu, tiếp cận đầy đủ thông tin về chính sách pháp luật thuế, nghĩa vụ thuế phải thực hiện của mình. Đồng thời, thực hiện nộp thuế một cách đơn giản, dễ dàng và thuận tiện nhất qua ứng dụng dịch vụ thuế điện tử trên thiết bị di động Etax-Mobile.
Thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị Tổng cục Thuế tiếp tục duy trì, vận hành hệ thống Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và hệ thống Etax Mobile đảm bảo hoạt động liên tục, ổn định, thông suốt 24/7.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đảm bảo bảo mật cho các hệ thống này, tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp, tích hợp, bổ sung các tính năng, tiện ích mới, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhà cung cấp nước ngoài trong quá trình thực hiện, chấp hành chính sách pháp luật thuế và nghĩa vụ về thuế.
Bộ trưởng đề nghị Ngân hàng Nhà nước quan tâm chỉ đạo các Ngân hàng thương mại khẩn trương phối hợp với ngành Thuế tổ chức kết nối, triển khai dịch vụ thuế điện tử qua ứng dụng eTax Mobile.
Hiện nay, mới chỉ có 5 ngân hàng thương mại gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Quân đội (MBbank) hoàn thành thực hiện kết nối với cơ quan thuế trong việc triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử qua Etax Mobile.
Bộ trưởng cũng đề nghị, UBND các tỉnh tăng cường tuyên truyền với 2 dịch vụ này; đồng thời, giúp ngành tài chính xây dựng phát hành quản lý hoá đơn điện tử, phối hợp với ngành tài chính, trong đó có thuế, hải quan, kho bạc thực hiện quản lý thuế thu ngân sách tốt nhất.
Theo Bộ Tài chính từ năm 2018 đến hết tháng 12/2021 thì các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền là hơn 4.400 tỷ đồng, trung bình trên 1.000 tỷ đồng/năm.
Theo đó, một số tập đoàn lớn như Facebook là 1.694,77 tỷ đồng; Google là 1.618,42 tỷ đồng; Microsoft là 576,62 tỷ đồng. Năm 2020 số thu thuế từ dịch vụ số xuyên biên giới đạt 1.143,76 tỷ đồng, năm 2021 đạt 1.317,78 tỷ đồng, bằng 115,2% năm 2020.